Sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người

Câu thành ngữ " Sơn ăn tùy mặt, Ma bắt tùy người "  của các cụ từ xưa truyền lại . Tùy bản mặt, tinh tướng từng người mà bị sơn ăn , hay ma bắt nạt. Nghĩa bóng hay đen đều đúng.
cay-son-1635702837.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Khởi nguồn xuất xứ câu trên được coi là từ vùng đất Phú Thọ, nơi có cây SƠN ( còn gọi cây THỤ CAN, nhựa sơn khô cũng có tác dụng chữa 1 số bệnh, Đông y gọi nhựa là TẤT CAN ).

CÂY SƠN được tạo hóa từ đầu ưu ái chọn vùng đất này, để cây SINH SỐNG và phát triển , vùng đất sau đó Quốc Tổ Hùng Vương dựng nước .

Cây sơn ngày trước mọc hoang dã trong rừng núi , đã được tiền nhân tìm thấy  những tác dụng hữu ích của nhựa sơn, rồi mang về trồng các gò đồi để khai thác, sử dụng.

Cây sơn có nhiều nhất ở vùng đất nằm kẹp giữa lưu vực 2 con sông lớn , bên hữu ngạn sông Hồng và tả ngạn sông Đà gồm các huyện hiện nay : Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê, các xã bên sông của Hạ Hòa , nhất là vùng Tam Nông.

Vì thổ nhưỡng đất vùng này hơi bạc mầu ,đá sỏi phong hóa có ô-xit sắt nhẹ , khí hậu nhiệt đới gió mùa, mưa, nóng , rét và hanh khô tiểu vùng đậm hơn nơi khác . Một số huyện khác, các tỉnh khác vùng miền núi Bắc bộ cũng có cây sơn, nhưng chất lượng không thể sánh bằng với sơn của vùng đất kể trên .

Các vật dụng bằng gỗ , gần gũi sinh hoạt trong gia đình quen thuộc phần nhiều được sơn như bàn tủ, giường ghế . Nhà khá giả, nhà quan thì hoành phi câu đối , rồi " sơn son thếp vàng " , sập gụ tủ chè. Các đồ thờ tự, tráp hương, mâm bồng, tay ngai, ông ỷ, ông vải ...Rồi đình chùa tâm linh như sơn tượng Phật, ông Bụt, bà Bụt, cửa võng, thập bát ban binh khí...

 Những đồ mà làm bằng gỗ mít , vàng tâm đem sơn thường rất đẹp, bền theo thời gian.

VỚI NGHỀ SƠN

Ở quê hương trước đây nhiều người biết nghề sơn. Nhưng nổi tiếng làm nghề là bậc tiền bối thời vừa qua trên Văn Phú là gia đình cụ Thanh Lạc, dưới Nga Hà là nhà cụ Khoa Toàn . Các cụ đều giỏi từ việc chọn  được sơn tốt, pha chế màu sắc sơn, truyền nghề rồi tự tay mình sơn. Các đồ cao cấp từ đồ gỗ khảm trai, xà cừ đến đồ " sơn son thếp vàng" . Cứ bằng cái chổi sơn làm từ chài bẹ cau sơ tước nhỏ mịn , hay gắn bằng lông, giẻ, đồ nhám đánh bóng là các cụ đi khắp nơi kiếm cơm, kiếm tiền thiên hạ. Bây giờ các Cụ đã về trời khá lâu và hậu duệ cũng không theo nghề nữa.

Nhiều năm trước nhà cụ Thanh Lạc còn có người vào tận Vũng Tàu để sơn , cũng rất đắt khách.  

  Dân ven sông Hồng nhà nào hầu như cũng có thuyền để vớt củi , bơi trong đầm ao hồ,   bắt buộc phải sơn chống nước dò vào . Sau khi dùng tre cái đan nan thuyền,  tre đực làm cạp , làm cắng ngang thuyền là công đoạn sơn thuyền.

Họ lấy sơn trộn với PHÂN TRÂU tức là cứt trâu, rồi phối mạt cưa trét vào các kẽ hở nan trong lòng thuyền rồi để khô , rồi sau đó mới dùng sơn đen,  sơn phủ vài nước. Thuyền nan bơi đò ngang dọc chở khách qua sông, thuyền vớt củi, chở hàng không bị ngấm nước, rỉ nước tuổi thọ khá bền .

Sơn kết hợp với : khảm trai, cẩn, gắn đá, xà cừ , thếp vàng, sơn lót,  sơn phủ...là có thuật riêng, chiêu thức riêng mà người ngoại ngạch không thể biết hết được.

Còn sơn mài, viết đại tự ... Rồi các nước có nhu cầu như Nhật Bổn,  Hàn Quốc, Trung Quốc...nhập sơn mua sơn của dân Phú Thọ từ xưa nay, dù mua bán qua đường tiểu ngạch với người dân thì họ cũng công nhận sơn ta rất tốt.

VỀ CÂU

  " Sơn ăn tùy mặt , ma bắt tùy người " .

  Câu này cũng rất hay , là câu thuần Việt.

   SƠN ĂN TÙY MẶT

  Sơn rất kỳ lạ, có những người đi qua cây sơn, chỉ ngửi thấy mùi của sơn khi người ta đang sơn là bị ĂN MẶT liền , còn gọi là LỞ MẶT, vì trong sơn có thành phần dị ứng với da thịt.

  Gọi là sơn ăn mặt , thực tế là không phải ăn uống kiểu ẩm thực , mà khi ngửi phải mùi sơn là mặt bị DỊ ỨNG sưng hùm hụp , mặt dày lên, mặt đỏ gay, có khi xuất hiện những mụn nhỏ li ti , phồng rộp đau rát khó chịu.  Muốn chữa thường dùng LÁ KHẾ giã nhỏ đắp lên , hoặc lá sen , đậu xanh giã vắt nước uổng, đắp vài ba ngày .

Bị sơn ăn mặt cũng tùy cơ địa từng người, có người suốt ngày tiếp xúc rạch cây lấy nhựa,  chăm sóc thì không sao ,có người thoáng ngửi là bị. Người ta nói những người sinh từ tháng 11 âm đến tháng 3 âm, cơ địa hay bị sơn ăn mặt, nhưng cũng chưa thấy khoa học kiểm chứng.

Câu nói kháy nhau MẶT DÀY, rồi ĐỒ MẶT DÀY, cũng xuất phát từ việc mùi sơn bị dị ứng  mà ra. Sau đó được chuyển trạng thái vào cuộc sống đời thường, nhằm chỉ những người có thái độ trơ trẽn, lì không có tự trọng.

Ví như có chàng nào đến tán tỉnh ,cưa cẩm mà các cô không ưa, không tiếp nhưng chàng trơ lì cứ đến nhà tán . Thế là bị phản ứng người ta nói chàng là mặt dày, cấp độ cao hơn là đồ mặt dày. Trai kia đến khi biết không cưa được em nữa rồi, đành phải rút lui , để trở về làm trạng thái  MẶT MỎNG hê hê...

Sau này ra ngoài thấy nhiều khi nghe họ còn nói đồ mặt nọ mặt kia, mặt..., mặt phụ khoa ...haha, nghe cũng ghê . 

Thế mới biết ở xứ trung du ấy cũng văn hóa ra phết .

Việc có câu độc đáo MẶT DÀY này , cũng đáng được ngành văn hóa đăng ký bản quyền, vì nó có XUẤT XỨ  từ tỉnh nhà .

  - SƠN SON THẾP VÀNG

  Cũng là một nghệ thuật dùng sơn ta và vàng thật để trang trí cho các đồ cao quý làm từ gỗ, nhằm tôn thờ hoặc tô điểm. 

 Vàng được dát mỏng ,mỏng hơn cả tờ giấy nên gọi là THẾP vàng, tức vàng quỳ .

Nói về làm Thếp vàng nghệ nhân dùng búa , dùng dụng cụ của nghề chà mỏng vàng . Chúng ta hình dung 1 chỉ vàng người ta làm mỏng được 1 mét vuông ( m2) , thì mới biết nó mỏng chừng nào, phải làm trong phòng kín ra ngoài gặp gió bị bay ngay. Dùng sơn kết dính và loại giấy mềm để dán lên vàng lên, rồi sơn.

 Mạ vàng thường điện phân với kim loại.

 - TỐT GỖ CÒN HƠN TỐT NƯỚC SƠN.

Cũng tùy, gỗ tốt nhưng nếu để  xù xì thô kệch không sơn bóng đẹp đôi khi cũng kém giá trị . Người cũng vậy.  Cứ phải son phấn, váy, ca-vạt , nước hoa là long lanh lóng lánh đẹp ngay lên.

 HIỆN TẠI, TƯƠNG LAI

Cây sơn được xếp hạng là cây công nghiệp, nó có nhiều tác dụng nhưng một thời chưa được chú trọng giá trị .Thị trường hiện nay các loại sơn hóa chất công nghiệp chiếm lĩnh đa số.

SƠN TA phận nó trước đây hồi bao cấp cũng phụ thuộc vào thời vụ, giá cả lúc lên lúc xuống, lúc chặt đốn bỏ lúc lại giồng , chủ yếu là tư nhân tự trồng 3, 4 ngày lấy nhựa 1 lần , rồi tự mua bán là chính.

Bây giờ tư nhân tự làm, giá cả thỏa thuận chiều hướng đang lên rất được, nên họ đang khôi phục trồng sơn.

Người Phú Thọ trước đây đã có đặc sản " RỪNG CỌ ĐỒI CHÈ " được ca ngợi rồi. Nhưng bây giờ cọ đã không còn mấy giá trị , bị xuống giá .

Vậy thì cây SƠN, cây THỤ CAN sẽ lên ngôi trong tương lai gần . Hy vọng nhiều.

Cảm ơn các bạn đã cùng nhớ đến, cùng biết về cây SƠN , biết một nghề thợ SƠNcủa quê hương , các vật dụng đồ gỗ SƠN một thời gần gũi và gắn bó.

Theo Chuyện làng quê