Sách mới “Truyện ký 1 Chuyện làng quê”

Sáng qua (8/11/2022), tôi nhận được sách mới “Truyện ký 1 Chuyện làng quê” do “shipper” chuyển từ đại diện Quản trị trang mạng “Chuyện làng quê” tại Hà Nội đến tư gia.

Nhận được sách mới, dù bận nhưng tôi gác lại mọi việc dành thời gian để đọc, học những bạn viết trên trang mạng “Chuyện làng quê” mà tôi cũng được mời là quản trị viên, thường xuyên tuyển chọn bài để đăng tải trên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển (vanhoavaphyattrien.vn) tăng thêm lượng bạn đọc.

chuyen-laqngf-que-1-1667979528.jpg

Sách “Truyện ký 1 Chuyện làng quê” dày 520 trang, khổ 15 x 23 Cm do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép xuất bản, nộp lưu chiểu quý IV/2022. Sách gồm 137 tác phẩm của 104 tác giả là những bài viết được chọn lọc từ hàng nghìn bài trên trang mạng “Chuyện làng quê” đến nay có trên 100.000 thành viên tham gia. Trong đó, tôi được tuyển chọn đăng 2 tác phẩm: “Bài học cảnh giác chưa bao giờ cũ: Những vị vua nào chết thảm vì con rể?” và “Khám phá Núi Đinh vùng đất “ngự lộc” huyền bí gắn với danh tướng họ Lỗ” (từ tr70 đến tr79) đậm chất sử học (ảnh dưới).

chuyenlang-que-2-1667979655.jpg

Làng quê là nơi từ bao đời nay cư dân người Việt cư trú, lao động, sản xuất và tổ chức các sinh hoạt văn hóa, tinh thần. Văn hóa làng quê đã đi vào ký ức người Việt với những giá trị vật chất và tinh thần rất gần gũi, thân thương được các tác giả thể hiện trong “Truyện ký 1 CHUYỆN LÀNG QUÊ” mà bạn viết Nguyen Van Nọi mô tả “sẽ đưa bạn đến một bữa tiệc đứng với 137 món "đặc sản" của mọi vùng quê Việt Nam. Bạn sẽ không thể tìm thấy ở bất kỳ một tác phẩm văn học ở Việt Nam và có lẽ cả trên thế giới một sự thưởng thức thú vị như vậy”. Đó là hồi ức “Có một dòng sông như thế”của tác giả Nguyễn Thị Lê Anh năm nay 90 tuổi viết về người lính tình nguyên Nam tiến năm 1945 mở đầu cuốn sách đến các tác phẩm giới thiệu văn hóa ẩm thực các món ăn dân dã của Nguyễn Thế Kỷ, Hồ Công Thiết, Bùi Quang Việt,  Bùi Trung, Phạm Đình Kỳ…Nhiều bài viết mô tả cuộc sống làng quê nhớ lại trước đây nghèo khó nhưng không bao giờ chê quê, sống tình nghĩa “tối lửa tắt đèn có nhau”, “Lá lành đùm lá rách”. Mọi người dù đi đâu vẫn gắn bó, có tình yêu đằm thắm, thủy chung son sắt với chốn quê, đóng góp xây dựng quê hương trở thành nông thôn mới, làm đổi thay diện mạo làng quê, cùng với đổi mới, phát triển của đất nước như các tác phẩm “Tiếng rao xưa, tiếng rao nay”, “Úp mặt vào sông quê” của Trương Thành Sơn; “Đất lề quê thói”, “Chuyện ở quê - Một thời để nhớ” của Huỳnh Hồng Điệp; “Một làng quê” của Nguyễn Đình Sứ… Gắn bó như vậy nên người dân ở làng quê Việt mỗi khi gặp hoạn nạn, sự cố bất thường đều thốt lên “Ối làng nước ơi, cứu tôi với !”. Điều này hoàn toàn khác với các nước khác, nhất là phương Tây mỗi khi  gặp hoạn nạn, sự cố bất thường họ đều  thốt lên “Lạy chúa, cứu tôi với !”, không gắn bó mật thiết với làng quê như người Việt.

Đúng như TS Phạm Việt Long trong bài giới thiệu cuốn sách này đã có đôi điều rút ra là: Các tác phẩm trong “Truyện ký 1 Chuyện làng quê” mang hơi thở nồng ấm từ cuộc sống, đã khắc họa chân dung làng quê, với khung cảnh thanh bình, tuy nghèo mà ấm áp, nồng nàn tình nghĩa. Ở làng quê ấy, những sản vật của đất quê đã nuôi sống con người và nuôi dưỡng tâm hồn con người, trở thành ký ức sâu sắc của mỗi người khi phải xa quê. Rồi từ làng quê, trai gái tòng quân bảo vệ Tổ quốc. Tin tưởng với phẩm chất tốt đẹp, người làng quê sẽ xây dựng được quê hương ngày một giàu đẹp, đang hoàng hơn.

Về nghệ thuật, các tác phẩm trong “Truyện ký 1 Chuyện làng quê” đều viết theo phương pháp hiện thực. Một số tản văn, truyện ngắn, dựa trên hiện thực, có hư cấu, các tác giả hướng độc giả đi sâu vào cảm xúc với thiên nhiên, lắng lại suy nghĩ về nhân tình thế thái. Phần lớn còn lại viết về những chuyện thật việc thật, đó thực sự là những bài báo phản ánh.

Có thể nói, thành công của cuốn sách này, tuy tập hơp nhiều bài viết của nhiều tác giả trên mọi miền đất nước nhưng do được biên tập kỹ, các tác phẩm đều thể hiện bằng ngôn từ mộc mạc, mạch lạc, phác thảo nên bức tranh làng quê chân thực, sinh động. Cùng với đó, sách được bố cục khéo  nên không thành mớ tạp nham, tản mát mà các tác phẩm đã liên kết với nhau, cuốn hút người đọc bởi tình yêu quê hương, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của làng quê và đất nước trong thời kỳ hội nhập, công nghệ 4.0 bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại.

V.X.B