Rau luộc – thực đơn mùa dịch bệnh

Phạm Văn Tình

01/09/2021 13:17

Theo dõi trên

“Cơm không rau như đau không thuốc”. Rau là món ăn thiết yếu cho mỗi bữa cơm gia đình. Thật khó tưởng tượng là trong mỗi bữa ăn của người Việt ta lại không có rau. Bây giờ đi ăn tiệc (tiệc lớn tiệc nhỏ, tiệc thành phố tiệc nông thôn…) nhìn mâm cỗ mà sợ. Xung quanh toàn những món thịt, cá, tôm, hải sản chế biến cầu kì, chất đầy. Rất ít rau mà nếu có cũng chỉ “chạy qua hàng rau” cho phải phép.

rau-luoc-1630422304.jpg
Rau luộc. Ảnh internet

Rau có thể được chế biến thành nhiều món: xào, nấu canh, luộc, chần, nộm, rau ghém (ăn sống),… Trong những món ấy, luộc là cách ăn truyền thống của người Việt bao đời nay.

Nói thế vì rất nhiều dân tộc trên thế giới không ăn món luộc. Họ chỉ dùng rau để ăn sống (dưa chuột, xà lách, cà chua), nấu xúp, xào hay muối thành dưa (bắp cải chẳng hạn).

Khoa học dinh dưỡng khuyên người ta nên ăn thực phẩm càng trực tiếp càng tốt. Tất nhiên gạo phải nấu, thịt, cá phải rán, kho, nướng. Nhưng nói chung, các món ăn (nhất là rau) thì không nên qua quá nhiều công đoạn “sao, rán, tẩm, hấp” vì như thế, chất dinh dưỡng dễ bị hư hao, mất mát.

Vì vậy, luộc chính là giải pháp đơn giản, ít tốn công, ít tốn nhiên liệu, ít gia vị… Chả cứ gì rau, thịt lợn, thịt gà, thịt ngan, thịt vịt… đem luộc vẫn rất ngon lành, hấp dẫn. Lòng lợn luộc chấm mắm tôm chanh ớt, gà luộc chấm muối chanh ớt xem. Vẫn là những món rất quen thuộc mà ta ăn mãi không thấy chán.

Ngày xưa, ở nông thôn (quê tôi) chỉ luộc rau muống, rau cải, rau rút, rau lang, su hào, bắp cải… Bây giờ, người ta luộc đa dạng hơn. Rau mồng tơi, rau ngót, rau bí, rau má, rau tập tàng, tầm bao, tầm bóp, bò khai, mướp hay bí bầu, đều luộc tất. Nhà hàng đặc sản cũng có nhiều thực đơn luộc. Một đĩa rau lang, rau bò khai, rau tầm bao, rau má, lặc lày… luộc chấm nước mắm, xì dầu hay kho quẹt sẽ bị nhà hàng, khách sạn tính “giá trên trời” đó.

Luộc rau rất dễ. Nhưng luộc sao cho có được một đĩa rau ngon không dễ. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố; chọn nguyên liệu: rau bánh tẻ tươi non, không dập nát; lượng nước luộc vừa phải (ít quá rau sẽ đỏ, mất màu, nhiều nước sẽ nhạt); muối nêm cho trước, điều chỉnh lửa hợp lí (đun sôi mới cho rau, khi cho rau vào giữ lửa to, sôi bốc, sôi rồi thì không đậy kín, để lửa vừa phải, không nhỏ quá vì như thế rau lâu chín, dễ nát và đỏ rau).

Có những món luộc rau hỗn hợp, như rau dền lẫn rau mồng tơi, rau muống lẫn rau rút, thì hoặc là luộc riêng, hoặc luộc cho một rau đã chín (nếu rau đó lâu chín) rồi mới cho rau kia vào (muống luộc với rau rút chẳng hạn). Nói chung, không nên để nồi luộc quá đầy. Ngay cả khi luộc một loại, nếu lượng rau nhiều cũng nên chia thành nhiều mẻ thì rau mới ngon và xanh. Nên nhớ, nước rau tuy là một món “sản phẩm phụ”, nhưng sẽ làm bữa ăn ngon hơn (bát nước rau tráng miệng hơn hoa quả đấy). Không gì hấp dẫn hơn, những ngày hè nóng nực, khi ta đi làm về mệt nhọc, nhìn mâm cơm mới dọn, có đĩa tôm rang đỏ au (hay đĩa thịt gà kho lá chanh), đĩa rau muống luộc chần rau rút, bát tương vàng tươi, ít cà pháo và bát nước rau vắt chanh (hay dầm sấu, lá me) thật là quyến rũ.

Có những rau nên luộc vừa phải, hơi tái hoặc chần qua (như rau muống, rau cần, lá hành, tỏi) mới giòn và ngon. Ở quê tôi, có những bãi rau muống bị hạn, ít nước, sẽ hơi cằn và già, gặp mưa rào to ngập nước (như vừa rồi), ngọn đua non xanh, đem luộc chín tái giòn rất thú vị…

Nhưng rau ngon còn phải nước chấm ngon. Nước chấm là “một phần không thể thiếu” để hoàn tất món rau. Có nhiều loại nước chấm để chọn lựa sao cho phù hợp: nước mắm, nước tương, mắm tép, mắm cáy, mắm cua, mắm cáy, xì dầu và cả mắm tôm. Nước nào thì nước, cứ phải loại nguyên chất, không pha chế lung tung (trừ thêm các vị như chanh, ớt nếu cần), không đun nấu lại. Có người thích phi hành mỡ rồi cho nước mắm, tương, mắm tôm đun lên, cũng là một sở thích. Nhưng ngon nhất vẫn là sản phẩm “mộc”. Nước mắm quê làm thủ công (hơi nặng mùi, mặn nhưng đậm đà), tương ngấu đựng trong cong để ngoài vườn, mắm cáy đựng trong hũ đỏ tươi… rót ra chấm rau, nhẩn nha nhai kĩ mới thấy “cuộc đời vẫn đẹp sao”.

Muống luộc chấm mắm tôm chanh

Cho mai với trúc, cho anh với nàng.

Vườn rau nhà tôi hiện chỉ còn rau mùng tơi được đưa vào thực đơn luộc và nấu canh. Rặng mùng tơi thật giản dị, cần cù, bền bỉ, đúng chất nhà nông. Mùng tơi cứ đua ngọn lên xanh bất chấp nắng táp mưa sa. Hệt như “niêu cơm Thạch Sanh”, ngày nào tôi cũng hái, hái hôm trước hôm sau cây lại đâm lá đua chồi mới như thách thức. Mùng tơi luộc chấm tương Thái Nguyên (do cô Đào Vân, Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên vừa gửi tặng) đã làm cho bữa cơm nhà tôi đậm đà hương vị.

Mặc cho giãn cách kéo dài

Mùng tơi vẫn cứ ăn hoài không vơi

Mời em đến thăm nhà tôi

Rau xanh xanh cả bầu trời Lạc Trung.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Rau luộc – thực đơn mùa dịch bệnh" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn