Số khổ

Trần Minh

10/04/2022 15:17

Theo dõi trên

Tôi quen nhà báo M, trước đây công tác tại một báo ngành. Trong một bài viết chống tiêu cực, ông bị kỷ luật, người ta nói ông bị bệnh tâm thần và cho xe cứu thương đưa ông đi bệnh viện, nhưng ông đã trốn thoát được.

Tôi tiếp xúc với nhà báo M, không thấy ông có biểu hiện gì là tâm thần. Sau khi nghỉ việc ở toà báo đó, ông vẫn là cộng tác viên của một số tờ báo, thậm chí, có tờ báo còn tranh thủ kiến thức của ông để nhờ ông xây dựng qui chuẩn chính tả, áp dụng thống nhất trong tờ báo.... Thần kinh sao làm được như vậy!

so-kho-1649578605.jpg
Ảnh do tác giả sưu tầm

Nhưng nhà báo M là một người có cốt cách riêng, nếu nhìn từ cuộc sống hiện tại, với đủ sự ma mãnh, khôn khéo, thực dụng... Thì có người khắt khe, sẽ nói ông lập dị, khác người, vì ông vẫn sống kiểu  khắc khổ, nguyên tắc, chỉn chu, có tự ái rất cao và luôn cẩn trọng trong mọi việc...

Ông không có vợ, sống độc thân một mình, cũng không ai muốn đặt vấn đề mai mối cho ông vì ông sống khép kín, không chia sẻ chuyện riêng tư.

Khi bị cơ quan cũ cho thôi việc, rồi được minh oan, cơ quan gọi ông đến đi làm và nhận lương nhiều tháng chưa trả, ông không đến nhận, không đi làm; ông thà vác bơm ra đầu đường bơm xe, nhặt một hai ngàn lẻ ăn khoai sắn qua ngày còn hơn là nhận những đồng tiền ấy. Lý do là cơ quan chức năng chưa xử lý nghiêm khắc người đứng đầu cao nhất. Người mà theo ông đã làm thay đổi cuộc đời, sự nghiệp của ông và ông vẫn kiên trì gửi đơn kiện trong vô vọng. Theo ông thì, nếu không bị tai vạ từ bài viết đó, ông đã có tên trong nhân sự ban lãnh đạo tờ báo.

Có một chuyện khá bi hài về ông, một lần, ông bị ngã, cú ngã đau ảnh hưởng xương khớp làm ông không ngồi xổm được. Ngôi nhà tập thể nơi ông ở thời đó vẫn dùng xí xổm. Tắm thì phải đi xách nước từ bể nước chung mang vào phòng tắm. Với một người sạch sẽ như ông không thể trì hoãn vệ sinh cá nhân được. Nhưng nếu tắm và đi vệ sinh ở nhà thì không được vì chấn thương chưa khỏi. Có một người bạn, quen biết ông đã lâu, hiểu tính nết ông, thương ông nên mời ông đến nhà để sử dụng buồng vệ sinh của gia đình ông. Ông đồng ý.

Một vài lần đến, ông thấy ánh mặt khác lạ, vẻ mặt không vui của vợ người bạn, thế là ông không đến nữa. Người bạn hỏi lý do, ông chỉ cảm ơn mà không cho biết lý do...

Thời gian sau đó, để giải quyết nhu cầu vệ sinh cá nhân, ông phải thuê phòng một nhà nghỉ theo tiếng, chỉ để giải quyết vệ sinh cá nhân. Nhân viên lễ tân cũng ngạc nhiên vì thấy một ông đã ngoài lục tuần, thi thoảng đến thuê phòng theo tiếng, y như các đôi đến thuê "bãi đáp", nhưng khác là chỉ đi một mình, chả biết làm gì trong phòng?

Phải 6-7 năm nay, tôi không gặp nhà báo M. Một hôm, tôi đi qua khu nhà ông, hỏi thăm, mới biết ông đã mất được 6 năm vì bệnh nan y. Ông ra đi tại phòng tập thể, cô đơn, không người thân bên cạnh. Lúc ông mất, mới có vài người cháu ở quê ra làm đám cho ông.

Cả cuộc đời ông đã sống khổ, đến chết cũng phải chịu đau đớn khổ sở một mình. Thấy tôi bàng hoàng trước sự ra đi của ông. Người hàng xóm nói: ông ý khổ là do tính cách của ông ý làm cho ông ý khổ. Nói thật, lúc ông ý còn sống, ở đây chả ai ưa ông ý cả. Lúc ông ý ốm yếu, chúng tôi cũng muốn làm phúc, nhưng ông ý từ chối...

Vâng, nếu ông biết thay đổi bản thân, không quá cứng nhắc,  để thích ứng, hoà đồng với những người xung quanh, thì có lẽ ông sẽ không khổ như thế. Song tôi tin ông không thể làm được, bởi nó là cốt cách trong con người ông không bao giờ thay đổi. Mặc dù ông là người tốt, khẳng khái trong mọi việc.

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Số khổ" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn