Sách hay nên đọc: Nữ biệt động cảm tử

Thư viện Quân đội

29/08/2021 22:07

Theo dõi trên

Ra đời như một tất yếu của cuộc chiến tranh nhân dân, biệt động Sài Gòn là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân đội ta, hoạt động chiến đấu giữ sào huyệt, trung tâm đầu não của địch.

sach-hay-nen-doc-1630224150.jpg

Với sự mưu trí, dũng cảm và nhiều cách đánh độc đáo, sáng tạo, lực lượng biệt động Sài Gòn đã lập nên những chiến công hiển hách, làm chấn động cả trong nước và thế giới.

Năm tháng đã qua đi nhưng với cả nước, với miền Nam thành đồng và với thành phố mang tên Bác, những chiến công vang dội của đội quân đặc biệt tinh nhuệ này sẽ sống mãi với các thế hệ Việt Nam, mãi mãi tạc vào lịch sử như một tượng đài bất tử.

Cuốn sách “Nữ biệt động cảm tử” do Quốc Tuấn tuyển chọn và biên soạn, được Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành năm 2021; sách dày 294 trang; khổ 20cm. Với 29 câu chuyện, cuốn sách giúp bạn đọc hiểu thêm về những chiến sĩ biệt động Sài Gòn nói riêng và những chiến sĩ biệt động nói chung, họ không chỉ chiến đấu trong lòng địch, họ có thể là những người bình thường nhất, sống cùng nhân dân, được người dân bao bọc, nuôi dưỡng và hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ vì dân. Đây là lực lượng “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, gọn nhẹ, bí mật, linh hoạt, nằm trong lòng địch, hòa vào nhân dân, để thực hiện những nhiệm vụ mạo hiểm, táo bạo, bất ngờ vào cơ quan đầu não và các mục tiêu quan trọng của địch.

Những câu chuyện về Nữ biệt động cảm tử có rất nhiều, rất thú vị, rất cảm động, có nhiều chuyện xúc động rơi nước mắt như: “Nữ biệt động “cảm tử” (trang 17) viết về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Mai, người đã 3 lần dũng cảm đột nhập vào sào huyệt đặt bom tiêu diệt kẻ thù, bà là thành viên đội biệt động Sài Gòn - Gia Định N10 lừng lẫy một thời; “Chiến thắng màn tra tấn tàn độc” (trang 101) viết về nữ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Mai - thiếu nữ mang biệt danh “con thoi sắt” bị địch bắt tra tấn dã man nhưng chị đã chiến thắng kẻ thù bằng sự thông minh, khôn khéo, ứng phó tài tình; hay “Trần Thị Nga - Nữ biệt động anh hùng” (trang 235) kể về chiến công của đội biệt động thị trấn Trảng Bàng trong đó có chiến công của đồng chí Trần Thị Nga - người giao liên đầy mưu trí, gan dạ, luôn tìm cách luồn lách qua mắt kẻ thù, bảo đảm chuyển vũ khí, tài liệu từ vùng căn cứ ra phục vụ kịp thời cho đội trừng trị bọn ác ôn... và nhiều câu chuyện cảm động khác nữa.

Với những thành tích chiến đấu xuất sắc, năm 1976, lực lượng biệt động Sài Gòn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tặng 16 chữ vàng “Đoàn kết một lòng - Mưu trí vô song - Dũng cảm tuyệt vời - Trung kiên bất khuất”.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách và mời bạn đọc tìm đọc sách tại Thư viện Quân đội, số 83 Lý Nam Đế - Hoàn Kiếm - Hà Nội.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Sách hay nên đọc: Nữ biệt động cảm tử" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn