Tối 5/5, tổ dân phố số 12 khu đô thị Mỹ Đình 2 (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm - Hà Nội) đã ra mắt mô hình liên gia văn hóa. Đây được coi là mô hình liên gia văn hóa đầu tiên ở Hà Nội.
Theo đó, Trưởng liên gia văn hóa tổ dân phố số 12 là Bí thư, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố 12 – PGS.TS Lê Thị Bích Hồng. Phó trưởng ban là tổ tưởng Bùi Phương Đông, Trưởng ban Quản trị nhà CT2A Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng ban Quản trị nhà CT2B Trần Trí Dũng. Ban cố vấn liên gia văn hóa tổ dân phố số 12 gồm: PGS.TS Trần Đức Ngôn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; Nguyễn Hữu Thu, nguyên Giám đốc Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình.
Liên gia văn hóa tổ dân phố 12 gồm 2 chung cư, khu biệt thự. Nhà CT2A có 12 tầng, chia liên gia văn hóa theo chiều dọc: 2 tầng; theo chiều ngang: 8 căn hộ/tầng. Nhà CT2B có 15 tầng, chia liên gia văn hóa theo chiều dọc: 2 tầng; theo chiều ngang: 6 căn hộ/tầng. Biệt thự: theo trục đường Cao Xuân Huy, Nguyễn Xuân Nguyên, Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn.
Trong liên gia văn hóa tổ dân phố số 12 đã xây dựng những quy tắc cụ thể, rõ ràng. Như việc cần chú trọng văn hóa ứng xử, giao tiếp nơi công cộng, cơ quan, đơn vị; ứng xử với cộng đồng; ứng xử trong gia đình; xây dựng văn minh đô thị; việc cần thực hiện ngay hướng đến cộng đồng… Trên cơ sở những hoạt động văn nghệ, thể thao đã có có hoặc phối hợp cùng khu đô thị Mỹ Đình 2, liên gia văn hóa tổ dân phố số 12 xây dựng, tổ chức các hoạt động: CLB theo sở thích (CLB văn nghệ, dân vũ, dưỡng sinh; Bóng chuyền hơi, bóng bàn, cờ tướng, cờ vua’ CLB Những người yêu điện anh, CLB văn chương); Xây dựng tủ sách cộng đồng; Chú trọng không gian vui chơi…
Phát biểu tại buổi ra mắt, PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, giảng viên cao cấp Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội nhấn mạnh, xây dựng mô hình liên gia văn hóa tổ dân phố chính là những tế bào cho quá trình xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch. “Với vai trò quan trọng của văn hóa đối với phẩm chất Hà Nội như khẳng định của đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội: “Với Hà Nội, có lẽ không nhất thiết phải phấn đấu dẫn dầu về mặt kinh tế mặc dù cũng rất chú trọng phát triển kinh tế. Cái Hà Nội cần có chính là phải mạnh, phải dẫn đầu về văn hóa, mà văn hóa ở đây hiểu theo nghĩa rộng, là cuộc sống, lối sống, là trật tự, kỷ cương, là văn minh, thanh lịch, hiện đại. Cần phải coi kỷ cương cũng là văn hóa. Tôn trọng pháp luật là thứ văn hóa mà người ta phải mất hàng trăm năm rèn giũa”.
Còn PGS.TS Trần Đức Ngôn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội khẳng định: Đây là mô hình hết sức nhân văn, ý nghĩa, thiết thực với Thủ đô, “trái tim” của cả nước. Tuy nhiên, thành lập mới chỉ là bước đầu, vấn đề là triển khai và đi vào cuộc sống như thế nào. Ông cũng mong muốn và hy vọng, từ mô hình này ở các tổ dân phố trên địa bàn Hà Nội sẽ có những mô hình tương tự để “văn hóa là sức mạnh nội sinh, là động lực phát triển kinh tế -xã hội”.