Sách hay nên đọc – Không chiến

Thư viện Quân đội

30/07/2021 10:48

Theo dõi trên

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không là chiến thắng có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và ngoại giao, là bước ngoặt quan trọng về chiến lược đối với cách mạng Việt Nam, góp phần hoàn thành vẻ vang sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

khong-chien-1627573532.jpg

Cuốn sách – Không chiến

Là người trong cuộc trong Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, cùng đồng đội từng đọ sức một mất một còn với không quân Mỹ trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt, Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa đã lưu giữ rất nhiều tư liệu quý, những ký ức đẹp về những hi sinh, mất mát, những chiến công vang dội và sự trưởng thành, lớn mạnh của Không quân nhân dân Việt Nam. Bằng tình yêu, lòng đam mê và sự tận tâm đầy trách nhiệm, ông đã dành trọn vẹn 3 năm để ghi lại những hồi ức của Bộ đội Không quân trong cuốn hồi ức “Không chiến”. Tác giả là một trong những phi công được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” năm 1973.

Tập hồi ức “Không chiến” của tác giả Nguyễn Văn Nghĩa do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2020; sách dày 808 trang; khổ 24cm. Cuốn sách được chia thành 6 phần: Phần 1: Ước mơ tuổi học trò; Phần 2: Những năm tháng trên đất nước Nga Xô viết; Phần 3: Không quân nhân dân Việt Nam- Cái nôi cho tôi trưởng thành; Phần 4: Không chiến; Phần 5: Làm chủ máy bay chiến lợi phẩm, tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam và nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Campuchia; Phần 6: Từ một phi công đến một nhà giáo.

Tập hồi ức kể lại chân thực những gì tác giả đã trải qua trong suốt quãng thời gian sống và chiến đấu, đặc biệt là quãng thời gian làm “Lính bay” cùng đồng đội với những trận không chiến nảy lửa, đầy cam go thử thách trước lực lượng không quân nhà nghề của đế quốc Mỹ, bảo vệ bầu trời bình yên của Tổ quốc. Tập hồi ức được viết theo trình tự thời gian từ “Ước mơ tuổi học trò” cho đến lúc ông được cử sang nước Nga Xôviết học lớp đào tạo phi công, sau đó trở về nước trở thành một anh “lính nhà trời” thực thụ và điểm đến là Trung đoàn Không quân Sao Đỏ mang phiên hiệu 921- nơi sản sinh nhiều phi công anh hùng, phi công huyền thoại, những người chỉ huy tài giỏi với những chiến công lẫy lừng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ tháng 6 đến tháng 12 năm 1972, phi công Nguyễn Văn Nghĩa đã bắn rơi trực tiếp được 5 chiếc máy bay Mỹ và 1 chiếc bị thương nặng sau đó bị rơi ở bầu trời Tuyên Quang.

Đặc biệt, trong Chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" , trận đánh diễn ra ngày 23 tháng 12 năm 1972, chiếc máy bay F-4 mà ông bắn rơi là chiếc máy bay đầu tiên do lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam hạ trong chiến dịch này, tất cả đều được ông kể lại rất chân thực trong chương 4 cùng tên với cuốn sách - “Không chiến”.

Trong lời giới thiệu cho cuốn sách, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân- Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân, nguyên phi công tiêm kích MiG-21 đã viết: “Tôi hoan nghênh tác giả Nguyễn Văn Nghĩa đã dày công biên soạn, viết ra từ những bài học rèn luyện, trải nghiệm thử thách trong chiến tranh của chính bản thân mình, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ phi công trẻ. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến rèn luyện phi công, nhân tố chính trị, yếu tố tinh thần của Bộ đội Không quân nói chung và lực lượng phi công chiến đấu nói riêng, xây dựng Không quân nhân dân Việt Nam ngày càng phát triển hùng mạnh, để nếu có bất kỳ kẻ thù nào nhăm nhe đến chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc Việt Nam của chúng ta, chúng sẽ bị thất bại thảm hại như đế quốc Mỹ đã từng thất bại thảm hại trước sức mạnh, lòng dũng cảm và tài trí của bộ đội Không quân nhân dân Việt Nam.

Đọc hồi ký “Không Chiến”, bạn đọc sẽ hiểu thêm về những năm tháng hào hùng của Không quân nhân dân Việt Nam, về chiến công anh dũng của các phi công, cũng như công tác tổ chức - chỉ huy và đóng góp của các thành phần phục vụ chiến đấu, những người đã làm nên chiến thắng mang tầm lịch sử. Qua đó khơi dậy niềm tự hào, lòng quyết tâm; đề cao trọng trách của các thế trẻ trong phấn đấu, rèn luyện, giữ vững chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Xin trân trọng giới thiệu và mời bạn đọc tìm đọc sách tại Thư viện Quân đội, số 83 Lý Nam Đế - Hoàn Kiếm - Hà Nội.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Sách hay nên đọc – Không chiến" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn