Sapa xưa có còn đâu?

Phạm Phương Thảo

13/06/2022 21:40

Theo dõi trên

Tôi luôn nhớ thương vùng đất Sapa của tuổi thơ mình, nhưng cứ phải là hình ảnh Sapa của những ngày xa xưa! Ngày ấy, tôi từng sống ở đó khi mới lên năm tuổi. Ký ức tuổi thơ non nớt vẫn còn đọng lại những ấn tượng trong trí nhớ lúc đầu đời. Một Sapa xinh đẹp, trong trẻo, đơn sơ và thuần khiết.

xapaxua1-1655130264.jpg
Sapa đẹp trong làn sương khói - 2016

Dẫu biết rõ người ta không bao giờ có thể quay lại quá khứ với những hình ảnh xa xưa được nữa nhưng tôi vẫn thầm mong giữ lại một phần Sapa của ngày xa xưa! Ít nhất là một phần vẻ đẹp xưa, với sự tiếc nuối, nâng niu và trong lòng còn muốn lưu giữ mãi những hình ảnh Sapa xa xưa trong ký ức tuổi thơ.

Ngày ấy, thị trấn Sapa khá bé nhỏ. Vẻ đẹp sương khói, ảo huyền bởi thứ sương mù quanh năm quấn quện cùng với tầng tầng mây trắng. Nét đẹp vừa mơ màng, quyến rũ, lại vừa ảo diệu, hoang sơ. Nắng lấp lánh trên những con đèo. Một thị trấn nho nhỏ với những nếp nhà chênh vênh nơi vách núi và đặc biệt luôn bát ngát, trập trùng màu xanh. Màu xanh thẫm của núi, màu xanh tươi của cây, màu xanh đen của những sắc áo chàm và màu xanh non tơ của lúa nương, quện với màu xanh hư ảo của từng đàn mây dập dìu bay xuống núi! “Phố nhỏ hiện lên từ trong mây là hoàn toàn có thật. Ngắm mây Sapa bay là là trên những con đường phố núi vào những ngày đẹp trời thật tuyệt vời! Bạn thấy mình đang lâng lâng bay hay ta vẫn đang bước đi trong biển mây. Có thể bạn sẽ hiện thực hóa ngay giấc mơ cổ tích của tuổi thơ khi cùng mây núi được thả hồn bay lên giữa đất trời.

Những vườn mận đào nhìn lúc lỉu quả, từng chùm trái sai trĩu trịt. Hoa tươi quả ngọt bốn mùa đua nhau mọc, cùng chen chúc xanh ngay giữa lòng thị trấn nho nhỏ và xinh xắn. Nhớ những vườn mận đào mọc trên triền đồi suốt bốn mùa sương trắng, nhìn cây lá cứ rậm rịt um tùm. Chúng hồn nhiên nở hoa. Màu trắng xoá là hoa mận. Màu hổng phớt là hoa đào - Người Mông trên núi cao vẫn thường gọi chúng với cái tên thân thương là Pằng tớ dày. Hoa núi dệt nên vẻ đẹp hư ảo của miền thiên thai. Vẻ đẹp ấy còn lộng lẫy hơn nữa vào những dịp mùa đông, khi những sắc hoa Pằng tớ dày luôn ửng hồng lưng núi. Hoa mận, hoa đào, hoa lê, hoa mắc cọp…cứ là xôn xao những búp nụ để chào đón mùa Xuân, vào gần dịp Tết. Mùa đào mận lê táo cùng nở hoa kết trái thì nhìn đẹp mê ly, non cảnh bồng lai cũng chỉ đến thế là cùng. Sự hào hển, sum suê, phồn sinh của Sapa mang đầy sức sống!

Sapa luôn khoác trên mình tấm voan hoa mùa xuân. Tấm voan được đất trời thêu dệt, cứ thả dài tha thướt trên những bản làng, thung lũng. Sa Pa khi ấy nhìn lộng lẫy như một nàng tiên đang bay giữa miền thiên thai. Ngoài kia là trập trùng những rặng núi cao vút, xanh thẫm. Núi lầm lì, nằm chen vai xếp hàng, núi lặng lẽ bao bọc, ôm ấp, vây quanh Sa pa. Ngay giữa trung tâm thị trấn Sapa ngày đó, nhà cửa cũng khá thưa thớt. Sự yên tĩnh và không khí thiên nhiên hoang sơ tràn ngập. Thiên nhiên cứ hiền hòa, xanh mát suốt bốn mùa. Sau này người dân vùng non cao còn nhắc đến những cảnh vật ấy với nỗi luyến tiếc đầy xót xa, bởi vẻ đẹp ấy chỉ còn là trong giấc mơ. Những ngôi nhà sàn giản dị, be bé, nhìn xinh xinh, có lẽ thị trấn Sa pa ngày ấy chỉ có khoảng chừng vài chục nóc nhà, chúng nằm rất hiền lành, nếu đứng cao lắm cũng chỉ nhấp nhô nơi triền núi.

Ngôi nhà thờ cổ được người Pháp khi xưa xây bằng đá xám vẫn vươn cao uy nghi giữa trời như một điểm nhấn. Nhà thờ đá với lối kiến trúc gothic đẹp đẽ do người Pháp đến xây dựng từ ngày xa xưa. Nhà thờ đá ấy vẫn đứng đó cho đến bây giờ mà vẫn độc đáo, nhìn nổi bật giữa trời với nét kiến trúc Châu Âu. Một trạm khí tượng nghèo nàn ở tít trên cao, tận trên đỉnh Yên Sơn. Nơi mà câu chuyện “Lặng lẽ Sa pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long đã đi vào trong những trang sách vở.

Sa pa vốn bạt ngàn xanh tươi màu cây lá! Rừng sâu, núi cao và thác nước đổ xuống trắng xóa. Có rất nhiều thứ hoa tươi đặc trưng Sapa. Hoa nở rực rỡ suốt bốn mùa. Có một loài hoa mang tên laydon thóc vẫn mọc dại triền miên trong các thung lũng nhìn rất đẹp. (Tôi đã từng viết bài tản văn riêng về loài hoa này!) Mãi sau này, có lẽ vào những năm 2000 - 2010 trở đi thì những khách sạn lớn có tên tuổi như BB Hotel, Victory, Lacasa Hotel… mới được xây dựng và ngày càng hiện đai hơn. Những khách sạn lưng dựa núi với mây trắng vờn quanh ngay trên lưng chừng núi.

Trong bức tranh thiên nhiên lộng lẫy và hữu tình ấy, ta chỉ thấy Sa pa là mênh mang mây trắng, núi xanh, hòa với sắc màu rực rỡ, non tươi ngập tràn. Màu xanh của cây lá thiên nhiên quện với nắng vàng, mây trắng, với gió núi và hương hoa. Mà hoa ở Sa pa vốn mang theo vẻ đẹp nổi tiếng ở xứ lạnh. Bao loài hoa luôn nở rạng ngời dưới cái lạnh giá tê buốt mùa đông. Đó là các loại hoa được trồng trong các khu vuờn như hoa hổng, pang se, các loại hoa laydon, các loại hoa thược dược, Cẩm chướng, violet… Loài hoa nào cũng độc đáo và mang theo vẻ lung linh dưới xứ sở sương mù.

Những nếp nhà bằng gỗ nhìn xinh xinh, đơn sơ, có đủ kiểu dáng, chúng được bà con người dân tộc làm bằng gỗ Pơmu thơm phức. Ngắm nhìn những mái nhà nằm chênh vênh, thấp thoáng nắng nơi sườn núi rất thú vị. Vẻ đẹp như dành riêng cho những người mê phong cảnh đến chụp ảnh hay săn tìm vẻ đẹp nghệ thuật hội họa và thỏa chí tag bồng. Mái nhà ngày ấy được lợp bằng gỗ Pơ mu rất đẹp và thơm phức. Gỗ xẻ dầy lắm, dễ chừng đến 4-5 cm, bây giờ thì thật khó mà có được nữa, vì gỗ pơ-mu càng ngày càng trở nên khan hiếm.

sapaxua3-1655130412.jpg
Sapa đẹp và hùng vĩ (ảnh chụp năm 2016)

Buổi sáng sớm ở Sapa thường giá lạnh, nhất là mùa đông. Mãi gần trưa mới có chút nắng lên. Nắng ấm xua tan dần những lớp sương sa và băng giá được đọng lại thành từng tảng từ đêm qua. Buổi trưa, khi có thêm chút nắng, bầu trời ấm dần. Nắng rải vàng trên phố mây và lấp lánh in muôn hình hoa nắng trên những sườn đồi. Chiều về, Sapa đẹp u buồn, nàng mang vẻ đẹp cổ điển, nhìn đẹp tựa như người đàn bà cổ xưa vừa khoác lên mình tấm áo choàng mới. Chiều tối thì Sapa se lạnh hơn. Thế nên người ta nói nếu bạn chỉ có một ngày sống ở Sa pa cũng sẽ được hưởng thụ đủ khí hậu, tiết trời của cả bốn mùa!

Ngày chợ phiên Sapa thường là ngày chủ nhật. Trên những con đường đi vào thị trấn, bà con người dân tộc Dao rực rỡ váy áo, tay dắt ngựa đi xuống chợ. Nhìn ngắm những đàn ngựa khỏe khoắn, nhìn óng ả đẹp mã dễ có đến cả trăm con. Họ sẽ buộc ngựa ngoài bãi cỏ non, thả cho ngựa thơ thẩn ăn cỏ ngay cạnh khu đất trống. Một khu đất có hình lòng chảo, đó chính là khu vực sân rộng sau này, nằm ở ngay cạnh khu trung tâm Sa pa sát cạnh khu nhà thờ. Những người đàn ông tụ tập quanh đó, họ uống rượu và thổi kèn lá rất vui tai..

Những người đàn bà Mông, Dao, Dáy, Tày… đi xuống chợ trong niềm vui giản dị và hồn nhiên. Những sản vật hoa củ quả, lá thuốc… được họ đựng trong những chiếc sọt bằng nứa tự đan, hoặc trong các gùi mây. Các chàng Mông xuống núi có khi còn đeo trên lưng các sọt hoa quả như mận, đào, quả dâu da. Trang phục của những người đàn bà khá rực rỡ, nhìn bắt mắt hơn. Phụ nữ dân tộc luôn hồn hậu, có nụ cười tươi rói, trên đầu trên vai họ là những chiếc khăn sặc sỡ đủ các màu. Bên những thứ dao, rìu, cuốc, xẻng, hay những cái mai, cái thuổng dùng để đánh bẫy, đào củ, đào ao là những ngườ đàn ông. Họ túm tụm, say sưa trò chuyện. Họ ngắm nghía những con dao phát nương, từng khẩu súng kíp, từng cái bẫy thú. Đặc biệt có những khẩu súng kíp cổ xưa nhìn rất lạ.

Các mế già với nụ cười móm mém ngồi bán lá thuốc. Các chị phụ nữ bán măng tươi, rau củ quả hay đang lúi húi thái những mớ rễ cây dùng làm thuốc nam… Chợ đông vui dần lên dưới nắng ấm. Nghe trong gió núi rộn lên mùi hương thắng cố thơm lừng. Có những tiếng nói cười râm ran bằng nhiều thứ tiếng dân tộc. Nghe lao xao tiếng hát gọi nhau, tiếng trẻ con, có cả những tiếng kèn lá. Tôi đặc biệt ấn tượng với tiếng khèn Mông. Nghe tiếng khèn Mông sao mà da diết, thanh âm cứ vút lên lại trầm xuống cùng điệu múa giữa chợ… Tiếng khèn sẽ hay hơn khi chúng được hoà quện cùng tiếng sáo Mông…

Tiếng kèn môi cất lên nghe nỉ non và bay lượn u uẩn trong màn sương trắng Sapa. Những vòng xoè lắc lư theo bước chân đàn bà Mông xuống chợ. Họ bước đi chậm rãi từ những vòng xập xoè để khoe gấu váy thêu hoa từ bên trong của những chiếc váy Mông. Cái duyên Sơn nữ cũng đến thế là cùng.

Vẻ đẹp liêu trai, khi những dáng thiếu nữ thấp thoáng trong biển mây. Sự hồn nhiên, dịu dàng, thậm chí hơi e lệ khi họ đứng lại ngay bên sườn con dốc nhỏ chỉ để cuốn lại chiếc xà cạp. Phố núi hiện lên từ trong mây chính là đây. Rặng mận rừng lê vẫn còn nở hoa trắng ngần trên đỉnh núi Hàm Rồng. Dãy Hoàng Liên Sơn vươn cao xanh thẫm, mắt núi trầm mặc đứng nhìn bao quanh. Núi chồng lên núi, mây quấn trong mây. Trên vai núi, lững lờ khăn mây phủ bay trắng xốp, gió núi bồng bềnh. Mây tràn xuống bản làng và len lỏi vào từng xóm núi…

Tất cả những thứ âm thanh đó như đang được vút lên, trộn lẫn cùng tiếng chó mèo, tiếng chim rừng hót lảnh lót trong một thị trấn bé nhỏ ngày chợ phiên, chúng như đặc quánh hơn trong lớp sương mù dần tan. Mùi hương thơm đặc biệt của thứ hương vị dổi, thảo quả, của thứ hương quế, hương hồi thơm lên ngào ngạt. Chúng đang lan tỏa từ trong những cái chảo khá lớn đang sôi sùng sục của hàng phở, hàng thắng cố. Những thứ mùi thơm ấy quện với mùi khói lửa khen két, hới ấm nồng nàn mới trở nên quyến rũ làm sao! Chúng làm cho người ta cứ muốn phải chảy nước miếng mà xích lại gần nhau hơn. Những sắc màu thương nhớ ấy vẫn luôn tỏa hương, vẫn luôn ngập tràn trong nỗi nhớ và trong mớ ký ức lộn xộn về tuổi thơ xưa của tôi.

sapaxua2-1655130518.jpg
Tôi bên suối Vàng - 2016

Đã có bao nhiêu người từ dưới xuôi lên đây để làm ăn sinh sống và ở lại thành dân bản địa. Cũng vì mê đắm vùng đất ấy mà có bao nhiêu người nghệ sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia tài năng đã đi từ miền Nam ra hay từ thủ đô cũng tìm lên đây. Họ đã vui sống cùng người dân bản địa, đã khám phá, sáng tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật từ miền quê núi. Họ những mong có dịp tìm lại được một “nụ cười Sơn cước đầy bản sắc dân tộc cho riêng mình ! Vẻ đẹp của địa hình núi nhấp nhô trên cao với thiên nhiên trong lành, với mây, núi thiên thai, với sự phong phú về bản sắc văn hoá, về con người, khí hậu, sự quyến rũ về ẩm thực... luôn gọi mời du khách. Sapa quả thật đã là vùng đất xinh đẹp, kỳ ảo, quyến rũ, nơi có nhiều tiềm năng để trở thành một trung tâm du lịch độc đáo bậc nhất khu vực Đông Nam Á hiện nay.

Sapa đẹp huyền thoại hơn ở nơi miền non cao mây trắng tít tận miền biên viễn xa xôi! Một vùng đất với trời mây bảng lảng, với núi non cao vút, với ngọn thác trắng đang giao hòa mê đắm giữa lòng thiên nhiên. Chẳng thế mà người Pháp xưa đã đến đây, đã chọn Sapa là một nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời. Sau này họ những muốn quay lại hợp tác cùng với chúng ta để hiện thực hoá giấc mơ biến nàng tiên Sapa đang ngủ quên trong rừng thành “Người Đẹp châu Á”. Họ hy vọng nơi đây sẽ là một trung tâm du lịch thương mại đẹp đẽ, độc đáo và sang trọng. Giấc mơ ấy thật đẹp nhưng cũng thật đáng tiếc khi đã không kịp trở thành hiện thực. Thật tiếc cho một vùng đất, một “Người Đẹp” vốn nổi tiếng quyến rũ từ lâu đã không thể trở thành giấc mơ trong hiện thực. Người ta tiếc nuối vì Sa pa đã từ lâu đánh mất vẻ đẹp thiên nhiên sơ khai, thuần khiết ấy. Khó mà gìn giữ được cho đời sau những vẻ đẹp sơ khai đó nữa! Thật tiếc cho một vùng đất trong lành, vừa yên tĩnh, vừa lãng mạn, vùa mang vẻ độc đáo mà không đâu có được. Sapa xưa cứ như thực như mơ, lại mang theo vẻ sang trọng quý phái của Châu Âu ngay giữa lòng mẹ thiên nhiên xanh.

Những vẻ đẹp thân thương và ảo diệu ấy đang mất dần vì cảnh quan thiên nhiên ngày càng bị phá vỡ nghiêm trọng. Có quá nhiều nhà xây mới đã mọc lên cùng những khối bê tông sừng sững. Vẫn biết, sự phát triển của môt thành phố du lịch đòi hỏi tốc độ ào ạt mang tính công nghiệp, chúng đang thách thức, đe dọa, phá hủy thiên nhiên và môi trường sống. Bây giờ, nàng tiên Sapa ảo diệu xưa kia sẽ chỉ còn lãng đãng hiện lên trong ký ức xa mờ!

Thương cho những vẻ đẹp lãng mạn nên thơ, những nét đẹp sơ khai và sự quyến rũ của thiên nhiên thuần khiết sẽ không còn. Biết làm sao được khi người ta đang phải dần quen với một Sapa đông đúc, hiện đại của một thành phố du lịch thời hội nhập! Tôi và bao người con đã rời đi xa, càng thương nhớ Sapa bao nhiêu thì càng muốn khóc thương cho một Sa pa xưa đang bị mất dần!

Bạn đang đọc bài viết "Sapa xưa có còn đâu?" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn