Số khổ

Bà và ông cưới nhau hôm trước hôm sau ông bị bắt đi lính cho Pháp, rồi ông mất (năm 1943). Ấy vậy mà bà cũng kịp có thai và sinh được một cậu bé xinh xắn, mạnh khỏe.
243083174-432144021672957-4121013451064534275-n-1632817318.jpg

Những năm năm mấy, sáu mấy cả làng cả nước đều đói khổ thiếu thốn vô cùng, một thân một mình nuôi được con cũng cơ cực lắm. Rồi con trai bà cũng lớn, đi bộ đội rồi chuyển ngành và lập nghiệp ở Hà Nội. Bà vẫn lầm lũi ở quê sống một mình bằng những chậu ốc, giỏ cua. Bà đanh đá và ngoa ngoắt nhưng thảo tính vô cùng. Vừa mò chậu ốc lên, chúng tôi đi qua bà đều chào: có ăn không? bốc một ít về mà luộc. Một lần, bố tôi đóng cho bà nội tôi cái quan tài. Ngày xưa, gỗ hiếm mà nhà có người già là cứ phải đóng sẵn rồi xếp gọn một góc để phòng có người mất thì có luôn. Có nhà còn dùng đựng thóc, có có chuột chui vào ăn, đến khi to không chui ra được cứ đêm đêm nó gặm gỗ sồn sột làm cả nhà hãi mất vía.

Thợ mộc mang đến kê giữa nhà rồi mới sơn son thếp vàng cho đẹp. Bà sang chơi thấy cỗ hậu sự đẹp quá liền bảo: cho cháu vào nằm thử nhá (bà gọi bà tôi là dì họ xa). Nói xong bà trèo vào nằm luôn. Ai dè, lúc vào thì dễ mà lúc muốn ra thì không được, bà la ầm ĩ. Bố tôi và ông thợ mộc phải túm tay chân bà nhấc ra. Bà cười khành khạch. Có lần bà lên Hà Nội thăm con trai, về bà kể:

- Nó đèo xe máy đi ngắm phố phường, lúc qua hàng phở nó hỏi “bà có ăn phở không”?

Chả lẽ tao bảo có à? Thế là tao bảo không. Nó đèo luôn về, mặc dù tao thèm nhỏ dãi!. Tôi không hiểu con bà có biếu tiền hàng tháng không, nhưng vẫn thấy bà mò cua bắt ốc kiếm sống cho đến khi lâm bệnh nặng và qua đời. Đến lúc gần chết mới dựng lên để chụp cho bà tấm hình thờ mà có lần tôi kể trong truyện “Có ma hay không”. Đôi lúc về quê nhắc đến bà mọi người đều xót thương chẹp miệng:

- Đúng là số khổ, khổ tận lúc chết!.

Thiết nghĩ bản thân chúng ta cũng làm cha mẹ và sau này rồi cũng sẽ già yếu. Nhưng hiện tại cha mẹ còn thì hãy sống sao cho tốt, tôn kính cha mẹ, có miếng ngon, manh áo đẹp thì biếu đi. Ốm đau thì chăm sóc cho tử tế vào, sau này các cụ có đi khỏi cần khóc lóc.

 

Theo Chuyện Làng quê