Radio ngày ấy

Chiếc radio ngày ấy là cả một tài sản tinh thần to lớn của gia đình tôi.
radi-o-mot-thoi-1663658367.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Những buổi trưa đi làm đồng về là lúc háo hức để đón nghe chương trình dân ca và nhạc cổ. Giọng nói của phát thanh viên trong vắt và đầy cảm xúc: "mời các bạn nghe ba mươi phút dân ca và nhạc cổ truyền của đài tiếng nói Việt Nam" đã khắc sâu vào tâm thức của tôi. Chưa bao giờ chúng tôi bỏ qua ba mươi phút quý báu như liều thuốc bổ này. Bao nhiêu mỏi mệt của công việc đồng áng như tan biến bởi 
những lời ca tiếng hát ngân vang. Hôm thì ca cổ, hôm hát chèo cứ luân phiên đều đặn thân thuộc mà không hề nhàm chán.
Có lẽ thiêng liêng nhất là chương trình đón giao thừa những đêm ba mươi tết. Còn nhớ đêm giao thừa năm ấy, cha mẹ tôi bận đến đám tang của một người bà trong thôn. Bà là mẹ chồng của cô ruột tôi. Bà đã già, bị bệnh
 và mất đúng đêm ba mươi tết. Người lớn trong thôn đều tập trung đưa tiễn bà trước giờ giao thừa đến.
Chị em chúng tôi ở nhà ôm lấy nhau quấn trong chiếc chăn mỏng, kéo bên này hụt bên kia và ngược lại. Trời lạnh, mấy chị em càng lạnh hơn vì sợ bà vừa mất, dù đám tang bà cách nhà cả một  cây  số. Chiếc giường nhỏ xíu mà cả năm chị em chen nhau vẫn không thấy chật. Chị tôi lớn nhất nằm phía ngoài cùng để che chở cho các em. 
Chúng tôi nhắm mắt lại cố ru mình vào giấc ngủ. Đứa nào cũng sợ nên không ngủ được. Tiếng nhạc kèn từ đám ma văng vẳng trong đêm vắng ở làng quê dường như làm cho nỗi sợ tăng thêm. 
Như sực nhớ điều gì, chị tôi ngồi bật dậy đưa tay lên chiếc gỗ cạnh giường. Chị ôm lấy chiếc radio và bật lên. Tiếng ngâm thơ của đài tiếng nói Việt Nam chuẩn bị đón giao thừa đầy cảm xúc ngân lên. Tất cả chúng tôi như vớ được bùa hộ mệnh. Có lẽ vì giọng ngâm ấm áp đã truyền cho chị em tôi một cảm xúc hân hoan, trang trọng của không khí đón giao thừa mà quên mất sợ. Tiếng ngâm thơ huyền thoại đã ghi dấu một thời đón giao thừa, đón tết thật thiêng liêng. 
Nghe ngâm thơ chị em tôi cũng quên nhanh nỗi sợ và cha mẹ tôi đã về. Cả nhà lại đón giao thừa dù nghèo mà ấm áp.
Đó là một đêm ba mươi tết khi tôi còn là học sinh tiểu học. Đó cũng là một trong những đêm đón giao thừa những năm 80. Xưa mà đong đầy những nỗi nhớ vào kí ức thời gian.
Đọc truyện đêm khuya cũng là một trong những tiết mục không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Những câu chuyện hay, nhân văn với những giọng đọc đã ghi dấu tượng đài vào tâm hồn tôi như Kim Cúc, Tuyết Mai....
Có một lần em trai tôi lên năm tuổi chỉ vào chiếc radio đang phát và nói: 
- Chị mở cái cửa ra cho em xem cái cô đang nói đi.
- Không có cô nào trong đó đâu em
- Vậy ai nói đó hả chị?
- Là cô ấy nói nhưng cô ấy ở tận ngoài Hà Nội xa lắm em.
- Vậy chở em ra Hà Nội để em xem cố ấy đi.
Tôi phải giải thích để em hiểu vì sao cô nói từ Hà Nội mà em lại nghe được qua radio này. Không biết có hiểu gì không nhưng em trai tôi đã chịu im không còn đòi đi gặp cô phát thanh viên nữa. 
Vậy đấy, chiếc radio như là một dấu ấn trong mỗi gia đình của một thời đã xa. Tôi chưa bao giờ được gặp những nghệ sĩ, những giọng đọc, ngâm thơ huyền thoại của một thời thương nhớ đó. Nhưng những cái tên thân thuộc như Tuyết Mai, Kim Cúc... thì mãi mãi không quên.
Ôi chiếc radio huyền thoại một thời.

Chuyện quê