Tôi biết đến bà qua truyện ngắn “Tại sao Giáo hoàng sống lâu thế” trong tuyển tập “Truyện ngắn các tác giả đoạt giải thưởng Nobel”. Câu chuyện kể về những vấn đề liên quan đến tuổi thượng thọ của Giáo hoàng Leo XIII. Selma Lagerlof lấy bối cảnh câu chuyện xảy ra vào năm 1890 (khi ấy Giáo hoàng đã 80 tuổi), khi mà Giáo hoàng đạt tới tột đỉnh vinh quang. Các giáo dân khắp nơi rất vui mừng và đổ về Italia hành hương đông đúc.
Đột nhiên mọi người nhận được tin Giáo hoàng ốm nặng, thậm chí có người còn cho rằng người đang hấp hối. Tin tức về bệnh tình của Giáo hoàng đã bao trùm lên khắp các đường phố Roma, báo chí liên tục đưa tin, các hồng y giáo chủ đã chuẩn bị các nghi thức để sẵn sàng bầu Giáo hoàng mới. Các con chiên lo lắng đến mức, như Selma Lagerlof mô tả đến mức có kẻ khốn khổ nào đó khẩn thiết nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy lấy đi cuộc sống của con thay cho cuộc sống của Giáo hoàng! Hãy để cho người được sống, người sẽ có thể làm biết bao điều lành để tôn vinh Chúa. Xin Chúa hãy thổi tắt ngọn lửa đang thắp sáng đời con thay vì Chúa làm tắt ngọn lửa thắp sáng cuộc sống của Giáo hoàng. Cuộc đời con chẳng có ích cho ai cả”.
Có một bà lão nghèo tên là Conxeda sống trong một túp lều nhỏ bên một bờ sông, hàng ngày bà đi bán rau ở chợ. Bà là người sùng đạo và tỏ ra lo lắng hết sức khi biết tin Giáo hoàng bệnh nặng. Bà mong ước Giáo hoàng sống thêm nhiều năm nữa. Bà còn mong ước con trai bà sau này cũng trở thành Giáo hoàng. Ra phố, bà thấy đám đông người tò mò, ai cũng ngóng tin tức để là người đầu tiên biết được thông tin Giáo hoàng qua đời. Bà gặp một người phụ nữ làm nghề in, người này đã in hàng trăm nghìn tấm ảnh Giáo hoàng, nếu người mất thì gia đình họ sẽ phá sản mất. Bà vào nhà thờ cầu nguyện. Rồi bà gặp các bà sơ đang đến Roma để xin quyên góp cho phục dựng lại nhà thờ mới bị cơn bão càn quét qua. Bà mong được chết thay cho Giáo hoàng vì bà đã già rồi. Hay như cô y tá nọ được Giáo hoàng chúc phúc cách đặc biệt, và người hứa sẽ gặp lại cô nếu cô còn sống trở về, khi nhiệm vụ sắp tới của cô là đi làm việc ở một bệnh viện phong cùi.
Trong khi mọi người dâng cho nhà thờ mỗi người mỗi tài sản hoặc tiền bạc lớn nhỏ tùy tâm và hoàn cảnh. Bà lại xin một điều kỳ lạ ghi lại vào cuốn sổ trong nhà thờ là dâng những năm tháng còn lại của cuộc đời để cho Giáo hoàng kéo dài cuộc sống. Bà nghĩ rằng bà đã làm một hành động tốt đẹp và mang lại hạnh phúc cho nhiều người. Quả thực, ngay sau đó, bà cảm thấy có đôi cánh khổng lồ trên trời bao trùm lấy bà, mà bà cho rằng đó là thần chết đang bám theo bà. Bà đã quỵ ngã sau đó và phải nhập viện. Điều kỳ lạ là, trong khi sức khỏe bà ngày càng sa sút và kiệt quệ, thì Giáo hoàng lại khỏe dần ra; đúng vào thời điểm bà quỵ ngã và phải vào viện. Bà sung sướng nghĩ về cảnh người dân đổ ra khắp các con phố ở Roma để mừng vui vì Giáo hoàng đã hồi phục, bà tự hào: “Đó là do tôi đó - bà nói - tôi rất sung sướng. Chúa đã cho tôi chết để Giáo hoàng được sống. Tôi chết cũng không sao vì tôi đã làm cho tất cả mọi người sung sướng”. Rồi bà qua đời.
Khi Giáo hoàng khỏe mạnh hẳn, người đọc lại cuốn sổ những người công đức ở nhà thờ, bất chợt đến dòng chữ bà lão Conxeda xin hiến dâng những ngày tháng còn lại của cuộc đời cho Giáo hoàng được sống, ông tỏ ra trầm tư. Dân chúng kháo nhau rằng, dù Giáo hoàng không công khai người sống lâu nhờ sự hy sinh của bà lão đáng thương, nhưng người vẫn tin rằng việc bà hy sinh để cứu sống người là thật. Từ ấy ở Roma người ta đoán rằng người sẽ thọ rất lâu.
Truyện ngắn đã hình tượng hóa một tấm gương hy sinh đầy cao cả và chân thành của một bà lão, như là một thông điệp giải thích về sự trường thọ của Giáo hoàng Leo XIII. Câu chuyện đầy tinh thần cao thượng và có pha sự ngây thơ đầy tính tôn giáo nơi nhân vật bà lão.
Selma Lagerlof là nhà văn nữ đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học, đó là dấu mốc đặc biệt với các nhà văn nữ. Cả cuộc đời, bà đã dành nhiều thời gian cho tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện thiếu nhi. Một số tác phẩm của bà có thể kể đến: Truyền thuyết Gösta Berlings (1891), tiểu thuyết; Những xiềng xích vô hình (1894), tập truyện ngắn; Những phép lạ của tên nghịch Chúa (1897), tiểu thuyết; Các nữ vương xứ Kungahälla (1899), tập truyện ngắn; Jerusalem (1901-1902), tiểu thuyết hai tập; Huyền thoại về Jesus (1904); Chuyến phiêu lưu kỳ thú của Nils Holgerssons trên khắp Thụy Điển (1906) truyện thiếu nhi; Cô bé từ trang trại đầm lầy (1907), truyện thiếu nhi; Ngôi nhà của Liljecrona (1911), tiểu thuyết…