Sex trong cõi nhân gian

Trong bộ trường thiên tiểu thuyết “Cõi nhân gian” của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành sex tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt. Tất nhiên, sự hiện diện của sex đặt ra nhiều vấn đề thuộc về nhân sinh, nghệ thuật cho người đọc hơn là những khoái cảm tức thời.
phuc-loc-thanh2-1648599145.jpg
Bộ tiểu thuyết vừa xuất bản đã gây hiệu ứng xã hội lớn

 

Các cụ ngày xưa đã tổng kết đời người có nhu cầu “tứ khoái”, trong đó có nhu cầu tình dục (sex). Thế nhưng khác với thế giới hoang dã, người là động vật cấp cao nhất, thông minh nhất, có tiếng nói, chữ viết, cảm nhận nghệ thuật… Hẳn nhiên vì thế, tình dục còn được gọi là sex. Tiếng Anh vốn đa nghĩa, sex ngoài cách hiểu “sự giao cấu” – nghĩa hẹp như tiếng Việt, còn có nghĩa rộng là bản năng giới tính, bản năng gốc, giới tính…

Theo các nhà tâm lý học hiện đại, mọi con người đều có những nhu cầu tâm lý nói chung, sex nói riêng. Nếu những nhu cầu này không được thỏa mãn thì tâm lý bị ảnh hưởng trầm trọng. Cũng như thức ăn, chỗ ở và giấc ngủ cần để sinh tồn, sex phải được thỏa mãn các nhu cầu trên để có một tinh thần khỏe mạnh, vững vàng. Thậm chí, trong tình yêu, có nhà tâm lý học đã nhận định, sex là ngọn lửa của tình yêu. Vì thế mới không có tình yêu cùng giới.

Việt Nam là nước phong kiến, chậm phát triển. Mấy ngàn năm “thuần phong mỹ tục” phong kiến nên bản năng tình dục bị kìm nén, thậm chí không có cơ hội bộc lộ. Chỉ đến khi hội nhập quốc tế, nhất là đến thời Internet, người Việt mới phần nào được “cởi trói” về cảm xúc. Ít nhất là thỏa mãn nhu cầu nhìn, nghe… Chính vì thế, người Việt Nam nổi tiếng là một trong những dân tộc tìm kiếm từ khoá sex nhiều nhất thế giới.

Theo xu thế chung, sex có mặt trong các loại hình văn học nghệ thuật nói chung. Nói riêng, sách báo về chủ đề này trở thành mặt hang bán chạy vào bậc nhất ở Việt Nam. Và hễ đàn ông Việt ngồi với nhau là toàn bàn về chủ đề này, nghe nói không ít phụ nữ cũng tham gia sối nổi. Dân gian từng tổng kết “Ăn no ấm cật, dậm giật bên trong”. Ca dao, thành ngữ Việt Nam có cả một “kho tàng” về chuyện này.

Càng ngày, sex càng đậm nét, khó có thể thiếu trong các tác phẩm văn chương từ truyện ngắn đến “loại hình vua” là tiểu thuyết. Sex đã có mặt ngay cả trong các tiểu thuyết lịch sử như “Đức Thánh Trần” của nhà văn Trần Thanh Cảnh hay tiểu thuyết “Chim ưng và chàng đan sọt” của nhà văn Bùi Việt Sĩ… Không chỉ bàn luận đến nội dung của các tiểu thuyết này, người đọc còn quan tâm đến một góc rất mới các tác giả đề cập, đó là yếu tố sex trong những trang văn, gắn với các nhân vật lịch sử.

Trong xu thế đó, “Cõi nhân gian” – bộ trường thiên tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành, không thể thiếu sex. Cõi nhân gian là cõi của hỷ, nộ, ái, ố; vậy nên “hỷ, nộ, ái, ố”, trong đó có sex hiện diện bề bộn trong bộ tiểu thuyết đồ sộ này là đương nhiên.

Hương – nhân vật trung tâm của bộ trường thiên tiểu thuyết (gồm 8 tập với gần 700 ngàn chữ, gần 1.900 trang in khổ 16x24cm), là một trí thức, đảng viên, vời vợi nhân cách…có sức hấp dẫn đàn bà. Hương tốt nghiệp Đại học ở Liên Xô (cũ) về nước, hăm hở ban đầu được cống hiến, vì anh có báu vật là tấm thẻ Đảng viên và tấm bằng Phó Tiến sỹ. Thế nhưng, xã hội những năm đầu đổi mới, thật hỗn mang (và kéo dài đến tận hôm nay ở cõi nhân gian ngoài đời) Hương phải lao vào kiếm sống, đấu tranh với chính mình, với “bầy người” để tồn tại. “Tôi đâm thù ghét cái học vị phó tiến sỹ của tôi. Trong xã hội này, nó thực sự cản tôi”, (trang 14, tập 1). Thẻ đảng viên, bằng phó tiến sỹ để làm gì?

Trong cuồn cuộn hỷ, nộ, ái, ố đó có những cuộc tình với đàn bà. Những ngày đầu mới về nước đạp xích lô kiếm sống, người đàn bà đầu tiên buộc Hương phải làm “phi công trẻ” là chị Vân, người phụ nữ bán thịt lợn ở chợ cóc, loại chợ vẫn đầu rẫy hiện nay ở các đô thị. Ngụp lặn giữa các bể trầm luân của tham – sân – si, Hương đã có quan hệ tình ái với tất cả 13 người phụ nữ (trong số này chỉ có 2 người là vợ) mỗi người một vẻ, mỗi người một lí do, một hoàn cảnh, một tâm trạng, một mục đích…. Sau lần “mất trinh” đàn ông với chị Vân để đổi lấy hai bữa cơm hàng ngày; những người phụ nữ kế tiếp: Lan, Minh, Thảo, Vy, San, Trung Anh, Hoan, Bảo, Thanh, Thụy An, Loan, Tú. Tuy hầu hết Hương bị những người phụ nữ chủ động tấn công nhưng nhân vật Hương cũng không thắng nổi dục vọng để rồi sau đó có rất nhiều hệ lụy xảy ra.

phuc-loc-thanh1-1648599145.jpg
 

Nguyễn Phúc Lộc Thành là nhà văn giàu vốn sống, “đại gia” vốn từ, nên  không chỉ “cường chữ” mà còn chi tiết đến góc cạnh của con chữ. Những trường đoạn viết về sex trong tiểu thuyết dậy mùi phồn thực. Trong những người đàn bà qua đời Hương, có lẽ với Thảo là người tác giả dụng công nhất, kéo dài xuyên qua hai tập. Những hoan lạc với Thảo, gấp sách lại vẫn thơm mùi “hương cỏ nhục”.

Thảo dẫu có chồng, có con gái học Trung học An ninh, có người tình là một cán bộ Công an, nhưng khi gặp Hương, dẫu Hương nhỏ tuổi hơn, nhưng ham muốn bản năng gốc bùng lên, khao khát được phun trào, đốt cháy hết tất cả. Thảo là người đàn bà đẹp: “Quá trưa, chị Thảo bừng bỉnh. Ánh phù dung còn ngời ngợi trên khuôn mặt đầy đặn. Hương cỏ nhục, từ chị, vẫn ngùn ngụt thơm. Tôi đăm đắm tận hiến, tận hưởng hết cả tinh túy của âm dương giao hòa…” (tập 3, trang 80).

Trước một người đàn bà đẹp như thế, nồng nã như thế, đã “nghiện” nhau như những cuộc truy hoan lộng lẫy như những cơn lốc. “Tôi ôm chị, rồi úp mặt vào ngực chị. Hai bầu vú thênh thang… Tôi cảm nhận, từ khuông ngực chị, thấy vang lên tiếng hát đồng dao lẫn với mùi hương của sữa non. Trong tận cùng sâu thẳm, cội rễ xưa, tôi đã từng uống những giọt trắng trinh màu gạo ấy, rồi hoài thai để thành người. Tôi cởi phăng áo. Vòng tay đàn ông ôm trọn vầng nhật nguyệt, tôi siết mạnh mình vào những ấm mềm trên ngực chị. Rồi đưa tay xuống dưới chiếc eo thon, dùng xúc giác tận hưởng làn da màu phù dung của chị. Phía dưới một chút, tôi biết đấy là vực người”, (tập 3, trang 187).

Nguyễn Phúc Lộc Thành là một “tay” ghê gớm trong sử dụng ngôn ngữ để phơi bản ngã từng nhân vật. Trong “Cõi nhân gian” ông hay dung hình ảnh “hương cỏ nhục”, “hoa phù dung”… Hoa Phù dung, mỏng manh xinh đẹp, sự tích gắn liền với nàng tiên nữ Phù Dung thì có lẽ ai cũng biết; nhưng “cỏ nhục” là gì? Không có loài cỏ nào mang tên nhục, với tư cách là thực vật. “Nhục” trong tiếng Hán là “thớ thịt”, “miếng thịt” nên trong Hán – Việt có thể hiểu là cốt nhục (xương thịt), huyết nhục (máu thịt), nhục dục (ham muốn xác thịt). Vậy nên, hình ảnh “hương cỏ nhục” trong sex ở “Cõi nhân gian” có thể hiểu là “mùi hương của da thịt”. Giữa hai người cùng nghiện nhau về nhục dục, tất yếu da thịt có mùi hương, không mùi gì sánh được.

Nhà báo Nguyễn Thế Khoa, Tổng biên tập tạp chí Văn Hiến, trong bài viết “Vài cảm nhận về Cõi nhân gian”, nhận xét: “Cũng cần nói thêm sex cũng là yếu tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn của Cõi nhân gian giống như sự phong phú thiên hình vạn trạng, khó cưỡng của nó ngoài đời, làm tăng thêm giá trị hiện thực của tiểu thuyết”.

Nhu cầu khám phá, bày tỏ của con người từ góc độ thân xác trong truyền thống văn chương nghệ thuật thế giới là không xa lạ, nhưng với xã hội Việt Nam, nơi tình dục còn là một vấn đề nhạy cảm và khiến cộng đồng phải tò mò, sex lại trở nên một câu chuyện có sức lôi cuốn. Trong bộ trường thiên tiểu thuyết “Cõi nhân gian” của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành cũng vậy, sex tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt. Tất nhiên, sự hiện diện của sex trong “Cõi nhân gian” đặt ra nhiều vấn đề thuộc về nhân sinh, nghệ thuật cho người đọc hơn là những khoái cảm tức thời. Nó đồng thời cũng là nhân tố, làm cho trường thiên tiểu thuyết “Cõi nhân gian”, phát triển các tình huống xung đột khó đoán định.