Sinh viên nhập ngũ ngày mồng 6/9/1971: Tôi đã từ trường Đại học ...vác AK xông thẳng ra chiến trường

Năm 23 tuổi, Tôi nhận được quyết định nhập ngũ do Bộ chỉ huy quân sự thành phố Hà Nội ký, liền đó, lại được ông Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ địa chất Đặng Xuân Đỉnh (em ruột ông Trường Chinh) ra Quyết định đặc cách công nhận "Tốt nghiệp Đại học - cấp bằng Kỹ sư". Khoa Trắc lượng Trường Đại học Mỏ địa chất.

Khi ấy, khóa K12 (Nhập học năm 1967) có 3 lớp: C1, C2 và lớp chuyên tu, chỉ mình tôi có quyết định lên đường nhập ngũ

Vui, vì mình sắp được trở thành... anh bộ đội. Nhưng năm đó huyện Tiên Sơn, Hà Bắc, quê tôi, lụt to, nước lụt chấm mái gianh, xóm thôn, ruộng đồng đều thành sông, thành biển. Tôi được nhà trường cho nghỉ một tuần lễ, nhưng không thể về nhà chia tay gia đình. Tôi chỉ biết đứng ở bờ nam cầu Đuống (một đoàn tàu hàng chở đầy đá hộc, an tọa sừng sững trên cầu) mà xót xa nhìn những chuyến trực thăng hối hả, bay lượn phành phạch đi thả bánh mì, diêm, muối, thuốc men v..v.. cho nhân dân vùng Từ Sơn mà "lòng đau như cắt nước mắt đầm đìa".

b2dk2a-1693581298.jpg

Tôi đã bắt được tù binh thu chiến lợi phẩm tại Quảng Trị, đầu tháng tư năm một chín bảy hai. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Thế là tôi đành lọc cọc một mình, đạp xe quay lại trường, trường đang sơ tán tại xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hải Hưng. Nên nhớ, hộ khẩu của sinh viên thời đó vẫn ở thủ đô Hà Nội.

Buồn!

Sáng ngày 6/9/71 xe tải chở chúng tôi về Hà Nội,

tập trung quân, phát quân tư trang tại xã Ích Vịnh, Quỳnh Đô, Hà Nội.

Ngày hôm sau 7/9/71 được các em văn công tới "chiêu đãi"...ngọt ngào quá...sinh tình, sinh thơ (!) bài thơ "Nghe em hát" được ra đời ngay ngày thứ hai tôi được khoác màu xanh áo lính.

b3dk3-1693581144.jpg

Mùa xuân năm 1972 chúng tôi lên đường ra trận. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Giữa lúc lũ lụt, tàu hỏa chở chúng tôi từ ga Văn Điển về Hà Bắc huấn luyện (vượt qua Cầu Đuống tàu hỏa... rẽ nước băng băng), chúng tôi xuống ga Sen Hồ trời đã khuya, hành quân bộ tới xã Xuân Lạn, huyện Việt Yên.Tôi được biên chế vào E95, F325, tập tành hơn 5 tháng, được lệnh đi B, không được nghỉ phép 10 ngày như các đơn vị khác.

Thế rồi một buổi sáng mùa xuân năm 1972 chúng tôi lên tàu từ ga Sen Hồ - đi B, tàu có đỗ ở ga Từ Sơn khá lâu, ga cách nhà tôi 1 km, tôi nháo nhác...tìm người làng, bởi lúc đó đồng bào tập trung rất đông để tiễn bộ đội vào Nam. May quá, tôi gặp vợ chồng cụ Cương vai vác mai và cuốc còn mới tinh, chắc 2 cụ mới mua ở chợ huyện Từ Sơn, thế là tôi vội vã quay lại chỗ ngồi...dốc tất tần tật mọi thứ có được trong balô - gia tài của người lính, gửi về gia đình: quần áo lính, lương khô v..v...làm quà cho bà, mẹ và các em. He he, trên người tôi lúc đó chỉ còn nhất bộ!

b4dk4a-1693581434.jpg

Cuộc chiến tại chảo lửa Quảng Trị năm 1972. Quân ta phất cờ chiến thắng. Ảnh tư liệu do tác giả cung cấp.

 

Tàu đưa chúng tôi qua ga Hàng Cỏ, Hà Nội, lính tráng trên tàu vội vàng thả thư...bay trắng xóa xuống Quốc lộ 1. Rồi đêm khuya hôm ấy tàu cũng tới ga Vinh. Tôi được biên chế về đơn vị chiến đấu: Đại đoàn Quân Tiên phong C3D1E36F308, phó Chính ủy trung đoàn thiếu tá Thiện (chồng nghệ sĩ ngâm thơ Trần Thị Tuyết) ra nhận quân. Tối ấy chúng tôi ngủ tại Vinh, và, đến chiều hôm sau đoàn "quân sinh viên" qua phà Bến Thủy rồi hộc tốc hành quân bộ tới huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

Tại đây lính được phát quân tư trang đi B: tăng, võng, 2 bộ quần áo mới, giày cao cổ, dép râu, mũ cối, mũ mềm, sao ve mới cứng, mặt nạ phòng độc, túi thuốc cá nhân gồm có bông băng mầu xanh, thuốc quinin chống sốt rét, thuốc bổ B1, ponivitamin, thuốc lọc nước, thuốc chống vắt , cao Sao Vàng..., bao tượng đầy gạo, Lương Khô 701, 2kg "ruốc bao tải"( ruốc thịt lợn của Trung Quốc như bao tải tước ra vậy)..., hai túi ni lông đựng thi hài, hoặc làm phao vượt sông. Tôi còn được ưu tiên phát một khẩu RPD và ba băng đạn tròn đầy đạn (300 viên), hai túi vải đựng cơm nắm, trong đó có một túi cơm tôi nhét đầy đạn rời, 3 quả lựu đạn chày (của Hunggari).Vào chiến trường chúng tôi đều vứt hết số lựu đạn nặng chịch này, tự trang bị cho mình 5 quả US.... Mỗi chiến sĩ còn được phát một con dao găm của Liên Xô, một chiếc xẻng 2 trong 1(roãi ra thành xẻng, cụp vào thành cuốc). Cả đơn vị lặng lẽ hành quân theo đường xe Goòng vào ngay "Cối xay thịt" Quảng Trị. Lối quân đi đã làm bạc trắng đá xanh rải trên đường tàu.

Nói dại, nếu trận chiến tại chảo lửa Quảng Trị năm ấy tôi bị ngỏm củ tỏi, địa phương và gia đình sẽ vô cùng kinh ngạc, không ai biết là chàng thư sinh này đã vô lính và đi B, và chết tự bao giờ (?)

Hi!

Tinh thần cách mạng của lính tráng thời chúng tôi là như vậy đấy, các bạn ạ!

NGHE EM HÁT

(Tặng em gái văn công)

Sớm thu trời trong vắt

Tiếng hát em ngọt ngào

Tan theo dòng áo lính

Mũ xanh ngời ánh sao

Tiếng em - lời mẹ hát

Những ngày nằm trong nôi

Tiếng em - lời của đất

Gọi mùa màng sinh sôi

Tiếng em - lời của gió

Giục thuyền anh căng buồm…

Lời miền Nam vẫy gọi

Bồi hồi muôn con tim

Ngày mai anh ra trận

Bóng hình em đâu rồi?

Chỉ còn vang tiếng hát

Đường hành quân xa xôi…

P.D.K

Trái tim người lính