Su hào, món ngon ngày sau tết

Dù trên bàn ăn có cả thịt và cá, dưa kiệu và món canh rau má thịt bằm nhưng đĩa su hào trắng đục điểm lất phất vài sợi lá non xanh đậm với ít tóp mỡ nâu vàng và món nộm lại hết đầu tiên.     
su-hao-1675349875.jpg
 

    

Đúng ngày vía Thần Tài 10 tháng giêng năm Mèo, một người bạn đến chơi và tặng mấy củ su hào. Đó là giống su nào bánh xe non mướt, vỏ màu xanh ngọc nhạt căng bóng mỡ màng, củ nào cũng còn nguyên vài lá xanh đậm hơi phơn phớt trắng như vừa được ai thoa nhẹ một lớp phấn mỏng lên trên. Lần đầu tiên bọn trẻ con trong nhà được nhìn tận mắt cây su hào to mà đẹp đến thế, chúng giành nhau sờ thử rồi chia nhau mỗi đứa mỗi củ ôm đi khoe khắp nhà như được ôm một món quà quý hay một bó hoa đẹp vậy.

Ở vùng quê xưa thì su hào là món rau quen thuộc của các bữa ăn tuổi thơ suốt cả những mùa đông dài rét mướt và cả gần trọn những mùa xuân mưa dầm kéo lê thê. Cuối thu đầu đông, mẹ mua các cây rau giống đủ loại từ su hào, bắp cải, rau diếp, xà lách, cải ngọt đến cà chua rồi trồng lên sườn các luống khoai. Chỉ cần vài buổi chiều tưới nước lúc trời hanh khô, khi rau đã bén rễ là chúng "ăn ké" luôn phân bón lót cho khoai nên lớn nhanh lắm. Đầu tiên các bữa ăn có thêm món rau lớn nhanh là cải thìa, rau diếp. Rồi chẳng mấy chốc bắp cải xoè những tấm lá tròn tròn xanh đậm ôm lấy phần bắp cuộn chặt; củ su hào to dần, lá và củ như được phủ lớp phấn mỏng; cà chua ra bông đậu trái lúc lỉu, quả lớn nhanh dần rồi chuyển màu từ xanh sang vàng, hồng và chín đỏ đậm, căng bóng. Món rau nào cũng thích, nhưng thích nhất vẫn là các món từ su hào của mẹ: luộc, nấu cùng canh cá, xào, nộm, làm dưa muối xổi, kho với thịt... Su hào đầu mùa vừa non vừa ngọt, ăn miết cũng không chán. Buổi trưa tan học, bụng đói, về đến đầu ngõ đã thấy mùi thơm từ món su hào xào tóp mỡ của mẹ khiến bụng réo vang. Mâm cơm đạm bạc lắm, hiếm hoi mới có món su hào xào trứng hay cá nấu su hào, ấy vậy mà lũ trẻ con ngày ấy cũng lớn khôn dần theo năm tháng.

Trưa nay, từ món quà được tặng, bà nội làm món nộm và món xào. Vẫn học cách nấu ngày xưa, bà dùng dao mỏng thái chỉ cả củ, bóp sơ cho mềm; rồi thắng chút mỡ, phi thơm hành để xào một phần cùng với lá non. Phần còn lại, bà trộn nộm chua ngọt thêm ít đậu phộng rang giã dập và rau thơm cho đổi vị. Dù trên bàn ăn có cả thịt và cá, dưa kiệu và món canh rau má thịt bằm nhưng đĩa su hào trắng đục điểm lất phất vài sợi lá non xanh đậm với ít tóp mỡ nâu vàng và món nộm lại hết đầu tiên. Bà nội nghiêng đĩa su hào xào đã cạn, múc ít nước cuối cùng chan vô chén cơm của bé. Bé tấm tắc khen nước ngọt và thơm, loáng cái chén cơm hết veo, cái miệng còn phúng phính cơm canh đã nhanh nhảu dặn mai bà nội nấu su hào nữa ...

Tối nay, bên bàn nước, khi cả nhà quây quần sau bữa cơm chiều, ôm bé cưng vào lòng bà nhẩn nha kể cho con cháu nghe về cách trồng, chăm bón và sự phát triển của các loại rau vụ đông xuân. Bà nhắc về những luống rau quê nhà được ông bà xưa vất vả chăm sóc trong những ngày giá lạnh đặng no lòng và thêm chút chất cho bữa cơm nhà nghèo. Bà còn kể về trò chơi tuổi thơ nơi xóm nhỏ khi nhổ một củ su hào còi cọc chỉ bé bằng quả trứng gà so để chơi chuyền chắt hay món su hào nén vừa giòn vừa mặn ăn với canh cua đồng nấu rau đay cùng mướp hương thơm mát. Câu chuyện của bà cũng ngầm nhắc nhở con cháu nhớ về cố hương với những con người của một vùng quê chân chất hiền lành, quanh năm vất vả với đất đai mùa màng nơi phương Bắc xa xôi...

 

Tháng Giêng năm Quý Mão 2023 - QH

Chuyện làng quê