“Thanh Minh Cổ Miếu”: ngày xưa nằm giữa hai dãy phố cũ, trước mặt là quảng trường và tượng đài tử sĩ, nối tiếp là nhà lồng chợ, là trung tâm của Làng Trà Nho, sau đó là Thị Trấn của Quận, Huyện, nay là TX Vĩnh Châu. Theo quan niệm của người xưa, họ chọn địa điểm xây Miếu thờ ở vị trí theo thế phong thủy, địa lý, thuận lợi về giao thông đi lại để thường xuyên đến dâng hương cầu nguyện thần linh che chở, phù hộ cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mua may bán đắt, gia đạo bình an…
Chánh điện của “Thanh Minh Cổ Miếu” thờ ông Bắc Đế (tên gọi khác là Huyền thiên Thượng Đế), hai gian tả hữu thờ vị chính thần Ông Bổn và ông Tam Sơn Quốc Vương cùng nhiều phối tự thần linh khác mà dân gian sùng kính qua những truyền thuyết phổ độ chúng sinh, kinh ban tế thế, nên ngôi Chùa (Miếu) không những được bà con địa phương thành tâm cúng bái mà khách thập phương có dịp đến Vĩnh Châu cũng dừng chân để chiêm ngưỡng và dâng hương cầu phước.
“ Thanh Minh Cổ Miếu” đã trải qua 4 đợt trùng tu, kiến tạo lớn như:
- Năm Quý Hợi (1923): Kiến tạo lại từ ngôi Miếu nhỏ thành “ Thanh Minh Cổ Miếu”, nay đã trở thành một di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh.
- Năm Nhâm Thân (1992): Trùng tu, phục hồi toàn bộ các bức hoành phi, tranh gỗ trong nội thất và chánh điện “ Thanh Minh Cổ Miếu”. Do thời điểm này, chính quyền địa phương mới giao trả ngôi Miếu này lại cho Hội Người Hoa tiếp nhận và quản lý (trước đó trưng dụng làm Nhà Truyền Thống).
- Năm Ất Dậu (2005): “Thanh Minh Cổ Miếu” được tôn tạo, di dời lùi về phía sau và nâng cao toàn bộ khuôn viên, kiến trúc ngôi Miếu, được phục tác và tô điểm lại các hoa văn trang trí và giữ nguyên hiện trạng đến sau này.
- Năm Quý Mão (2023): Trùng tu phục dựng lại theo nguyên bản ngôi “Thanh Minh Cổ Miếu”, thiết kế xây dựng Cổng Tam Quan và nâng cấp xây lắp toàn bộ tường rào, khuôn viên sân Miếu. Trong đợt trùng tu lần này mất gần 3 năm thi công với tổng kinh phí trên 21 tỷ đồng; dự kiến khánh thành vào ngày 30/03/2023 (nhằm ngày Mùng 9 tháng 2 nhuận năm Quý Mão).
“Thanh Minh Cổ Miếu” được công nhận là di tích cấp Tỉnh từ năm 2006, cho nên việc trùng tu luôn tuân thủ nguyên tắc là giữ nguyên trạng không làm thay đổi bố cục diện mạo của Miếu. Các thầy thợ được tuyển chọn đến từ nhiều nơi để thi công, đảm bảo được mức độ công phu, tinh xảo, mỹ thuật của công trình, đồng thời tu bổ gìn giữ các hiện vật xưa để làm tăng thêm giá trị di tích, “Chùa Ông Bổn Vĩnh Châu” tức “Thanh Minh Cổ Miếu” hứa hẹn sẽ là địa điểm càng thu hút nhiều bà con gần xa và du khách thập phương về đây chiêm ngưỡng, dâng hương cầu nguyện.