Sắn... với tuổi thơ...

Tôi sinh ra ở thời vùng quê tôi còn nghèo lắm. Nhà nào cũng phải ăn sắn độn thay cơm. Món sắn độn thay cơm đó là món ăn quanh năm người dân quê tôi phải ăn. Vậy nhưng qua tay bà nội tôi chế biến món đó tôi luôn ăn được và còn rất thích thú không thấy ngái hay chán.

fb-img-1667661649056-1667661851.jpg​​​​​​Ảnh sưu tầm

 "Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

 Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi".

        Một mùi hương, một màu, một tình yêu, mà có lẽ suốt đời tôi không quên đó là sắn.. Tôi sinh ra ở thời vùng quê tôi còn nghèo lắm. Nhà nào cũng phải ăn sắn độn thay cơm. Món sắn độn thay cơm đó là món ăn quanh năm người dân quê tôi phải ăn. Vậy nhưng qua tay bà nội tôi chế biến món đó tôi luôn ăn được và còn rất thích thú không thấy ngái hay chán. Tôi cứ nhớ mãi không quên chiều nào cũng lên đồi nhặt sắn giúp bà. Ghét thật lũ chuột cũng ăn tranh với người nên có những gốc bà cuốc mãi mà không được củ nào. Nhổ lên chuột đã ăn sạch rồi. Tôi bực lũ chuột và thương công bà trồng sức bà đào. Khi có được gốc sắn trắng nổi lên tôi reo hò và thích thú. Tôi luôn thắc mắc mãi với bà chỉ là sắn thôi mà sao bà làm ra ngon thế. Nhớ lắm khi đang mải mê chơi với bạn bè, bà réo gọi về đã có đĩa sắn béo với những viên sắn nằm tròn trong đĩa nhìn thèm và thích thú. Miếng sắn béo ngậy quện mùi thơm của hành mỡ ăn khi còn nóng cứ quấn quýt mãi nơi đầu lưỡi khiến tôi nhớ mãi hàng ngày.

      Ngoài món bánh sắn đó còn có sắn độn cơm. Sắn độn nhiều hơn cơm nấu nên luôn có câu “hạt sắn cõng mười hạt cơm”. Thật lạ lắm, bà nội tôi còn luôn làm cơm độn sắn khác với mọi nhà, món sắn độn cơm của bà bữa nào tôi cũng ăn mà không hề ngai hay ngấy, chỉ thấy rất bùi. Như mọi nhà, bà lấy sắn ruôi phơi khô “độn” cơm để khi ăn mới không bị nát. Sắn “độn” cơm chín bằng hơi nên khi nấu phải chú ý không mở vung giữa chừng. Đợi sắn chín hẳn mới được mở vung thả chút hành hoa, mỡ, muối cho sắn gới vừa thơm, vừa đỡ khô. Còn cháo sắn, ai bị ốm mới dậy, ăn bát cháo sắn bà nấu sẽ thấy hồi sức rất nhanh. Cháo sắn đọng lại dư vị của cả quê hương làng xóm, nó được nấu từ vị bùi của sắn trên đồi, vị ngọt của con chai chai dưới đồng và vị thơm mát của thì là, hành hoa trong vườn.

    Sẽ còn thiếu sót nếu tôi không kể đến món xôi sắn của bà. Xôi được làm từ bột sắn khô cho lên chõ đồ đến khi chín xới ra. Bà lại đem chỗ xôi đó nhào thật nhuyễn thành một khối kết dính, chắc lẳn, dẻo quyện với nhau, lấy dao cắt thành từng khoanh mỏng là có thể ăn ngon lành. Sắn phơi khô thường có vị ngái, không còn bùi như sắn tươi. Nhưng ăn miếng xôi sắn bà làm, tôi chỉ thấy đọng mùi nắng, mùi sương kết lại đậm đà, nhai kĩ có vị ngọt. Tôi thích nhất được cùng bà ngồi trong bếp ăn món xôi đã để nguội bà ép thành miếng như bàn tay cho lên than hồng nướng. Thơm lắm, tôi thích mùi thơm ấy và nhất là lại được bên bà nướng bánh sắn được miếng nào ăn miếng đó luôn. Tôi ăn mãi mà không thấy chán, nhất là vào mùa Đông món đó tôi càng thấy ngon vô cùng. Kệ ngoài kia gió lạnh, trong bếp tôi thấy được no ấm và ngon lại thơm mùi bánh sắn nướng.

     Có lẽ đặc biệt nhất với tôi là món bánh sắn bà làm. Đến bây giờ có rất nhiều quà bánh ngon để lựa chọn nhưng cái cảm giác háo hức được cầm đồng bánh sắn trên tay vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Thứ sắn củ tươi bở, trắng ngần cho vào cối giã cho đến khi có độ dẻo mịn thì nặn thành bánh mặn. Thứ bánh ấy làm vất vả không thua gì bánh dày, cũng phải nặn bánh khi còn nóng bỏng tay để bánh quyện lại dẻo dai, mịn màng không nứt vỡ khi bánh nguội. Những chiếc bánh nặn dẹt bằng chiếc đĩa con trắng ngà, xinh xẻo được rắc thêm một lớp lạc rang thơm giòn mới nhìn đã muốn ứa nước miếng. Nhưng chỉ cần ăn một chiếc bánh ấy tha hồ chắc dạ, cả ngày vẫn thấy vương vấn vị ngon dẻo thơm của bánh.

    Giờ đây cứ nhìn cây sắn nhìn củ sắn trắng tinh bao nhiêu cảm xúc trong tôi lại ùa về. Một ký ức tuổi thơ thật đẹp với bà nội với những củ sắn yêu. Và chính tôi cũng thấy sắn đã từng gắn bó rất gần gũi với người dân quê hương Việt Nam một thời. Ai đã từng sống với "sắn cõng cơm" có lẽ sẽ có nhiều ký ức tuổi thơ như tôi và không bao giờ quên mùi hương Sắn làng quê ta....

Chuyện làng quê