Quảng Nam: Phú Ninh xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững

Với phương châm “xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các xã duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; phấn đấu đến năm 2025 sẽ về đích huyện nông thôn mới nâng cao.

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, có nhiều cách làm hay và sáng tạo; đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng với sự chung tay, góp sức của các tầng lớp Nhân dân và toàn xã hội. Bên cạnh đó, sự giúp đỡ kịp thời, toàn diện, có hiệu quả của Trung ương, tỉnh; huyện Phú Ninh đã triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn của huyện.

dt1v-1702994142.jpgTrong năm 2023, các xã huyện Phú Ninh đã đăng ký và được phê duyệt tiến độ xây dựng thôn thông minh. Hiện nay, phương án đã được phê duyệt xã đang tập trung thực hiện.


Nhìn lại hơn 10 năm thực hiện, đến nay bộ mặt nông thôn có nhiều tiến bộ, các khó khăn, bức xúc cơ bản được giải quyết, đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân ngày càng được nâng lên. Những kết quả trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần tạo nên bức tranh kinh tế, xã hội của huyện có nhiều khởi sắc; tỷ trọng nông nghiệp đến năm 2022 giảm còn 14.91%; Giá trị sản xuất ngành công nghiệp – xây dựng tăng 14%. Giá trị sản xuất ngành thương mại – dịch vụ tăng 21%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 50,88 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện giảm 06 hộ nghèo, còn 482 hộ, tỷ lệ 2,11%; trong đó, 32 hộ nghèo đa chiều, tỉ lệ 0,14%. Hộ cận nghèo giảm 20 hộ, còn 285 hộ, tỷ lệ 1,25%...

dt2b-1702996813.jpgĐường nông thôn mới khang trang, sạch đẹp ở xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Nông thôn mới ở đây đang thực sự “thay da, đổi thịt” từng ngày

Huyện Phú Ninh là đơn vị hành chính cách thành phố Tam Kỳ, trung tâm tỉnh lị khoảng 7km về phía Tây với 11 đơn vị hành chính cấp xã;  Năm 2010, Phú Ninh được Trung ương chọn là 01 trong 05 huyện của cả nước chỉ đạo điểm xây dựng huyện nông thôn mới. Đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân huyện nhà; Từ đó Đảng bộ, Chính quyền, các tầng lớp nhân dân huyện Phú Ninh đã đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi Chương trình, đến năm 2015 huyện được công nhận là huyện nông thôn mới và năm 2020 được công nhận lại sau 05 năm; 10/10 xã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Qua quá trình triển khai thực hiện, bước đầu nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc; người nông dân có những đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, nhiều mô hình sản xuất mới đã phát huy hiệu quả; một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt chir tiêu đề ra. Kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022-2025 giảm từ 2,14% vào năm 2021 xuống còn 1,93% vào năm 2023 (đa số hộ nghèo không có khả năng lao động, hưởng chính sách bảo trợ xã hội); thu nhập bình quân đầu người tăng.

Cơ sở hạ tầng đảm bảo đi lại, thông thương giao lưu buôn bán giữa các địa phương; Nhiều mô hình phát triển sản xuất gắn liền với hộ nghèo, hộ cận nghèo, trao phương tiện sinh kế; Nước sạch, vệ sinh, môi trường được cải thiện.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là một trong hai chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện.  Thực hiện phong trào “Quảng Nam chung tay vì người nghèo, không có ai bị bỏ lại phía sau”. Từ nhận thức nêu trên, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở của huyện Phú Ninh đã tập trung lãnh, chỉ đạo, có nhiều giải pháp, việc làm cụ thể để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, chống tái nghèo, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Trong đó có một giải pháp đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn huyện từ năm 2017 đến nay đem lại hiệu quả và việc làm thiết thực mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Phú Ninh ghi nhận, đó là công tác phân công cơ quan, đơn vị của huyện nhận giúp đỡ hộ nghèo phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

dt3h-1702996881.jpgChính quyền và nhân dân xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam luôn nỗ lực, quyết liệt xây dựng chương trình theo tiêu chí mới để giữ vững thành tích.

Từ kết quả hộ nghèo, hộ cận nghèo được điều tra, rà soát hàng năm, huyện chia thành 02 nhóm đó là nhóm không có lao động và  nhóm có lao động, có phương tiện sản xuất. Đối với nhóm có lao động, có tư liệu sản xuất (nhóm hộ nghèo đa chiều có khả năng lao động): Ngoài những chính sách quy định của Nhà nước, UBND huyện phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy chỉ đạo các địa phương, ngành rà soát, phân tích từng nguyên nhân của hộ nghèo, trên cơ sở đó xây dựng giải pháp cụ thể cho từng hộ. Từ thực trạng của hộ nghèo, giải pháp của địa phương, đặc thù của cơ quan, đơn vị trực thuộc huyện, UBND huyện tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy Quyết định phân công cơ quan đơn vị giúp đỡ thôn, khối phố xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, khối phố văn minh đô thị và giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đây là việc làm thường xuyên, xuyên suốt trong 08 năm qua.Từ đó thể hiện sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của mặt trận, đoàn thể, các ngành và cả cộng đồng chung tay xây dựng nông thôn mới, cả nước chung tay vì người nghèo không ai bị để lại phía sau. Không còn tình trạng chỉ có ngành chủ quản, chuyên môn chịu trách nhiệm trong triển khai thực hiện.

Ông Hùynh Xuân Chính – Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh thông tin thêm: Để động viên phong trào thi đua “Phú Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2022-2025, huyện sẽ khen thưởng cho các địa phương đạt chuẩn các Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2022-2025. Cụ thể, đối với xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, huyện sẽ thưởng 300 triệu đồng; công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, mức thưởng 600 triệu đồng/xã. Ngoài ra, huyện sẽ thưởng 50 triệu đồng đối với thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu và thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, mức thưởng 300 triệu đồng.