Rau thơm trong bữa cơm người Việt

Phạm Văn Tình

07/09/2021 22:51

Theo dõi trên

“Rau thơm” là gì nhỉ? Đó là “tên gọi chung các thứ rau có mùi thơm dùng làm gia vị”. Nếu thế thì nhiều lắm. Các loại rau, như húng (húng chanh, húng dũi/lủi, húng quế,…), mùi (ngò), mùi tàu (ngò gai), kinh giới, lá lốt, rau răm, thì là, tía tô…

cac-loai-rau-thom-1631025015.jpg
Các loại rau thơm. Ảnh internet

Rau thơm không vào “vai” chính trong thực đơn rau mỗi gia đình mà chỉ là gia vị “điểm xuyết” cho món chính. Không ai luộc, xào, nấu rau thơm thành món riêng mà chỉ dùng nó ăn kèm cho thêm phần hấp dẫn, ngon miệng…

Rasul Gamzatov, nhà thơ nổi tiếng của nước Cộng hoà Đaghextan (Liên Xô trước đây) từng ví: “Thơ đối với cuộc sống như rau thơm cho vào nồi canh vậy”. Quả thực, nồi canh cá không có rau thơm thì vẫn cứ là nồi canh cá. Nhưng nếu cho một ít rau thơm (như thì là, hành lá, mùi tàu, ngổ) khi bắc ra thì chắc chắn nồi canh riêu kia sẽ đậm đà hương vị hơn rất nhiều. Bữa tiệc dù cao lương mĩ vị, chế biến khéo đến mấy mà không có gia vị và rau thơm thì sẽ là “bữa tiệc không hồn”. Mùa nào thức ấy, món nào rau ấy. Thịt chó, lòng lợn mắm tôm phải có húng chó, rau ngổ, hành củ… Thịt gà luộc không thể thiếu lá chanh (và hành củ khô cắt lát vắt chanh). Lòng gà nấu miến dứt khoát phải có mùi tàu. Chuối nấu ốc phải có tía tô, lá lốt. Các loại phở trên đời phải rắc nhiều hành (cả lá và củ) thái vừa trước khi chan nước dùng bốc hơi ngào ngạt. Trứng vịt lộn mà thiếu rau răm và gừng thái chỉ thì ăn sao được đây? Người Việt là dân tộc hay ăn và ăn rau thơm nhiều nhất thế giới.

Rau thơm không chỉ trang trí cho bữa cơm thêm đẹp mà còn có giá trị dinh dưỡng và là một loại cây có tác dụng chữa bệnh. Tía tô, kinh giới, ngải cứu giải cảm, hạ sốt. Hành tỏi giúp tiêu hoá, tăng sức đề kháng. Diếp cá hạn chế bệnh đường ruột. Mơ lông chữa ỉa chảy, kiết lị… Vườn rau thơm cũng là vườn thuốc Nam đặc biệt đó.

 

Rau thơm không kén đất. Có thể trồng bất cứ nơi nào trong vườn nhà. Chúng mọc âm thầm dù chủ vườn chẳng mấy khi chăm bón. Húng dũi tự “lủi” đến những nơi đất còn trống mà sinh sôi. Mùi tàu già rụng hoa lại lên lớp mới. Diếp cá chen vai thích cánh cùng cỏ dại. Rau ngổ mọc hồn nhiên dưới ao chuôm hay “đồng sâu ruộng cạn”. Còn lá lốt nép mình nơi bờ tre gốc mít. Nhưng khi cần, chỉ ra vườn, đụng tay vào cây (chứ chưa cần hái), một mùi thơm đặc trưng đã lan toả khắp không gian. Chủ nhà chưa bưng mâm nhưng thoáng thấy mùi rau thơm là thực khách đã có thể đoán ngay mình sẽ được chiêu đãi món gì. Rau thơm chính là “đại sứ thiện chí” trong bữa cơm người Việt ngàn năm văn hiến.

Trên mái nhà tôi có trồng một số rau thơm. Nhưng như đã nói, thời tiết khắc nghiệt đã loai bỏ khá nhiều. Những cây kinh giới, tía tô, diếp cá, hành tăm, húng dũi… đã không còn cơ hội vào ảnh “lên sóng” nữa. Chỉ còn ba loại: mùi tàu, lá lốt, húng chó. Mùi tàu cho canh miến, lá lốt cuốn chả thịt. Nói chung năm thì mười hoạ mới dùng. Hai cây húng chó khá tốt cũng chờ lòng lợn tiết canh (hay thịt thủ, tai lợn luộc) đấy. Nhưng đào đâu bây giờ? Thế là tôi tận dụng hái xuống ăn cùng rau muống  (luộc, xào), thịt ba chỉ luộc và thậm chí chấm nước mắm ăn sáng cùng món mì tôm trường kì. Có hôm tôi bưng bát cơm rang lên mái, hái húng trực tiếp trên cây cho vào bát ăn luôn. Yên tâm, húng này sạch dưới (tưới nước gạo, nước mưa) sạch trên (những trận mưa thu đã rửa lá sạch bong, non mơn mởn). Ở giữa lưng chừng giời nắng như nung thì vi trùng vi khuẩn cũng khó có cơ sống sót.

 Húng chó ăn với mì tôm

 Còn con covid ta còn bên nhau.

 

Bạn đang đọc bài viết "Rau thơm trong bữa cơm người Việt" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn