Đã không ít nơi viết về “Sử làng” nhưng có thể khẳng định cuốn sách “Gia Thụy – Từ làng cổ đến phố mới” với hơn 160 trang, khổ 14,5 x 20,5 Cm, bìa cứng, trình bày bắt mắt do NXB Thanh Niên ấn hành đầu năm 2022 là cuốn “Sử làng” khá tiêu biểu, gồm 2 phần: Phần I: Lịch sử, địa lý, hành chính; Phần II: Các thiết chế văn hóa, tín ngưỡng.
Làng là nơi người dân nước Việt sinh ra và lớn lên. Nơi đó là cuộc sống ấm cúng bên cha mẹ, là tình làng nghĩa xóm, là sự chân thật và thông cảm sẻ chia, có những phong tục tập quán văn hóa mà người dân gắn bó mật thiết “tối lửa tắt đèn có nhau” mà không phải ngẫu nhiên trong tục ngữ Việt có câu “Phép vua thua lệ làng”. Đó là nét văn hóa thuần Việt, coi làng xã có vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Do đó, cho đến nay, người Việt ở làng quê cũng như thành thị mỗi khi không may gặp hoạn nạn, những điều bất trắc bất ngờ ập đến đều kêu cứu “Ối làng nước ơi, cứu tôi với!”, hoàn toàn khác với phương Tây thốt lên “Lạy chúa!”. Biên soạn cuốn sách lịch sử mới “Gia Thụy – Từ làng cổ đến phố mới”, các tác giả Nguyễn Đăng Chiến và Nguyễn Gia Tiến đã quán triệt tinh thần cơ bản đó nên cuốn sách “Sử làng” Gia Thụy này có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, hấp dẫn bạn đọc.
Làng Gia Thụy gắn liền với chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Bằng các nguồn sử liệu, các tác giả Nguyễn Đăng Chiến và Nguyễn Gia Tiến cho rằng, làng cổ Gia Thụy (tên cũ là Gia Thi) có từ thời Thục Phán An Dương Vương định đô ở Cổ Loa vào khoảng năm 212 trước công nguyên, đến nay là hơn 2.230 năm. Đây có thể nói là làng cổ khá tiêu biểu ở Bắc Bộ. Nơi đó từng có bờ tre, bến nước, mái đình, cây đa và điệu dân ca quen thuộc… Trải qua quá trình biến thiên của lịch sử, nhất là những thập niên gần đây đô thị hóa nhanh, làng Gia Thụy này thành phường Gia Thụy nằm ở vị trí trung tâm quận Long Biên, cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố Hà Nội, với diện tích 125 ha, gồm hơn 3.000 hộ dân, xấp xỉ 15.000 nhân khẩu. Đối với Gia Thụy đang trong quá trình chuyển đổi từ văn hóa làng xã sang văn hóa đô thị, việc xây dựng một nếp sống mới văn hóa mới là cần thiết nhưng không thể quên nét đẹp văn hóa là những vốn quý từng được lưu giữ và phát huy hàng nghìn năm qua.
Đáng lưu ý, trong phần I cuốn “Sử làng” Gia Thụy đã đăng nguyên văn HƯƠNG ƯỚC cổ của làng Gia Thụy biên soạn năm 1921 để bạn đọc tham khảo. Hương ước này ngắn gọn, dễ hiểu như là “luật lệ” của làng để mọi thành viên trong làng có trách nhiệm hiểu, tự giác thực hiện. Hương ước gồm 2 phần. Phần thứ nhất về Chính trị; phần thứ hai về Tục lệ, đều quy định rất cụ thể. Hương ước là lệ làng được văn bản hóa, do dân làng đóng góp và soạn thảo, trong đó có đầy đủ những quy định về cơ cấu tổ chức, về bầu bán, bãi miễn chức vị, phân bổ thuế má, chia ruộng đất, nội quy tuần phòng, an ninh, lễ nghi, tín ngưỡng, tang ma, tương trợ người nghèo, khai sinh, khai tử, khuyến học, xử phạt các loại vi phạm… Qua Hương ước làng Gia Thụy cho chúng ta thấy rõ: Làng nước gắn liền với nhau, nhưng trước hết vẫn là làng, nơi họ sinh thành ràng buộc với nhau bằng những "lệ làng" đã hình thành từ bao đời nay lắng sâu vào lòng người truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Làng có ổn định thì nước mới ổn định. Ngược lại nước có ổn định mới tạo điều kiện cho làng phát triển kinh tế - xã hội theo hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tuy soạn thảo cách nay hơn 100 năm, Hương ước làng Gia Thụy bảo đảm tính chất công khai, dân chủ và tính cố kết cộng đồng, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của làng khi đó. Nó vẫn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong việc vận dụng xây dựng qui ước làng văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới hiện nay như việc tổ chức thờ cúng, lễ hội, việc chay, việc cưới, khuyến học, trọng dụng người tài, người cao tuổi, bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan, nâng cao dân trí…
Tuy chúng ta đang tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhưng nước ta vẫn hơn 65% dân số ở nông thôn sống bằng nghề nông. Tư duy của người Việt từ bao đời nay coi nông nghiệp là gốc của mọi thứ trong xã hội "Canh nông vi bản". Trong chặng đường quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ để công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong đó văn hoá được xác định là một trong những trụ cột phát triển bền vững. Chúng ta cần khai thác những tinh hoa vốn có về truyền thống văn hoá làng xã của cha ông xưa như Hương ước cổ làng Gia Thụy, loại bỏ những nội dung không thích hợp, đồng thời phát huy những điểm tích cực cho phù hợp yêu cầu xây dựng nông thôn mới phục vụ cho chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngoài thống kê những danh nhân thành đạt, bảng vàng danh dự và ghi công từ khi lập làng đến nay, điều thú vị nữa trong phần II cuốn sách “Gia Thụy – Từ làng cổ đến phố mới” còn thống kê các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc và đề cập sâu sắc “ Các thiết chế Văn hóa – Tín ngưỡng”. Cũng như bao làng quê khác ở Bắc Bộ, Gia Thụy đều thờ thành hoàng làng là người có công với nước từ thời vua Thục Phán An Dương Vương, chùa thờ Phật, miếu thờ Mẫu, đặc biệt là đình làng không chỉ là một địa chỉ tâm linh, mà con là nơi gắn bó với cuộc sống thường nhật, là hình ảnh đi sâu vào tâm thức mỗi người dân.
Đúng như trong Lời kết của cuốn “Sử làng”, các tác giả bày tỏ: “Gia Thụy vốn là một làng cổ có hơn 2.200 năm lịch sử, đanbg trở thành một khu dân cư đô thị. Sự chuyển đổi này có ý nghĩa hết sức lớn lao, làm thay đổi không chỉ bộ mặt làng quê, mà còn thay đổi cả lối sống, văn hóa sống. Với truyền thống không lùi bước trước mọi khó khăn, người Gia Thụy đang nỗ lực hết mình để vươn lên, xứng đáng với truyền thống hàng nghìn năm. Đối với vùng đang trong quá trình chuyển đổi từ văn hóa làng xã sang văn hóa đô thị như Gia Thụy, việc xây dựng một nếp sống mới, văn hóa mới là cần thiết, nhưng không thể quên đi những vốn quý từng được lưu giữ và phát huy hàng nghìn năm qua. Cuốn sử làng này góp một phần trong nỗ lực ấy”.
Chúng ta phải khơi lại được những giá trị truyền thống của làng xã sao cho thích nghi với đời sống đương đại, mà không bị mất gốc, không bị tha hóa, tụt hậu. Bởi làng xã của người Việt từ xưa đến nay luôn là cái nôi hình thành và nuôi dưỡng truyền thống văn hóa của dân tộc.