Se sắt tháng mười

Hoàng Thảo Chi

07/11/2021 14:44

Theo dõi trên

  Dạo tôi còn bé tý, tháng Mười có rất nhiều điều đáng nhớ. Nhưng cũng phải nói ngay với mọi người rằng: Tháng Mười ở đây là tháng mười âm lịch, cái tháng mười, mà bu tôi vẫn lẩm bẩm tính trên đầu ngón tay: Giêng, Hai, Ba. Tư, Năm, Sáu, Bảy, Tám, Chín, Mười, Một, Chạp... xa lắc xa lơ!

 

gao3-1635644519.jpg
 

  Bu tôi hay đọc rất nhiều các câu ca về tháng mười. Nhưng câu đầu tiên, thì bọn con nít chúng tôi dạo ấy, nhất trí cao là bu tôi, và tất cả các bà trong làng đều nói sai. Âý là câu: Ngày tháng mười chưa cười đã tối...

  Làm gì có chuyện ấy! Buổi sáng, bọn con nít chúng tôi đi học, giờ ra chơi bày trò trốn tìm, hò hét, cười nói đứt hơi, rồi lại vào lớp học, chờ mãi mới nghe tiếng trống tan trường. Chiều lại đi chăn trâu, đánh khăng đánh đáo, bải hoải mới tối. Thế mà bu tôi lại bảo chưa cười đã tối, sai trăm phần trăm!

   Còn hai câu tiếp theo, thì chúng tôi cũng không thích cho lắm:

                              Bao giờ cho đến tháng mười

                        Bát cơm đầy cười, con cá bắc ngang...

 Sao lại mơ tận tháng mười? Sao không phải là ngày mai, hay ngày kia? Tháng mười xa lắm! Tuổi thơ của thế hệ chúng tôi đói kinh niên, nên luôn thèm ăn. Giấc mơ: Bát cơm đầy cười, con cá bắc ngang... thật xa vời.

 Nhưng thôi, cứ đi tìm đúng sai trong các câu ca về tháng Mười của bu tôi, thì có mà đến tối. Tôi trở về với tháng mười se sắt của riêng tôi thôi.

 Tháng mười là cầu nối từ mùa thu sang mùa đông. Dẻo đất vùng chiêm trũng Huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định nhà tôi nước đã rút hết, mùa bão lụt đã đi qua. Các chân ruộng cao khô cong, vụ gặt mùa bắt đầu. Chuyện về gặt vụ mùa, tôi đã kể trong: Cây lúa tuổi thơ... giờ không nhắc lại nữa. Chỉ kể về hai loại lúa đặc biệt, được trồng cấy trong vụ mùa, bây giờ vẫn có, nhưng chỉ là tên mà thôi, còn hồn cốt thì đã nhạt nhòa gần hết. Đó là lúa tám xoan và nếp cái hoa vàng.

   Ngày ấy, mỗi khi bế mấy thằng cháu nằm đu đưa trên võng đay, trong các câu hát ru, thế nào bu tôi cũng hát:

             Tiếc thay hạt gạo tám xoan.

             Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà...

Nồi đồng điếu là loại nồi đồng thế nào? Tôi không biết! Nhưng nước cà thì tôi sành lắm. Nhà tôi lúc nào cũng sẵn một hũ cà muối. Nước cà là thứ không ăn được. Háu ăn như tôi và con chó Vàng cũng lắc đầu quầy quậy, nghĩa là không còn gì để nói. Thế nên cơm gạo tám xoan mà đi chan nước cà... thì quả là một điều cực kỳ phi lý, cực kì tàn bạo... cực kỳ không chấp nhận được!

 Lúa tám xoan là loại lúa thơm rất đặc biệt. Chuẩn bị cho vụ mùa, bất kỳ nhà nào có ruộng, cũng nhất định phải dành ra một diện tích nào đấy, để trồng loại lúa này. Khi lúa chín, những hạt lúa tám xoan màu nâu sậm, hạt dài. Ruộng lúa tám khi chín, tỏa ra một mùi hương ngan ngát, được gió dâng lên, níu những bước chân của những người đi trên bờ ruộng.

 Lúa nếp cái hoa vàng cũng tương tự, nhưng lúc trổ đòng phấn hoa có màu vàng  (Các loại lúa khác phấn màu trắng). Khi chín các hạt lúa gần như tròn, màu nâu sẫm, cả ruộng lúa cũng thơm hương ngào ngạt.

 Khi gặt, hai loại lúa này được bó thành nhiều bó nhỏ, phơi cho khô rồi treo vào trong nhà, trong bếp đợi thu xong vụ mùa sẽ tuốt. Thời đó chưa có máy tuốt, người ta thường đập các loại lúa khác trên những cối đá, nhưng lúa tám xoan và nếp cái hoa vàng, các hạt thóc bám vào bông rất chắc nên không thể đập mà phải tuốt bằng tay. Công cụ tuốt là những đôi đũa. Thường vào các buổi tối sau bữa ăn, mọi người trong nhà tập trung ngồi quanh một cái nia. Giữa nia đặt hai ba ngọn đèn Hoa Kỳ để lấy ánh sáng. Các bó lúa tám hoặc nếp để bên cạnh mỗi người. Người ta đặt từng bông lúa vào giữa hai cái đũa rồi kẹp chặt, kéo mạnh cái cuống rơm đuôi bông lúa về phía sau, đưa đôi đũa tiến về phía trước. Các hạt thóc rụng ra, còn trơ  ngọn rơm không. Những sợi rơm này được bó lại, phơi khô cất sau này bện chổi quét nhà.

 Khi đã tuốt xong lúa, nhà nhà đua nhau xay một ít lúa tám và lúa nếp, rồi nấu cơm đơm dâng lên bàn thờ tạ ơn ông bà tiên tổ. Sau đó mỗi người được chia một bát nhỏ để thưởng thức. Gạo tám xoan khi nấu xong, hạt cơm trong veo, các hạt suôn rời, không bao giờ dính vào nhau, cơm sáng bóng, hạt cơm dẻo, mềm mại, ngọt hậu và thơm ngát. Cơm để cả ngày, những đặc tính trên vẫn không thay đổi. Những ngày này, đi trên các ngõ nhỏ trong thôn, mùi cơm tám xoan và xôi nếp cái hoa vàng thơm lừng trong gió. Đây là mùi hương mà ai đã một lần bắt gặp, sẽ bị mê hoặc cả đời, không thể nào quên. Đó là mùi hương chân quê thẫm đẫm tâm hồn tuổi thơ tôi y hệt hương chanh hương bưởi. Vì vậy cái câu: Tiếc thay hạt gạo tám xoan. Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà... nghe mới uất ức làm sao!!!

 Lại nói thêm về nếp cái hoa vàng. Khi tuốt được kha khá thóc, thế nào chúng tôi cũng nằn nì xin thày bu tôi cho một ít để rang giã cốm. Thấy mấy cái mặt hau háu của mấy anh em, bu tôi bật cười, đong một đấu nếp (Cái đấu làm bằng gỗ, hình dáng tựa lon sữa bây giờ, nhưng chứa được khoảng một kg thóc) mang xuống bếp rang, rồi giao cho chúng tôi tự giã. Hai ông anh, một ông đạp cối giã, một ông đảo thóc, tôi ngồi chầu rìa chờ. Gĩa được một thôi, anh tôi lên nhà, nhờ bu tôi xuống sẩy trấu hộ, rồi lại tiếp tục giã. Phải nhiều lần sẩy trấu và giã mới thành cốm. Những hạt cốm dẹt, màu xanh vàng như có sức thôi miên. Tôi bốc vội một nhúm bỏ vô miệng, nhai chầm chậm, vị ngọt từ từ lan tỏa trong lưỡi, mùi thơm thoảng lên mũi ngất ngây.

  Sau này lớn lên, ăn cốm khắp thiên hạ, nhưng không thể nào tìm lại được hương vị hạt cốm thuở xa xưa ấy. Hạt cốm có mầu mỡ đất quê hương, có gió lạnh tháng mười se sắt, có mồ hôi, nước mắt của thày bu tôi, một sương hai nắng, còng lưng, xém mặt làm nên, thì làm sao có hạt cốm nào sánh nổi.

 Tháng mười trời đất đã bắt đầu se lạnh. Cái lạnh tháng mười hanh hao se sắt, chưa có mưa phùn gió bấc, nên cái lạnh thấy nao nao. Cái nao nao của mùa thu còn rớt lại, bầu trời vẫn còn trong veo, nắng vẫn còn vàng mơ, nhưng những cơn gió đã mang nhưng bàn tay lành lạnh, luồn vào da thịt thấy rùng mình. Biết mùa đông đã đến rồi.

  Bọn con nít chúng tôi vẫn sáng đi học, chiều cưỡi trâu ra đồng chăn. Sau khi thả bầy trâu lang thang kiếm cỏ, tất cả tỏa ra nhổ những gốc rạ trên những ruộng lúa đã gặt từ lâu, dồn lại thành những đống nhỏ rồi châm lửa đốt. Đứa nào cũng thủ theo một hai củ khoai lang từ nhà, liền lôi ra nướng. Lửa làm mọi khuôn mặt ửng hồng, mùi khoai lang nướng bắt đầu chín thơm nức. Chúng tôi xuýt xoa vừa thổi vừa ăn, mặt mũi nhem nhuốc màu tro than, màu đen vỏ khoai cháy... nhưng niềm vui thì rực lên như lửa trại, xua tan giá lạnh tháng mười.

 Ăn khoai xong chương trình vui nhộn nhất mới bắt đầu: Đi hun chuột. Cứ một tốp ba đứa, chúng tôi rà soát khắp cánh đồng tìm hang chuột để hun. Chỉ sau vài chục phút, những đám lửa ở nhiều chỗ khác nhau đã bùng cháy, khói nghi ngút. Những tiếng la hét đuổi theo những chú chuột từ trong hang cuống cuồng lao ra, vang vọng khắp cánh đồng.

 Khi đang tổng kết các đuôi chuột săn được suốt buổi, một thằng bỗng la lên: Bà Đồ nấu cơm rồi. Nhà bà Đồ ngay đầu làng, tuy không có đồng hồ, nhưng khi những ngọn khói tỏa lên trên mái bếp nhà bà, y như rằng đã khoảng năm giờ chiều. Đã đến lúc chúng tôi được chiêm ngưỡng màn “ Khói bò” huyền hoặc của tháng mười kỳ diệu.

  Khi những lọn khói từ bếp nhà bà Đồ bắt đầu bò quanh mái bếp, thì các bếp nhà khác trong xóm, khói cũng đồng loạt ngoi lên. Nếu là các tháng khác, ngọn khói từ các mái rạ trên các nhà bếp sẽ bốc thẳng lên trời, nhưng khi tháng mười tới, khói không bốc lên cao, mà bò trên mái bếp, sau một hồi lan tỏa, chúng quyện với nhau thành một luồng khói to, trườn xuống bò lan theo chân các lũy tre , tạo ra một vòng khói bao quanh làng. Màu khói lúc này không trắng mà xanh lơ. Chúng tôi lặng thinh, ngẩn ngơ nhìn khói bò, khói lượn. Bu tôi bảo đó là khói lam chiều. Chỉ khoảng ba mươi phút, làng tôi đã thành một đảo mây. Những ngọn tre, những mái nhà lô xô, thấp thoáng ẩn hiện trong màn mây xanh biếc, y hệt một khung cảnh thần tiên.

 Từ nãy giờ mải ngắm mây, cái nóng của chạy nhảy suốt buổi đã tỏa hết, chúng tôi bắt đầu thấy se lạnh. Đàn trâu cũng đã tự động dồn lại gần chỗ các ông chủ nhỏ của mình. Chúng tôi kết thúc cái ngày tháng mười chưa cười đã tối trên lưng trâu, để trở về với những mái nhà thân yêu của mình trong cõi thần tiên kia.

  Ơi cõi thần tiên cuả tháng mười, có gió lạnh đầu đông hanh hao se sắt, có nắng vàng và trời xanh nao nao, có hương nếp, hương tám, hương cốm thơm lừng và biếc xanh khói lam chiều lưu luyến... đã theo tuổi thơ tôi đi rất xa. Nhưng nỗi nhớ thương tháng mười vẫn đầy ắp trong tôi. Chợt hiểu hết ý nghĩa câu ca thuở xa xưa của bu tôi:

                 Bao giờ cho đến tháng mười

                 Bát cơm đầy cười con cá bắc ngang.

                                                                                 

 (Trong tập Vùng quê cổ tích)

Bạn đang đọc bài viết "Se sắt tháng mười" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn