Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt thuộc huyện Thuận Thành (Bắc Ninh)

Tại Quyết định số 737/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Dâu và hệ thống Tứ pháp, Thành cổ Luy Lâu (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
Chú thích ảnh
Chùa Dâu, trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất của Việt Nam. Ảnh: baobacninh.com.vn

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với quần thể Di tích quốc gia đặc biệt chùa Dâu và hệ thống Tứ pháp, Thành cổ Luy Lâu thành địa điểm giáo dục di sản, nơi minh chứng xác thực cho sự du nhập và giao lưu của Phật giáo với tín ngưỡng bản địa Việt Nam; từng bước đưa Thuận Thành trở thành đô thị gắn với di sản, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Đồng thời, phát huy giá trị quần thể Di tích quốc gia đặc biệt chùa Dâu và hệ thống Tứ pháp, Thành cổ Luy Lâu trở thành trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của tỉnh Bắc Ninh và vùng đồng bằng sông Hồng, du lịch văn hóa - lịch sử gắn với lễ hội; kết nối chùa Dâu và hệ thống Tứ pháp, Thành cổ Luy Lâu với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, điểm du lịch tại tỉnh Bắc Ninh và vùng phụ cận.

Theo phê duyệt, quy mô, ranh giới lập quy hoạch có tổng diện tích là 26,97 ha, trên địa bàn huyện Thuận Thành, gồm các điểm di tích: Di tích quốc gia đặc biệt chùa Dâu (thôn Đại Tự, xã Thanh Khương), Di tích lịch sử Thành cổ Luy Lâu (thôn Khương Tự và thôn Lũng Khê, xã Thanh Khương), chùa Đậu (thôn Đại Tự, xã Thanh Khương), Chùa Dàn (thôn Phương Quan, xã Trí Quả), chùa Tổ (thôn Mãn Xá và thôn Công Hà, xã Hà Mãn).

Quyết định nêu rõ, về định hướng không gian bảo tồn, tôn tạo di tích, phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố cấu thành tính nguyên gốc, tái hiện các đặc trưng của di tích, tạo không gian kết nối giữa các di tích.

Cùng với đó, xác định nguyên tắc chung và giải pháp cơ bản đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích của toàn khu vực quy hoạch và từng hạng mục, công trình di tích; rà soát các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã và đang được thực hiện để lập danh mục các đối tượng di tích cần tu bổ, các di tích cần tôn tạo, phục hồi và mức độ tu bổ, tôn tạo, phục hồi; nghiên cứu phục dựng các di tích đã bị phá hủy (khi đủ cơ sở khoa học và điều kiện về nguồn lực); định hướng bảo tồn cảnh xung quanh di tích, nghiên cứu phục hồi cảnh quan gắn vói không gian lịch sử của di tích, không gian văn hóa của cộng đồng xung quanh di tích.

Nguồn: TTXVN