Ra mắt bản thử nghiệm nền tảng Bộ sưu tập Di sản số

PV
Bộ sưu tập Di sản số là một nền tảng trực tuyến chia sẻ bộ sưu tập di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các cộng đồng, các nhóm và các cá nhân đa dạng tại Việt Nam. Bộ sưu tập di sản số là một phần của dự án Di sản Kết nối, một dự án Di sản Văn hóa hướng đến sự Phát triển đồng đều do Hội đồng Anh Việt Nam thực hiện từ năm 2018 nhằm tạo ra các cơ hội để cộng đồng trực tiếp đóng góp và hưởng lợi từ việc bảo tồn di sản văn hóa. Nền tảng này được thực hiện và điều phối bởi TUVA Communication.
bo-suu-tap-di-san-so-1690153915.png

Vấn đề số hóa di sản và bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa dựa trên công nghệ số gần đây đã và đang trở thành một trong những chiến lược quản lý và phát triển văn hóa ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Bộ sưu tập Di sản số được ra đời với mong muốn trở thành một nền tảng trực tuyến trong lĩnh vực di sản văn hóa tại Việt Nam do chính người sử dụng sở hữu và sáng tạo nội dung, với những chức năng chính sau:

Học hỏi: Giới thiệu các di sản văn hóa dưới nhiều hình thức như ảnh chụp, hình vẽ, phim ngắn, hoặc file ghi âm. Đây sẽ là nguồn tư liệu hữu ích cho các cá nhân quan tâm có thể học hỏi về các di sản văn hóa sống của các cộng đồng khác nhau tại Việt Nam, đặc biệt các giá trị văn hóa ít được biết đến và có nguy cơ bị mai một. 

Chia sẻ: cho phép các thành viên cộng đồng, và các chuyên gia trong lĩnh vực di sản có thể tự đăng tải cũng như chia sẻ bất kỳ nội dung nào về di sản văn hóa của họ. Nền tảng này sẽ được xây dựng như thư viện mở và bất kể ai cũng có thể đóng góp nội dung. 

Hợp tác & phát triển: chia sẻ thông tin về các chuỗi các hoạt động bao gồm gặp gỡ báo chí, trò chuyện trực tuyến, các buổi chia sẻ thông tin, kể chuyện di sản hay các cuộc thi trực tuyến nhằm khuyến khích quảng bá các di sản văn hóa sống đến với công chúng. Hoạt động này có thể mở rộng và mang đến các cơ hội hợp tác và phát triển cho các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực di sản, phát triển bền vững, các cá nhân thực hành cũng như các thành viên cộng đồng tại Việt Nam.

Trong năm 2021-2022, nội dung ban đầu của bộ sưu tập di sản số đã hoàn thiện với 17 tư liệu về di sản văn hóa và việc thu thập này được thực hiện thông qua các đề xuất của các thành viên cộng đồng tại Gia Lai, Ninh Thuận, Kon Tum và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng chính là các cộng đồng mà Di sản Kết nối đã làm việc và hỗ trợ từ năm 2018. Bộ sưu tập này hướng đến các cộng đồng người Bahnar, Ede và Jrai ở Tây Nguyên, cộng đồng người Chăm ở Nam Trung Bộ, và cộng đồng nghệ sĩ và người mộ điệu các loại hình diễn xướng Nam Bộ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như các cộng đồng, cá nhân và tổ chức quan tâm và sở hữu di sản trên khắp Việt Nam. 

bo-suu-tap-di-san-so-1-1690153915.png

Trong tương lai, bộ sưu tập di sản số mong muốn tiếp tục nhận được các đóng góp của cộng đồng từ các địa phương khác nhau ở Việt Nam về các loại hình di sản phi vật thể khác và tiếp tục là nơi các cá nhân và chuyên gia quan tâm tới di sản văn hóa ghé thăm thường xuyên để chia sẻ thông tin và cùng trao đổi. 

Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam, bà Donna McGowan chia sẻ: “Bộ sưu tập Di sản số khuyến khích cộng đồng đóng góp và hưởng lợi từ việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Đây cũng là một mục tiêu quan trọng của dự án Di sản văn hóa hướng đến sự Phát triển đồng đều – Di sản Kết nối tại một số địa phương ở Việt Nam trong năm năm qua. Chúng tôi tin rằng nền tảng này sẽ góp phần giúp những giá trị di sản văn hóa của các cộng đồng đa dạng, đặc biệt là những di sản ít được biết đến và có khả năng sớm bị lãng quên, cũng như những câu chuyện, những cộng đồng và con người đằng sau những di sản này sẽ được ghi lại một cách chân thực và được trình bày sáng tạo dưới hình thức kỹ thuật số, có thể được chia sẻ trong và ngoài các cộng đồng.

Bà Mai Quỳnh Anh, quản lý dự án của TUVA Communication chia sẻ: “Việc tạo ra các không gian để trao đổi, thảo luận và lưu trữ các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể là bước đầu quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển văn hoá của một cộng đồng, đặc biệt là đối với các nhóm dân tộc thiểu số. Áp dụng số hoá để lưu giữ di sản đang là xu hướng đã được nhiều bảo tàng, triển lãm, tổ chức về văn hoá trong nước và nước ngoài sử dụng. Với lợi thế về công nghệ và kinh nghiệm làm việc với nhiều dự án xã hội, trong dự án Di sản Kết nối, TUVA Communication mong muốn tạo ra một nền tảng số chứa đựng hình ảnh, âm thanh sống động và những câu chuyện chân thực của cộng đồng, do chính người dân từ cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Việt Nam đóng góp. Nền tảng này được thiết kế dựa trên tiêu chí dễ dàng tiếp cận cho bất cứ ai, tại bất cứ địa điểm, thời gian nào, từ đó tạo cơ hội để mọi người tìm hiểu và chia sẻ các câu chuyện di sản dễ dàng hơn; đồng thời cũng là một nguồn tham khảo đáng tin cậy cho những cá nhân, tổ chức nghiên cứu di sản - văn hoá khi những câu chuyện được kể bởi chính người thuộc về văn hoá đó.”