Khi tôi đến bến xe thì đã thấy Phạm Hồng Chi ngồi uống chè chén ở một quán nước “di động” trên sân nhà chờ, chưa thấy bóng “ca sỹ râu dài” – Nguyễn Trọng Hùng. Cô bé bán nước đưa tôi một cốc thủy tinh loại nhỏ nước chè mạn, xanh đậm, sóng sánh nóng bỏng. Chỉ có những quán nước vỉa hè Hà Nội mới thường sử dụng loại cốc thủy tinh dung tích khoảng 20 – 30ml, thành cao để cho khách thụ ẩm loại nước uống đặc biệt của miền Bắc, vừa thổi vừa uống và uống hết nước, cốc vẫn còn nóng bỏng tay. Đúng 7 giờ, anh Hùng Xuất hiện với cái mũ phớt trắng cũ kỹ và bộ râu không thể trộn lẫn. Anh và tôi ôm nhau như kiểu các nguyên thủ gặp nhau, nhưng là một cái ôm thân tình, trân trọng nhau chứ không kiểu lễ nghi ngoại giao, đây là lần thứ hai tôi được gặp anh. Phạm Hồng Chi với anh Hùng thì không cần ôm nhau vì họ đã quá quen nhau, họ đã có bốn năm cùng học K7, đại học Quân sự ở Vĩnh Yên.
Sau khi xem Lễ rước hội làng Thổ Hà mất gần hai tiếng, tôi dẫn anh Hùng và Phạm Hồng Chi đi dạo quang cảnh Hội làng, cổng làng và vào thăm chùa Thổ Hà mới được trùng tu. Anh Hùng có vẻ rất cảm xúc và thán phục nét văn hóa làng xã mà dân làng Thổ Hà còn giữ được, anh cũng xuýt xoa vì ngôi chùa được trùng tu gần như nguyên vẹn và không bị phá cách một cách kệch cỡm như nhiều vùng quê khác. Buổi trưa, sau khi ăn cơm xong, chúng tôi mới có dịp trò chuyện nhiều. Anh khen bức bình phong được xây trước sân nhà em trai tôi rất đặc trưng xứ Huế với màu ghi xanh làm nền và hai câu đối “Công cha như núi Thái Sơn – Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Trong những câu chuyện buổi trưa đó tôi và Phạm Hồng Chi đã được nghe anh kể, có chuyện về một lần anh Hùng được “mời” lên Viện kiểm soát Hai Bà Trưng, Hà Nội thời bao cấp. Câu chuyện “có một thời như thế” đã hấp dẫn tôi và tôi đề nghị anh Hùng cho tôi viết lại để ngõ hầu bạn đọc.
Một buổi chiều năm 198… cậu công an hộ tịch mang đến đưa cho Nguyễn Trọng Hùng giấy triệu tập của Viện kiểm sát nhân dân Quận Hai Bà Trưng kèm theo một câu hỏi:
“Anh làm gì mà bị triệu tập lên Viện kiểm sát vậy?”, thời ấy nếu ai nhận được những giấy mời kiểu vậy thường là những người vi phạm pháp luật. Những người xung quanh thường nghi ngại và thường tránh xa vì sợ liên đới.
“Anh cũng không biết, chắc có nhầm lẫn gì đấy hoặc lên để nhận người quen chăng?”, anh Hùng bình thản trả lời cậu công an hộ tịch mặc cho cậu ta vẫn nhìn anh đầy nghi hoặc.
Sáng hôm sau, đúng giờ hẹn tám giờ, anh Hùng có mặt tại trụ sở Viện kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng ở phố Lê Đại Hành. Chờ đến mười giờ vẫn chẳng thấy ai hỏi đến mình, anh Hùng bèn ra bến tàu điện, bắt tàu về hiệu sách Quốc văn. Anh chọn mua cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ Tịch” của tác giả Trần Dân Tiên, anh mua thêm hai ổ bánh mỳ và bắt tàu điện quay lại Trụ sở Viện kiểm sát. Anh ngồi trên băng ghế ngoài sảnh, vừa gặm bánh mỳ vừa đọc sách để chờ đợi kiểm soát viên.
“Ai là Hùng”, có tiếng hỏi to, anh Hùng vẫn thản nhiên ngồi đọc sách – đồng hồ trên tường chỉ mười bốn giờ ba mươi phút.
“Anh là Hùng à?”, quyển sách bị giật khỏi tay anh Hùng, một khuôn mặt đầy hách dịch trên một cơ thể mặc bộ quần áo màu xanh của ngành kiểm sát hất hàm hỏi anh Hùng.
“Vâng! Tôi là Nguyễn Trọng Hùng”, anh Hùng từ tốn trả lời.
“Vậy sao không trả lời tôi, lại còn cắm mặt vào đọc chưởng nữa?”, anh kiểm sát viên không thèm nhìn tiêu đề cuốn sách mà anh Hùng đang đọc, chất vấn anh.
“Tên đầy đủ của tôi là Nguyễn Trọng Hùng, Viện kiểm sát hẹn gặp tôi lúc tám giờ, tôi đã đến đúng giờ và chờ đến giờ này đấy”. Anh Hùng bắt đầu to tiếng và những người dân có mặt ở sảnh chờ bắt đầu hướng ánh mắt về phía anh và anh chàng Kiểm sát viên.
“Anh biết cuốn sách anh đang cầm trên tay là cuốn sách viết về ai không mà dám nói đó là chuyện chưởng? Anh có trả lại cuốn sách đó cho tôi không, hay là chờ tôi đấm vỡ mặt anh?”. Hành động giật sách trên tay người đang đọc là hành động vô văn hóa, tuy nhiên phản ứng của anh Hùng làm cho kiểm sát viên và những người chứng kiến hết sức bất ngờ. Tay kiểm sát viên cố gắng sỹ diện.
“Anh có biết đây là đâu không mà dám to tiếng với tôi?, Thời ấy Viện kiểm sát là công đường đầy quyền lực và quyền lực cũng bị lạm dụng nhiều nên mới sinh ra những công chức thiểu năng đến vậy.
“Tôi biết đây là Viện kiểm sát nhân dân Quận Hai Bà Trưng, tôi có giấy hẹn gặp mắt lúc tám giờ. Tôi đã đến đúng giờ, chờ cho đến giờ này vậy mà anh không xin lỗi, còn có những hành động và lời nói vô văn hóa với công dân là sao?”. Anh Hùng vẫn lớn tiếng, những người dân xung quanh bắt đầu ồn lên ủng hộ anh. Một phó Viện trưởng Viện kiểm sát xuất hiện, nắm bắt tình hình khá nhanh nên ông ta lên tiếng:
“Anh Nhân, tên của kiểm sát viên, đưa tôi quyển sách và về phòng làm việc đi. Việc này để tôi giải quyết”, quay sang anh Hùng, ông ta hạ giọng “Xin lỗi anh! Tôi là Phó Viện trưởng, mời anh vào phòng tôi làm việc”. Anh Hùng vào phòng ông Phó Viện trưởng, sau khi khép hờ cánh cửa phòng, ông mời anh Hùng ngồi xuống ghế đối diện.
“Anh có biết tại sao Viện kiểm sát triệu tập anh không?” Ông Phó Viện trưởng lên giọng nắn gân anh Hùng.
“Tôi không biết vì tôi không thấy mình làm sai điều gì, chắc các anh muốn tôi cung cấp thông tin gì chăng?”, anh Hùng hỏi lại.
“Có đơn tố cáo anh bất mãn, nói xấu chế độ”, một câu trả lời lạnh tanh đầy tính đe dọa từ miệng ông Phó Viện trưởng phát ra, kèm theo ánh mắt xét nét quét lên mặt anh Hùng.
“Anh có thể xem đơn tố cáo không? Và anh có chứng cứ gì không” Anh Hùng đề nghị, Phó Viện trưởng trả lời:
“Không được, chúng tôi phải bảo vệ người tố cáo. Chỉ có đơn tố cáo thôi chứ chưa có chứng cứ nên chúng tôi mới mời anh lên để làm rõ nội dung tố cáo”. Anh Hùng cười mỉm và hỏi tiếp:
“Anh có giấy bút không?. Phó Viện trưởng mắt sáng lên, tươi tỉnh.
“Tôi có giấy bút cho anh, anh muốn viết tường trình à?”. Anh Hùng lớn tiếng trả lời:
“Tôi muốn viết đơn tố cáo anh vì đã vu cáo cho tôi tội bất mãn và nói xấu chế độ”. Ông Viện trưởng giật mình vì sự việc trái với suy nghĩ của ông, ông hỏi anh Hùng:
“Tại sao anh lại tố cáo tôi?”, Anh Hùng đáp trả.
“Tôi là cựu binh, tôi không bao giờ nhổ nước bọt ra để rồi lại liếm. Các anh làm ở Viện kiểm sát mà trọng nhân hơn trọng chứng. Không có băng ghi âm nào về những lời nói xấu chế độ của tôi, không có một bản viết tay nào của tôi thể hiện bất mãn với xã hội. Chỉ có một lá đơn tố cáo của ai đó mà các anh quy chụp tội cho tôi thì đó chẳng phải là tội vu cáo ư?”. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cảm nhận đuối lý nên hạ giọng.
“Tôi không biết anh là cựu binh, xin lỗi anh nhé. Tôi sẽ cho cán bộ đi xác minh lại thông tin”. Anh Hùng cũng không truy cứu thêm vì thời đó tố cáo việc làm sai của Viện kiểm sát chẳng khác nào “Con kiến mà kiện củ khoai”. Khi anh về đến nhà thì cậu công an hộ tịch vội đến hỏi thăm.
“có việc gì không anh?;
“Không có việc gì cả, chỉ là sự nhầm lẫn thôi”, anh Hùng trả lời. Cậu Hộ tịch viên cười vui.
“Em biết mà, người hiền lành, mẫu mực như anh sao có thể vi phạm pháp luật”
Sau này anh Hùng mới biết người viết đơn tố cáo anh “bất mãn, nói xấu chế độ” là một tay Trưởng phòng tổ chức của một đơn vị quản lý ngành du lịch, xuất thân từ ngành công an. Hắn ta bực anh Hùng bởi vì trong thời kỳ hắn sửa chữa nhà có thuê một tốp lao động người Thanh Hóa gánh cát từ đường vào ngõ, phải đi qua nhà anh Hùng mới đến nhà hắn. Tốp lao động thỏa thuận với chủ nhà, là tay trưởng phòng đó giá thuê cho quãng đường dài một trăm mét. Tuy nhiên, trước khi thanh toán chủ nhà mang thước đo lại quãng đường chỉ có sáu mươi mét nên trừ đi 40% tiền công. Đám thợ vì thế mà cãi nhau vang cả ngõ.
“Tao đã bảo là ông chủ nhà người Thanh Hóa thì chúng mày phải cẩn thận, vậy mà không đứa nào nghe”, một anh thợ lớn tiếng – người Thanh Hóa cả nên họ hiểu tính nhau. Anh Hùng nghe tiếng ồn nên ra xem sao, sau khi nghe tường minh câu chuyện anh bèn khuyên.
“Thôi! Anh em nhỏ tiếng cho mọi người còn ngủ trưa. Ông ấy trả thiếu bao nhiêu tôi bù cho”. Anh Hùng đã bù cho đám thợ số tiền công bị ông chủ nhà trừ đi. Thông tin đến tai ông chủ nhà làm ông ấy bị bẽ mặt nên làm đơn tố cáo tội không có của anh Hùng cho bõ tức – Có một thời như thế.
Mãi nhiều năm sau này, một lần anh Hùng đi xe đạp ngang qua hàng cháo lòng tiết canh nổi tiếng ở chợ Đuổi thì nghe tiếng gọi:
“Anh Hùng ơi! Anh Hùng ơi!”, ngoảnh lại anh nhận ra tay Nhân, kiểm sát viên ngày ấy. Nhân vẫy anh vào quán, mời anh bát tiết canh và chén rượu, Nhân xin lỗi anh vì đã cư sử không phải với anh ngày đó.
“Anh đã dạy em một bài học nhớ đời”, Nhân nói trong sự hối tiếc. Nhân vừa thụ án tù xong vì lỗi vi phạm pháp luật, Nhân đã bị đuổi ra khỏi ngành nhưng vẫn rất trọng những người như anh Hùng.
Tay Trưởng phòng tổ chức, người viết đơn tố cáo anh Hùng sau này cũng xin lỗi và làm hòa với anh Hùng. Anh Hùng còn là khách mời duy nhất trong ngõ nhỏ đến dự đám cưới con gái của anh hàng xóm “không tử tế” đó. Anh Hùng là vậy, luôn dung thứ và vị tha.
Nghe hai anh chị Nguyễn Trọng Hùng và Vương Thị Hiền hát bài hát “Ngày Xưa ơi” của tác giả Yến Dung, càng thấy yêu hơn sự thanh thản của hai anh chị trước bộn bề cuộc sống.
Cám ơn cựu binh Nguyễn Trọng Hùng và câu chuyện của anh. Tôi xin phép lấy tiêu đề “RÂU ĐẤY” một bài viết của tác giả Kiều LêKiều để đặt tiêu đề cho bài viết này vì râu của anh Nguyễn Trọng Hùng rất xứng đáng là “RÂU ĐẤY”.
Hà Nội, 14/2/2023
NVN
Trái tim người lính