Sự thật Vụ tập kích Sơn Tây năm 1970 (Kỳ 7): TỔNG THỐNG MỸ VÀ “CHIẾN DỊCH BỜ BIỂN NGÀ”

21/11/2021 09:41

Theo dõi trên

Ngày 18 tháng 11 năm 1970, Đô đốc Moorer, Chủ tịch Hội đồng các Tham mưu trưởng, hồi hộp bước vào Nhà Trắng vào lúc 11 giờ trưa. Ông ta có nhiệm vụ thuyết trình cho Tổng thống Mỹ toàn bộ kế hoạch của “Chiến dịch Bờ biển Ngà”. Moorer hiểu rằng đây là ngày quyết định cuối cho Cuộc tập kích giải cứu tù binh Phi công Mỹ ở trại tù binh Sơn Tây có được thi hành hay không!

chuytratim1-1637461556.jpg
Tổng thống Richard Nixon đã đồng ý cho quân đội Mỹ thi hành cuộc tập kích Sơn Tây vào lúc xế chiều ngày 18 tháng 11 năm 1970. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Ngồi trong phòng họp hình bầu dục sang trọng của Phủ Tổng thống, ngoài Nixon ra còn có Cố vấn an ninh. Kissinger, Bộ trưởng Quốc phòng Laird, Bộ trưởng Ngoại giao William Rogers, Giám đốc CIA Richard Helms và một số phụ tá cao cấp khác...

Thực ra, hơn một tháng trước đó, Tổng thống Richard Nixon đã được biết về Chiến dịch Bờ biển Ngà trong dịp ông ta trên đường đi thăm Châu Âu tạt qua Địa Trung Hải để chứng kiến Hạm đội 6 của Mỹ đang tập trận. Trên chiếc chiến hạm nổi tiếng Springfield, ông chủ của Nhà Trắng đã có cuộc làm việc bí mật với Bộ trưởng Quốc phòng Laird và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Moorer. Tại đây, lần đầu tiên Tổng thống Mỹ đã nghe báo cáo sơ bộ về kế hoạch của Chiến dịch Bờ biển Ngà nhằm giải thoát cho tù binh Phi công Mỹ tại Sơn Tây. Laird nhấn mạnh rằng: Một đơn vị biệt kích đã được tuyển chọn và tập luyện hết sức kỹ càng. Nếu kế hoạch được Tổng thống phê duyệt thì cuộc tập kích này sẽ được tiến hành trong vòng bốn tuần nữa...

chuy-tr-tim2-1637461816.jpg
Ngồi trong phòng họp hình bầu dục sang trọng của Phủ Tổng thống, ngoài Nixon ra còn có Cố vấn an ninh. Kissinger, Bộ trưởng Quốc phòng Laird, Bộ trưởng Ngoại giao William Rogers, Giám đốc CIA Richard Helms và một số phụ tá cao cấp khác...Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Hôm đó, Richard Nixon đã chăm chú lắng nghe và im lặng hồi lâu. Đó là một quyết định hết sức khó khăn đối với ông ta. Rồi cuối cùng, Richard Nixon nói đại ý là về nguyên tắc thì ông ta chấp nhận. Nhưng trước khi có sự phê chuẩn chính thức và quyết định tối hậu, thì Bộ Quốc phòng phải thuyết trình với tiến sĩ H. Kissinger, để ông cố vấn an ninh của Tổng thống có ý kiến trước.

Ngày 8 tháng 10 năm 1970, tại Văn phòng của Cố vấn An ninh Tổng thống Mỹ ở phía tây Nhà Trắng, Blackburn, Manor và Simons đã có cuộc thuyết trình với Kissinger. Đối với họ, công việc này được coi là “khó khăn nhất trong suốt quá trình công tác”.

chuye-tr-tim-3a-1637462056.jpg
Bút tích của ông chủ Nhà Trắng liên quan đến "Vụ tập kích Sơn Tây năm 1970". Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Lần lượt từng người: Blackburn, Manor và Simons đã báo cáo với Cố vấn Kissinger phần việc do mình phụ trách. Ngài Tiến sĩ, Giáo sư nổi tiếng về tài diễn thuyết của Trường Đại học Havard đã “lắng nghe một cách thông minh”. Và ông ta đã bật thêm một chiếc đèn xanh bằng một ý kiến quan trọng:

- Các anh cứ làm bất cứ điều gì xét thấy cần. Việc va chạm quốc tế đã có chúng tôi lo. Không có một ai ở Nhà Trắng lại lo ngại tới việc thương vong của kẻ địch. Các anh nên giới hạn những điều cần thiết; nhưng cũng nên sử dụng đầy đủ bạo lực để sao cho công tác này có hiệu quả nhất.

Cuối buổi làm việc, Kissinger bỗng đột ngột hỏi:

- Ai đã có sáng kiến về việc này?

Cả Blackburn, Manor và Simons đều trả lời:

- Có rất nhiều người cùng tham gia kế hoạch. Sáng kiến là của chung.

Kissinger đã kết luận một câu đầy ý nghĩa:

- Cho dù việc này có được Tổng thống chấp thuận hay không, thì tôi cũng xin cảm ơn tất cả. Vì các vị đã có trí tưởng tượng và nghĩ ra được một sáng kiến thật độc đáo!

chuy-tr-tim4-1637462356.jpg
Chân dung một số nhân vật chủ chốt chỉ huy "Vụ tập kích Sơn Tây năm 1970". Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Chưa hết, nhóm Blackburn, Manor và Simons còn phải cất công bay đi Đông Nam Á, để ngày 2 tháng 11, tại Hawaii, họ thuyết trình cho Đô đốc McCain và tham mưu trưởng của ông ta. Sau buổi họp, McCain đã ưu ái dành riêng chiếc máy bay đặc biệt của ông thuộc Bộ tư lệnh Thái Bình Dương để đưa Blackburn, Manor và Simons vượt qua làn ranh giới đổi thay giờ giấc, bay suốt 6296 dặm đến Sài Gòn. Máy bay lần lượt đáp xuống Iceland, rồi Philippines để lấy thêm nhiên liệu mấy lần mới tới được “Hòn Ngọc Viễn Đông” một thời. Tại đây họ đã thuyết trình cho tướng Creighton Abrams, người thay thế tướng Westmoreland, để chỉ huy Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV)…

NIXON ĐÃ NÓI GÌ SAU KHI NGHE THUYẾT TRÌNH?

Trong buổi thuyết trình với Tổng thống Mỹ lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Laird muốn “báo cáo một cách cặn kẽ và đầy đủ nhất”. Ông ta vững tin rằng bản kế hoạch đã được chuẩn bị hết sức chu đáo và chí ít cũng đã được Cố vấn Kissinger hoàn toàn ủng hộ. Đô đốc Moorer đã mang đến Văn phòng bầu dục rất nhiều sơ đồ, bản vẽ, ảnh chụp được phóng cỡ lớn... Khi được Richard Nixon ra hiệu cho phép tiến hành, Moorer đã bắt đầu bằng câu: “Thưa Tổng thống! Mật danh của công tác này là Kingpin”...

Do được chuẩn bị chu đáo, nên Đô đốc Moorer đã thuyết trình về kế hoạch của Chiến dịch Bờ biển Ngà khá lưu loát, hấp dẫn khiến cho các cử tọa ngồi nghe đều tỏ vẻ say mê thích thú.

Moorer đã trình bày rất cặn kẽ về chặng đường bay của Simons cùng đơn vị biệt kích từ Thái Lan đến thị xã Sơn Tây. Để tránh bị ra đa và lưới lửa phòng không miền Bắc Việt Nam phát hiện, các phi hành đoàn trực thăng Mỹ sẽ phải luồn lách, vòng vèo và tiếp dầu trên không ra sao. Cách xử lý nguy hiểm nếu bị phát hiện và bắn hạ trước khi đến được mục tiêu thế nào. Đặc biệt là cách nghi binh của lực lượng Hải quân Mỹ: Sử dụng một số lượng lớn máy bay chiến đấu xuất phát từ hạm đội ngoài khơi, bất ngờ ồ ạt đánh phá cảng Hải Phòng, khiến cho người ta nhầm tưởng rằng sắp có một cuộc đổ bộ ở vùng ven biển và lực lượng Phòng không Việt Nam sẽ mất cảnh giác ở khu vực Sơn Tây... Như vậy, các hoạt động quân sự nhằm hỗ trợ cho cuộc tập kích này sẽ diễn ra trên một diện tích khổng lồ khoảng 300.000 dặm vuông của vùng Đông Nam Á.

Khi lật đến tấm sơ đồ cỡ lớn, vẽ chi tiết toàn bộ trại tù binh Sơn Tây, Đô đốc Moorer nói:

- Thưa Tổng thống, sau đây là cách thức đổ bộ và giải cứu tù binh của chúng ta...

Nixon chăm chú lắng nghe. Dường như ông ta đã bị thu hút vào buổi "dạ hội" đầy hấp dẫn trên vùng trời ở một xứ sở xa xôi. Nhưng thực tế không phải bao giờ cũng đẹp và thơ mộng như tưởng tượng... Điều ấy đã khiến cho Richard Nixon như bừng tỉnh khỏi cơn mê. Ông ta bỗng đột ngột hỏi:

- Thực trạng tù binh của chúng ta hiện nay ở Sơn Tây ra sao? Các anh có chắc chắn rằng họ sẽ được cứu thoát không?

Moorer trả lời rất bình tĩnh và tự tin:

- Thưa Tổng thống, trại "Hy vọng" ở Sơn Tây là nơi duy nhất được cả DIA và CIA xác nhận hiện đang giam giữ tù binh Phi công Mỹ ở ngoại biên Hà Nội. Theo chúng tôi biết, hiện trong trại này có 70 tù binh Phi công Mỹ. Trong số này thì 61 người chúng ta đã xác nhận được họ tên, chức vụ, cấp bậc... Về thành phần: 43 người của Không quân, 14 của Hải quân và 4 người của Thuỷ quân lục chiến... Sĩ quan trưởng nhóm của những tù binh này là Trung tá Hải quân C.D. Clower, ông này đã được phong Đại tá sau ngày bị bắt. Đây cũng là sĩ quan trưởng nhóm thứ ba được tù binh trong trại bầu lên. Hai người trước đó đều đã bị phía Bắc Việt điều đi giam giữ ở nơi khác...

Richard Nixon tỏ ra xúc động trước những thông tin rất cụ thể vừa kể trên mà Lầu Năm Góc đã thu lượm được. Moorer hiểu điều đó và ông ta càng tự tin hơn trong giọng nói:

- Thưa Tổng thống, về lực lượng của phía Bắc Việt bảo vệ Sơn Tây khoảng 12.000 quân, có thể gây thiệt hại cho đơn vị tập kích, nhưng số này đóng phân tán ở nhiều nơi và nhanh nhất cũng phải sau 30 phút họ mới có mặt để tiếp ứng cho trại tù binh được. Chúng tôi đã có kế hoạch ngăn chặn và đối phó với họ hiệu quả nhất. Điều đáng lo ngại hơn cả cho phi hành đoàn trực thăng là những chiếc MIG của không quân Bắc Việt ở các sân bay quân sự như Phúc Yên, Kép, Hải Phòng, Vinh... Nhưng theo chúng tôi nắm được thì tại các sân bay này đều không có hệ thống báo động về ban đêm, nên họ sẽ phản ứng rất chậm; hơn nữa lực lượng Không quân Bắc Việt chưa có các phương tiện kỹ thuật hiện đại để đảm bảo cho các Phi công lái MIG, dù giỏi nhất cũng khó có thể không chiến ban đêm.

Sau cùng, Đô đốc Moorer cũng không quên nói về yếu tố thời tiết có vai trò cực kỳ quan trọng đối với cuộc tập kích. Ông ta nhấn mạnh:

- Trong năm nay chỉ còn thời điểm từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 11 là thuận lợi nhất; nếu bỏ lỡ cơ hội này thì phải đợi đến tháng Ba sang năm. Thiếu tướng Manor đã đặt sở chỉ huy tại Đà Nẵng, Đại tá Simons cùng đơn vị của ông ta cũng đã tập kết tại Thái Lan. Tất cả đã sẵn sàng. Nếu Tổng thống cho phép, chúng tôi sẽ thi hành ngay kế hoạch...

- Thưa Tổng thống! - Cố vấn An ninh Kissinger lên tiếng đỡ lời cho Moorer - Cách đây hơn một tháng, tôi đã có dịp làm việc với những người chỉ huy cuộc tập kích. Tôi cho rằng họ đã được chuẩn bị rất tốt và có rất nhiều cơ may để giành thắng lợi.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Laird cũng nhấn mạnh thêm:

- Thưa Tổng thống! Công việc này đã được xúc tiến triển khai từ hồi tháng Năm. Kế hoạch của cuộc hành quân được vạch ra rất cụ thể, chi tiết và tập luyện rất kỹ. Hầu hết các tướng lĩnh cao cấp nhất của Lầu Năm Góc đã được nghe thuyết trình và họ đều hết lòng ủng hộ...

Mọi con mắt trong phòng đều dồn về phía Richard Nixon chờ đợi. Tổng thống Mỹ rất hiểu vai trò lớn lao và khó khăn của mình khi đó. Ông ta ngẩng đầu lên nói chậm rãi:

- Kế hoạch của các anh thật hoàn hảo, hầu như nó không còn gì phải góp ý nữa. Tôi biết, mọi người đang chờ quyết định cuối cùng. Và tôi cũng sẽ có câu trả lời sớm nhất. Nhưng thời hạn chót mà Tướng Manor và đơn vị của ông ấy có thể chờ đợi được là bao lâu nữa mà không làm phức tạp thêm vấn đề?

Moorer giải thích thêm:

- Thưa Tổng thống, về yếu tố thời tiết, phi đoàn bay rất cần có ánh trăng sáng để xác định đường bay và mục tiêu. Thêm nữa, để bảo đảm nguyên tắc bí mật, cách thức và quy trình liên lạc của cuộc tập kích cũng rất phức tạp, đòi hỏi phải có thời gian vừa đủ để triển khai. Đó là chưa kể đến thời gian khởi động cho việc hiệp đồng tác chiến với các lực lượng tham gia hỗ trợ cho chiến dịch... Do vậy, cần có quyết định càng sớm càng tốt!

Richard Nixon trả lời rằng ông ta rất thông cảm với sự lo lắng của Moorer. Nhưng vấn đề là ở chỗ không nên bàn có nên giải cứu tù binh hay không, mà là khi nào sẽ thi hành công tác này. Richard Nixon im lặng suy nghĩ điều gì, rồi như chợt nhớ ra, ông ta hỏi:

- Chúng ta rất tin tưởng vào thắng lợi. Còn nếu như cuộc hành quân này thất bại... Các anh đã chuẩn bị các lý do để đối phó với dư luận chưa?

Moorer vội trả lời ngay:

- Xin Tổng thống yên tâm, chúng tôi đã lường hết mọi khả năng sẽ xảy ra sau khi cuộc tập kích được tiến hành và đã chuẩn bị đầy đủ các lý do che đậy cho phù hợp.

Nixon gật gật đầu, đưa mắt nhìn lướt qua tất cả các thành viên đang có mặt như có ý thăm dò thái độ của từng người, rồi ông ta mới cất giọng:

- Cá nhân tôi cũng muốn thấy các tù binh trở về. Nếu thành công, tôi có thể mời tất cả mọi người đến Nhà Trắng dự tiệc mừng. Nhưng nếu việc này thất bại... Các anh biết đấy! Phe đối lập sẽ không để cho chúng ta yên. Dân chúng sẽ lại biểu tình bao vây Nhà Trắng như sáu tháng trước đây. Nhưng lần này chắc chắn còn dữ dội hơn nhiều. Những kẻ quá khích sẽ đạp đổ các cổng chính, đập phá hết đồ đạc. Và thậm chí, xin lỗi các anh, hàng nghìn gã hippi sẽ hò nhau đái lên tấm thảm sang trọng trong văn phòng chúng ta đang ngồi... Nếu như vậy thì đau lắm! Tôi không bao giờ muốn điều này xảy ra, cũng như không muốn thêm một binh sĩ nào bị bắt giam trong các trại tù binh của Bắc Việt...

Nhưng lạy Chúa! Làm sao chúng ta lại có thể không chấp thuận một việc đáng làm như các anh đã dày công chuẩn bị mấy tháng nay? Hãy cho tôi thêm một chút thời gian nữa. Tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ thi hành chiến dịch này. Và dù thế nào thì tôi cũng chúc anh các anh may mắn, mong cho kế hoạch của chúng ta sẽ thành công!

Nói đến đó Richard Nixon đứng dậy, chủ động chìa tay ra bắt tay Đô đốc Moorer. Đó là một cử chỉ hết sức đặc biệt mà sau này các sử gia Mỹ đã bình luận là cái bắt tay nồng ấm và đầy thông cảm, rất hiếm khi ông Tổng thống này biểu lộ với ai lúc đương nhiệm.

Moorer vội vàng lái xe trở về Lầu Năm Góc. Ông ta đã không phải chờ đợi lâu. Ngay buổi chiều đó Richard Nixon đã đồng ý cho Bộ trưởng Quốc phòng Laird thi hành cuộc tập kích. Blackburn và Mayer đã đón nhận được thông tin cực kỳ quan trọng này vào lúc xế chiều ngày 18 tháng 11 năm 1970. Cỗ máy Kingpin đã chính thức được khởi động và bắt đầu hoạt động...

(Còn nữa)

Đ.V.H

______

Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...

Độc giả có nhu cầu có thể đến địa chỉ café Lục Bát 6/40 Võ Thị Sáu, TP. Hà Nội; hoặc trực tiếp qua điện thoại (có Zalo): 0913210520 của nhà văn Đặng Vương Hưng, "Phi công Mỹ ở Việt Nam" (có phiên bản tiếng Anh) giá lẻ 200.000đ/c (cả cưới phí), có lưu bút của tác giả, sẽ được gửi đến tận nhà theo đường bưu điện.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Sự thật Vụ tập kích Sơn Tây năm 1970 (Kỳ 7): TỔNG THỐNG MỸ VÀ “CHIẾN DỊCH BỜ BIỂN NGÀ”" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn