Quê hương

Những ngày giãn cách xã hội này, hình như lại thấy nhớ quê hương hơn. Quê tôi ở Nga Sơn, Thanh Hóa, mảnh đất mà người ta vẫn thường gán cho nhiều cổ tích hay dân giã hơn thì “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng”… Mỗi người ai cũng có một vùng quê để nhớ, quê hương mà, dù nó có khô cằn như hoang mạc thì người ta vẫn có lý do để yêu.
que-huong-1628832073.jpg
 

Có lần cả nhà ăn dưa hấu, tôi kể cho con gái nghe về sự tích dưa hấu của Nga Sơn. Câu chuyện tôi kể chẳng liên quan gì lắm đến sách giáo khoa mà đơn giản là một mẩu chuyện tôi đã đọc ở đâu đó và chỉ nhớ được những nội dung cơ bản. Đại loại: Có một cụ là vương hầu hay quý tộc gì đó ở mảng đất Nga Sơn tên là Mai An Tiêm. Cụ này giỏi giang, hào sảng và giao du rộng rãi. Vậy nên cũng có nhiều thủ lĩnh ở các vùng khác đến thăm chơi. Lực lượng của cụ mạnh và có một số người ganh ghét nên tâu với vua Hùng về việc Mai An Tiêm muốn làm phản. Vua Hùng lo sợ khả năng đó xảy ra nên đã đày Mai An Tiêm ra đảo. Ở đây, cụ Mai An Tiêm tình cờ phát hiện ra giống dưa quý, là dưa hấu bây giờ và phát triển nó lên. Sau này, vua Hùng nhận ra mình đối xử không đúng với Mai An Tiêm nên gọi lại vào đất liền và phục chức cho cụ. Đại loại vậy, con gái tôi nghe mà thích thú lắm. Với tôi thì những câu chuyện như vậy nghe có vẻ hợp lý và thực tế hơn.

Nói đến quê hương, dù không hề phóng đại, tôi vẫn có những điều tự hào của riêng mình. Ví dụ như cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Dù cuộc khởi nghĩa không mang lại thắng lợi cuối cùng cho dân tộc nhưng rõ ràng tinh thần chiến đấu, sự quả cảm bất khuất của những người con vùng chiêm trũng của đất Nga Sơn là không thể phủ nhận. Đọc lại những trang sử, những cái chết của con người miền chiêm trũng ấy, của những con người xứ Thanh quy tụ về đây để chiến đấu ấy, tôi tin không ai là không tự hào, cảm kích. Nói hay thì được, chứ không may mà cái dao bập phải ngón tay đã kêu oai oái đừng nói đến hi sinh, chiến đấu với giặc Pháp hùng mạnh với vũ khí và sự chuyên nghiệp vượt bậc. Tôi không hiểu sao, ở quê tôi không thấy nói gì đến di tích hay khu du lịch, khu tưởng niệm về cuộc khởi nghĩa này. Bạn bè của tôi ở các xã là căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa xưa có thông tin gì thì cho tôi biết với.

Ở quê tôi, có một thứ mà tôi công nhận là hấp dẫn, là nỗi nhớ của rất nhiều người con quê hương. Đó là hải sản. Nhiều vùng khác cũng có hải sản nhưng tôi thấy hải sản quê tôi rất ngon. Có thể do những món ăn đó gắn liền với tuổi thơ chăng hay do vùng biển Nga Sơn là biển đục nên hải sản ngon ngọt hơn? Tôi không biết nhưng những kỷ niệm tuổi thơ như nhà mua cua bể, bọ chải (có nơi gọi là tôm tích, bề bề) để ăn; tôi thường được ông bà gỡ cho miếng càng cua hay bóc vỏ con bề bề, ăn ngon đến giờ vẫn nhớ. Có những món ăn thực sự dân giã kiểu “nhà nghèo” như mực khô hấp cơm, cá khoai nấu canh, canh dắt… ăn có khi còn ngon hơn các bữa yến tiệc. Con mực chỉ to bằng vài ngón tay, khi phơi khô đi thì còn nhỏ nữa. Mỗi bữa nấu cơm, lũ trẻ chúng tôi lại hấp một ít khi nồi cơm đã cạn. Phải nói ăn mực khô hấp cơm rất… tốn cơm.

Rồi món canh dắt. Lúc còn nhỏ, canh dắt là món ăn quá tầm thường, dân dã. Có nhà nuôi vịt thì thường mua về cho vịt ăn. Còn nhà nào mua nấu canh thì người ta bán loại to hơn, đo bằng ống bơ, rẻ lắm. Hồi tôi còn nhỏ cứ cầm cái rá nhỏ xuống chợ. Mua mấy ông bơ dắt thường thì khoảng 50 đồng. Đây là số tiền mà bọn trẻ chúng tôi có thể mua được một que kem mà người ta cứ đi bán dạo quanh đường làng. Người bán kem xếp kem vào cái hộp vuông, bên ngoài bằng gỗ, bên trong là xốp để giữ nhiệt. Giữa các lớp kem là giấy báo được xé vụn ra. Người bán kem cứ đạp xe lòng vòng trong làng, tay vừa lái xe vừa cầm cái kèn nhỏ bằng sắt, ở đầu cái kèn gắn với cái hộp nhựa hoặc vật rỗng có thể bóp vào và đàn hồi lại. Mỗi khi không khí được bóp cho lưu thông thì phát ra tiếng kêu như “kem mút”. Tiếng kêu đó là nỗi thèm thường của lũ trẻ chúng tôi.

Đến đây, tôi xin quay lại về món canh dắt rẻ tiền ở trên. Dắt mua về được luộc rồi đãi lấy ruột phi thơm hành mỡ xào lên, rồi dùng nước luộc đã gạn lấy phần trong, không có cặn đất nấu canh với khế, canh rau mồng tơi thêm tí lá chanh, nấu cháo… Giờ món này là đặc sản. Tôi để ý ngoài Hà Nội cũng có, người ta bán để ăn cùng với bánh đa, dùng bánh đa để xúc ăn. Người ta bảo món ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời kể cũng đúng với quê tôi. Lúc bé tôi cũng chịu những trận đòn ra phết và những  lời khá cực đoan của người lớn. Những lời lẽ của con người miền quê nhiều vất vả nắng gió ít nhiều đã khiến lũ trẻ quê thường kém tự tin khi lớn lên; nhưng không sao, cố gắng mà vươn lên, mà nhận ra những điểm yếu để khắc phục cũng là sự trưởng thành mà ai cũng phải có, phải trải qua vậy.

Nghĩ đến một vùng quê, người ta hay gắn cho nó những mỹ từ như địa linh nhân kiệt, tôi thì không nghĩ vậy. Mảnh đất nào rồi cũng có những con người kiệt xuất. Tùy vào hoàn cảnh, đặc thù công việc mà họ phát huy được sở trường của mình hay không. Con người gắn với hoàn cảnh và hoàn cảnh cũng tạo nên con người vậy. Tôi không tin người dân một nước nào đó tốt mà chính quyền, chế độ đó lại không tốt và ngược lại. Người dân nào thì sinh ra đất nước, chế độ họ sống tương ứng như thế. Vậy nên, càng thấy ai đó dùng lời lẽ đao to búa lớn chê bai xã hội, thời cuộc thì tôi càng nghi ngờ về sự mâu thuẫn trong chính những lời đầy cảm xúc của họ. Phải nói vậy, để thấy rằng tôi không tin một quê hương nào đó chuyên sinh ra những con người giỏi giang, xuất chúng. Mỗi khi nghĩ về quê hương, tôi hay nghĩ đến câu người quê tôi hay nói:

Lênh đênh qua cửa Thần Phù

Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm

Cửa Thần Phù vốn là cửa biển, nay đã bị phù sa bồi đắp và nằm sâu trong đất liền ở phía Bắc của huyện Nga Sơn. Cửa Thần Phù nằm giúp với dãy Tam Điệp, nhiều đá nhọn lởm chởm nên nguy hiểm cho tàu bè qua lại. Vậy nên có câu thơ này. Một cửa biển phía trước mặt là biển Động, phía tay trái là dãy Tam Điệp hiểm trở và Đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn, phía tay phải là Bắc Trung Bộ. Bằng nhãn quan thông thường ta có thể thấy vị trí chiến lược của nó. Có lẽ vì vậy mà khỏi nghĩa Ba Đình cũng gần địa điểm này? Tôi không rõ lắm, giờ xin quay lại với cảm nhận của mình về câu thơ trên.

Là người con quê đi ra, tôi luôn phải lấy câu đó mà nhắc nhở mình. Không cố gắng là “chìm”. Đơn giản có vậy thôi. Cũng đơn giản và sáng trong như xưa cụ Mai An Tiêm thầm nghĩ khi tình cờ tìm thấy quả dưa hấu “chim ăn được chắc người cũng ăn được”. Sau này tôi vẫn thường nhủ với mình: cái cây cằn cỗi trên tường còn sống được, sao mình không sống được. Mang trong lòng mình những câu chuyện, những niềm tin của quê hương mà sống là điều tôi vẫn thường làm.

Khi lên facebook cá nhân, tôi hay kết bạn với những người cùng quê để biết thông tin về con người, về quê hương và cũng là để dễ tìm lại những kỷ niệm. Dù rằng những người bạn ở quê có kết bạn với tôi thì đa phần để bán hàng online 😃 nhưng cũng chả sao, cuộc sống mưu sinh mà, mong rằng họ sẽ chân cứng đá mềm và làm ăn phát đạt. Quê hương, đất nước còn nghèo, cố mà bươn chải chứ biết kêu ai giờ; và đôi khi, thấy ai đó bán món ăn, sản vật của quê hương, tôi thấy vui vui.

Nói chuyện quê hương trong ngày giãn cách thì dài lắm. Nỗi nhớ mà, có rất nhiều điều để nhớ. Tôi chỉ tản mạn vài dòng vậy. Xin cảm ơn nếu bạn chịu khó đọc đến đây!

13/8/2021