Thế mà rồi bất chợt một buổi hành quân, nhọc nhằn lắm, đến một trạm giao liên kia ở cánh rừng Tây Trường sơn, bỗng cả đoàn quân toàn lính trẻ Hà Nội nhập ngũ đều xốn xang, bàng hoàng khi nghe bốn bề ào ạt tiếng ve kêu, như một bản hợp xướng của tuổi thơ vọng về...
Trường Sơn ơi trên đường ta qua không một dấu chân người
Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác
Dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát
Ngắt một đoá hoa rừng cài lên mũ ta đi
Đấy là thơ của người lính trẻ Gia Dũng, sư đoàn 312, cũng hành quân ở Tây Trường Sơn sang Lào. Thơ anh hay, có chú nai vàng, có đoá hoa rừng ngắt vội cài lên mũ trên đường hành quân...Nhưng thực lòng với cánh lính trẻ Hà Nội chúng tôi, Trường sơn sang hạ ấn tượng và xúc cảm nhất chính lại là tiếng ve. Bởi thế, không cầm lòng được, tôi lủi ra một goc rừng, ngồi viết vội bài thơ sang hạ ghi lại cảm xúc của mình, người lính trẻ lần đầu ra trận trên con đường Tây Trường Sơn
"Chùm vải đỏ nở trên đường ta qua
Nhớ mùa xuân như nhớ một làng xa
Và lời hẹn của bầy chim tu hú
Chúng tôi đi khi cánh rừng sang hạ
Có hoa ê miêng vừa nở sắc tươi
Có tiếng ve quen trên con đường lạ
Vẫn hạ đấy mà tuổi thơ xa rồi…
Đường hành quân sao hôm đến sao mai
Một ngôi sao rung hai đầu mặt trận
Ngôi sao hôm ai ví giống mắt ai
Mà em ơi để người lính nhớ hoài…
Chúng tôi trông về miền xa trông đợi
Ngôi sao hôm như càng thêm chói lọi
Bao miền bao miền còn mong đợi như em
Những mặt người chưa gặp đã thân quen
Những làng xa trầm trầm tiếng súng
Cơn gió thổi chưa làm tan lửa bỏng
Chúng tôi đi góp gió với quê hương
Góp mùa hạ cho cơn bão Trường Sơn.
Và bốn mùa như những trạm hành quân
Dãy Trường Sơn mang dáng người đi tới
Những thế hệ lớn lên những đoàn quân
Gạt mồ hôi đi, nụ cười tươi nắng mới
...Sang hạ rồi đó Trường Sơn ơi
Tiếng ve nào cũng gọi những niềm vui
Của năm tháng nuôi lớn nhiều trận đánh
Chiến công soi mặt người thêm lấp lánh.
Bài thơ tôi đặt tên " Sang hạ", và rồi theo đường quân bưu của trạm giao liên, tôi gửi về cho một người chú, cũng là một nhà thơ là chú Phan Xuân Hạt ở NXB Thanh niên 64 Bà Triệu Hà Nội. Bốn tháng sau giữa mặt trận, cũng theo đường quân bưu, tôi nhận được một gói bưu phẩm từ Hà Nội gửi vào của NXB Thanh Niên và chú Phan Xuân Hạt, mở ra là tập thơ Ra Tiền Tuyến của NXB Thanh Niên,(do hai nhà thơ là Phan Xuân Hạt và Võ Văn Trực biên tập), ngay ở trang đầu in hai bài thơ của tôi: Tuổi trẻ Trường Sơn và Sang hạ. Một niềm vui không thể tả nổi của người lính trẻ , tôi liền khoe ngay với anh em trong tiểu đội, và rồi người lính này chuyền tay người lính kia, khẩu đội này chuyền tay khẩu đội kia, chưa biết thơ có hay hay không, nhưng đơn vị mình có thằng Hoài được TW in cho" dững" hai bài thơ là tự hào sung sướng lắm rồi, là niềm vui chung của mọi người lính trong đơn vị rồi...
Trong bài thơ, có một chi tiết không ít anh em hỏi tôi. Rằng hoa ê miêng là hoa gì thế nhỉ? Tôi cũng kể thật trên đường hành quân, thấy một loại hoa đẹp quá, mới hỏi cô giao liên đây là hoa gì em nhỉ? Em cũng cười và lắc đầu cho hay "em cũng không biêt tên hoa anh ạ. Rừng Trường sơn có nhiều loài hoa dại đẹp lắm." Thế tên em là gì"" Em người dân tộc anh ạ, tên em là Ê Miêng".Thế là trong bài thơ của mình, tôi gọi ngay loài hoa ấy là hoa Ê miêng, tên cô gái giao liên xinh đẹp, dũng cảm...
Những năm sau tôi lại có dịp hành quân qua những cánh rừng miền tây này. Vẫn tiếng ve kêu mùa hạ, vẫn những lùm hoa ê miêng nở đẹp bên đường. Chỉ một điều làm nhói tim tôi là, cô gái giao liên mà tôi lấy tên em đặt cho tên loài hoa đẹp nở đón chào người lính trên con đường ra trận, em đã hy sinh trong một lần B52 dội xuống cánh rừng.
Chỉ còn tên em trong bài thơ của người lính trẻ, chỉ còn tên em trong loài hoa dại rất đẹp mọc trên đường Tây Trường sơn...
Trái tim người lính