Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (Kỳ 13)                             

Trân trọng giới thiệu tiếp "Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử" của PGS TS Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành.

b0160217092659-kinhthanh2-1684570439.jpg

Kinh thành Thăng Long. Ảnh: Internet

 

Kỳ 13

VIII.  QUỐC HIỆU ĐẠI VIỆT THỜI LÊ TRUNG HƯNG VÀ THỜI TÂY SƠN (1533-1802).                                                                                     

1.Nhà Mạc: Qua 600 năm giành độc lập, chế độ phong kiến Việt Nam được xây dựng và phát triển toàn diện mà đỉnh cao là thời Lê Sơ thế kỷ XV. Bước vào thế kỷ XVI, chế độ phong kiến Việt Nam bắt đầu phản động, tha hoá. Xu hướng đi xuống của chế độ này được biểu hiện ở sự hủ bại, thối nát của giai cấp cầm quyền. Từ triều đình trung ương đến quan lại các cấp chính quyền địa phương đều mục ruỗng. Vua quan miệt mài trong các cuộc trác táng, trụy lạc, xa xỉ và phè phởn, vung phí tiền bạc của nhà nước, của nhân dân.

Vua Lê Uy Mục (tại vị 1505-1509) được người đương thời gọi là vua quỉ, Vua Lê Tương Dực (tại vị 1510-1516) được gọi là vua lợn. Bọn quí tộc đua nhau cướp đoạt ruộng đất của nông dân để xây cất cung điện, nhà cửa. Một chế độ độc đoán, chuyên quyền dẫn tới kẻ nào nắm quyền lực sẽ nắm được quyền cướp đoạt, chi phối kinh tế.  Đúng như F. Ăngghen nói: Quyền lực chính trị bản thân nó không sản sinh ra kinh tế nhưng nó có tác dụng cướp đoạt kinh tế. Vì lẽ đó bọn mọt dân ra sức mua quan bán tước, kiên quyết phải làm quan bằng mọi giá để cướp bóc,  đục khoét nhân dân. Quyền lực có thể giúp cho bọn mọt dân có thể cướp đoạt được mọi thứ còn là nguyên nhân dẫn tới cuộc đấu tranh khốc liệt trong nội bộ giai cấp cầm quyền để tranh giành quyền lực, dẫn tới xung đột, nội chiến giữa các tập đoàn phong kiến triền miên,  liên tục, gây tổn hại,  chết chóc,  đau thương khổ cực vô cùng tận cho nhân dân, phá hoại sự thống nhất đất nước .

  Những năm 20 của thế kỷ XVI, tập đoàn phong kiến mạnh nhất khi đó là họ Mạc thâu tóm hết quyền hành vào tay. Tháng 12 năm 1526, Mạc Đăng Dung giết vua Lê Chiêu Tông. Ngày 15 thánh 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung buộc vua Lê Cung Hoàng phải nhường ngôi cho Dung,  sau đó vua và hoàng thái hậu Trịnh Thị Loan bị Dung giết chết. Khi đó Lê Cung Hoàng mới 21 tuổi,  ở ngôi được 5 năm.

Như vậy thời Lê Sơ kể từ lúc chiến thắng quân Minh, Lê Thái Tổ lên ngôi vua năm 1428 đến Lê Cung Hoàng trải qua 10 đời vua, trị vì 100 năm. [1]Thời Lê Sơ kết thúc mở ra những trang đen tối trong lịch sử phong kiếnViệt Nam. Thời kỳ thịnh trị chấm dứt, thời kỳ suy thoái, nội chiến bắt đầu với cục diện Nam-Bắc triều là biểu hiện đầu tiên. 10 đời vua thời Lê Sơ là :

1 . Lê Thái Tổ (tại vị 1428-1433 )-5 năm

2 . Lê Thái Tông (tại vị 1434-1442 )-8 năm

3 . Lê Nhân Tông (tại vị 1443-1459 )-16 năm

4 . Lê Thánh Tông (tại vị 1460-1497 )-37 năm

5 . Lê Hiến Tông (tại vị 1497-1504 )-7 năm

6 . Lê Túc Tông (tại vị 1504 )

7 . Lê Uy Mục (tại vị 1505-1509 )-4 năm

8 . Lê Tương Dực (tại vị 1510-1516 )-6 năm .

9 . Lê Chiêu Tông (tại vị  1516-1522 )-6 năm

10 . Lê Cung Hoàng (tại vị 1522-1527 )-5 năm

(Còn nữa)

CVL

 

[1] :Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng:Các triều đại Việt Nam, sách đó dẫn, tr. 175-176.