Sự thật vụ tập kích cứu phi công Mỹ tại Sơn Tây năm 1970 (Kỳ 4): AI SẼ GIẢI CỨU CHO TÙ BINH MỸ VÀ BẰNG CÁCH NÀO?

Để có đáp án cho câu hỏi trên, Thiếu tướng James Allen đã liên lạc với SACSA. Đây là một đơn vị chuyên làm nhiệm vụ Chống phiến loạn và hoạt động đặc biệt. Tổng hành dinh của nó khá đồ sộ và nằm ngay dưới văn phòng của Chủ tịch Hội đồng tham mưu hỗn hợp.
chy-traitim1-1637204195.jpg
Báo chí nước ngoài đăng cảnh sinh hoạt của tù binh phi công Mỹ tại Việt Nam. Ảnh do tác giả cung cấp.

Phụ tá đặc biệt của SACSA là Thiếu tướng Donald Blackburn. Ông này có một tiểu sử binh nghiệp khá đặc biệt: Sinh trưởng tại bang Florida. Trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, Blackburn có công tổ chức và chỉ huy một đơn vị du kích Philippines chiến đấu chống lại quân đội phát xít Nhật cho đến ngày thắng lợi. Trở về nước, ông ta đeo lon đại tá khi mới 29 tuổi. Là một sỹ quan có uy tín và từng trải trong quân đội Mỹ, năm 1957, Blackburn đã từng được cử sang Nam Việt Nam làm cố vấn cao cấp cho một viên tướng nguỵ Sài Gòn. Năm 1960, Blackburn được Tổng thống Mỹ John F. Kennedy giao nhiệm vụ tổ chức một nhóm quân sự tại Lào. Và chính tại đây, Blackburn đã lần đầu tiên gặp Simons, người sau này đã được ông ta tiến cử với Lầu Năm Góc để chọn làm Chỉ huy cuộc tập kích cứu Phi công Mỹ tại Sơn Tây.

Dưới quyền chỉ huy của Phụ tá đặc biệt SACSA - Thiếu tướng Donald Blackburn còn có một nhân vật khá đặc biệt là Đại tá Mayer, chuyên viên điện tín bí mật, đồng thời cầm đầu một bộ phận hoạt động đặc nhiệm của SACSA.

chuy-traitim2-1637204389.jpg

Nữ dân quân áp giải tù bình phi công Mỹ. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Ngày 25 tháng 5 năm 1970, Tướng Allen đã có cuộc bàn bạc với Tướng Blackburn và Đại tá Mayer. Sau khi thông báo cho nhau kết quả làm việc của nhóm nghiên cứu thuộc đơn vị 1127, Allen đã nhận thấy Blackburn rất xúc động. Hình như số phận đã chờ đợi để gắn bó con người này vào công việc đó. Allen hỏi Blackburn rất cụ thể:

- Liệu có thể cử một toán điệp viên đến vùng Sơn Tây trước được không? Bọn họ sẽ có nhiệm vụ xác minh các kết quả làm việc của 1127 trên địa bàn thực tế, sau đó có thể làm việc “lót ổ” trước...

Blackburn suy nghĩ rồi đáp:

- Làm như vậy rất nguy hiểm. Theo tôi biết, hầu hết các điệp viên ta có trên Bắc Việt trước đây đều thuộc DIA chỉ huy. CIA cũng có một số cơ sở và căn cứ, nhưng chỉ hoạt động hạn chế trong vòng 20 cây số ở vùng biên giới Lào - Việt. Chính Tổng thống Johnson đã quy định như thế! Sứ mệnh giải thoát tù binh là do SACSA đảm nhiệm.

Allen đã cắt ngang lời Blackburn:

- Vậy nếu ta sử dụng một căn cứ của CIA tại Bắc Lào, rồi dùng trực thăng đưa một toán nhỏ lực lượng đặc nhiệm đến Sơn Tây?

- Sử dụng trực thăng cùng đội đặc nhiệm? Một ý kiến hay đấy! - Blackburn tán thành.

- Có nguồn tin khẳng định rằng: Một nhóm tù binh ở trại Sơn Tây thỉnh thoảng vẫn xuất hiện ở Ba Vì để làm việc gì đó. Nếu toán điệp viên được “lót ổ” trước phát hiện ra họ và điện cho trực thăng đến thì cuộc hành quân phải được thực hiện rất nhanh và nắm chắc phần thắng. Rồi những người được giải thoát sẽ nhanh chóng được đưa đến một căn cứ của chúng ta tại Thái Lan, để trở về trong vòng tay của gia đình họ...

- Nhưng chắc gì toán điệp viên kia đến được Sơn Tây yên ổn. Rất có thể bọn họ sẽ bị lực lượng An ninh Việt Nam tóm cổ trước khi kịp hành động theo kế hoạch! Chúng ta đã từng trả giá đắt cho hành động này với những bài học cay đắng, chẳng nhẽ ngài quên rồi sao?

chuy-traityim-4-1637204642.jpg
Tù binh phi công Mỹ bị áp giải về trại giam, sau khi bị bắn rơi... Ảnh do tác giả cung cấp

Tuy Blackburn không nhắc lại nhưng Allen thừa hiểu ông ta muốn nói đến điều gì. Kể từ năm 1968, sau khi Tổng thống Johnson buộc phải tuyên bố đình chỉ các hoạt động của Không quân và Hải quân chống lại miền Bắc Việt Nam, giới quân sự Mỹ đã không có quyền muốn làm gì thì làm như trước đó, kể cả việc phát động những cuộc hành quân đặc biệt hay đưa điệp viên xâm nhập. Thậm chí, công việc tiếp tế cho các toán điệp viên (CAS) đang hoạt động ở Bắc Việt Nam cũng bị Tổng thống Mỹ cấm. Chính điều đó đã dẫn tới việc có tới mấy chục điệp viên người Việt đã được tuyển dụng, huấn luyện kỹ càng trước khi tung ra miền Bắc hoạt động... đều bị người Mỹ bỏ rơi một cách nhẹ nhàng. Các toán CAS này đã sử dụng nhiều biện pháp liên lạc để cầu cứu các quan thày một cách tuyệt vọng. Họ chỉ cầm cự được thêm một thời gian ngắn, rồi kẻ bị bắt, người ra đầu thú, một số rất ít tìm cách vượt biên trốn được sang vùng rừng núi phía bắc Lào... Và cũng kể từ đó, hầu như không có nguồn tin nào nhắc đến số phận bi thảm của họ nữa!

- Tôi giả thiết rằng khi toán điệp viên của ta được phái đến Sơn Tây bị lực lượng An ninh Bắc Việt bắt - Blackburn nói tiếp - Thì chuyện giải thoát cho các tù binh sau đó sẽ càng khó khăn gấp bội. Còn việc đưa được đội đặc nhiệm bằng những chiếc trực thăng đến Sơn Tây cũng đâu phải dễ! Cứ cho rằng chúng sẽ bay thật thấp, luồn lách qua những thung lũng của dãy núi Ba Vì để tránh sự phát hiện của lực lượng phòng không Bắc Việt. Và yếu tố bí mật bất ngờ sẽ khiến cho quân Bắc Việt ở Sơn Tây không kịp phản ứng... Thì vẫn còn những tay súng bảo vệ trại giam. Họ sẽ chiến đấu với một tinh thần dũng cảm khó lường. Và thương vong của lực lượng đặc nhiệm Mỹ là không thể tránh khỏi, thậm chí có thể bị tiêu diệt gọn nếu lực lượng này ít và yếu. Vì thế, chúng ta phải có một lực lượng đủ mạnh, được tuyển chọn chu đáo, tập luyện kỹ càng, được trang bị đầy đủ và thiện chiến nhất!

- Nếu vậy, việc giải thoát cho nhóm tù binh kia sẽ chậm và e rằng mất thời cơ?

- Thế tại sao chúng ta chỉ muốn giải thoát cho một nhóm mà không quan tâm đến cả trại, nếu điều kiện cho phép?- Blackburn trả lời Tướng Allen bằng một câu hỏi. Sau đó ông ta bày lên bàn một loạt bức ảnh mà nhóm 1127 đã dày công chuẩn bị - Tôi cho rằng trại “Hy Vọng” ở thị xã Sơn Tây ở một vị trí khá hẻo lánh và được coi như có nhiều sơ hở nhất. Chúng ta có thể tiến hành một trận tập kích bất ngờ vào trại Sơn Tây và bốc tất cả đi bằng trực thăng!

Allen dường như đã bị những ý tưởng táo bạo của Blackburn chinh phục. Ông ta ngồi im lặng, hồi lâu mới buông một tiếng “OK”. Tuy nhiên, khó khăn đang chồng chất chờ đợi ở phía trước. Có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng đều cực kỳ nan giải! Mà việc trước mắt là phải làm cho Lầu Năm Góc tin và ủng hộ cho kế hoạch của họ.

THUYẾT TRÌNH… RỒI LẠI THUYẾT TRÌNH…

Cần nhớ rằng, vào thời điểm này, Mỹ đang sa lầy trong chiến tranh Việt Nam. Số lính Mỹ bị chết trận trung bình là 500 người mỗi tháng. Riêng tháng 5 năm 1970, có tới 754 lính Mỹ bị chết ở chiến trường Nam Việt Nam. Và số quân dự trữ chiến lược ở các đơn vị trực tiếp tham chiến đã thiếu hụt tới mức báo động. Tổng thống Mỹ Richard Nixon rất sợ thêm tai tiếng xấu trước dư luận trong nước và thế giới. Cho nên Lầu Năm Góc không dễ gì thông qua kế hoạch giải thoát tù binh Phi công Mỹ của Blackburn và Mayer.

Cũng ngày 25 tháng 5 năm 1970, Blackburn và Mayer đã xin được gặp Tướng 4 sao Earle G. Wheeler. Ông này là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân từ năm 1964, trước khi xảy ra cái gọi là "Sự kiện vịnh Bắc Bộ". Wheeler là một trong những người ủng hộ SACSA mạnh nhất. Trong thời gian McNamara còn làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, chính ông ta đã đệ trình giới thiệu nhiều kế hoạch hoạt động của SACSA rất thành công. Nghe thuyết trình xong, Wheeler đã thốt lên: "Lạy Chúa! Phải có bao nhiêu tiểu đoàn mới làm được việc này!". Tuy nhiên, Wheeler vẫn ủng hộ bằng cách giới thiệu Blackburn với Đô đốc Thomas Moorer, người sẽ thay thế chức vụ của ông nay mai.

Được "bật đèn xanh", Blackburn và Mayer đã lập tức đề nghị Cục Tình báo quân đội Mỹ (DIA) giúp đỡ bổ sung thêm tin tức tình báo và phác họa một kế hoạch hành động. Và chỉ một ngày sau, tức 26 tháng 5 năm 1970, DIA đã chính thức vào cuộc với sự ủng hộ tích cực của Trung tướng Donald Bennett Giám đốc cơ quan này.

Ngày 27 tháng 5 năm 1970, Blackburn và Mayer lại đến gặp Trung tướng John Vogt, Chỉ huy cơ quan Hỗn hợp tác chiến của lực lượng Không quân Mỹ. Ông này cũng đã thốt lên: "Lạy Chúa! Thế bao giờ anh báo cho Chính phủ biết công việc quan trọng này?".

Ngày 1 tháng 6 năm 1970, Tướng John W. Vogt và Tướng Bennett đã cùng nghe lại bản thuyết trình mới được bổ sung thông tin của Blackburn và Mayer. Bọn họ đã cùng cân nhắc bàn bạc rất kỹ từng phương án được nêu ra, với những tình huống rất cụ thể trong việc tập kích giải thoát tù binh Mỹ...

Hôm sau, ngày 2 tháng 6 năm 1970, Blackburn và Mayer lại được Tướng Wheeler tiếp và nghe lại bản thuyết trình lần nữa. Ông ta đã khẳng định ngay: "Tôi tin rằng không ai có thể từ chối đối với cuộc hành quân này!".

Được phép của Wheeler, chiều ngày 5 tháng 6 năm 1970, tại một phòng họp đặc biệt có tên là "TANK", Blackburn và Mayer đã thuyết trình kế hoạch của mình cho Hội đồng Tham mưu trưởng hỗn hợp cùng nghe. Không một ai hỏi thêm câu nào. Các tướng Mỹ có mặt hôm đó đều đồng ý rằng SACSA cần thực hiện cho được kế hoạch này!

Chưa hết, những ngày sau, Blackburn và Mayer còn phải thuyết trình thêm cho các Phụ tá tham mưu trưởng hỗn hợp, để tranh thủ sự ủng hộ của họ. (Vì mỗi vị này đều nắm trong tay cả sư đoàn quân!). Nhờ đó, sau này SACSA mới có thể yêu cầu được tuyển chọn người, trang bị các loại vũ khí, phương tiện và rất nhiều các khoản tiền chi đặc biệt theo yêu cầu, để phục vụ cho cuộc tập kích Sơn Tây.

Để thuận lợi hơn trong khi hành sự, Blackburn và Mayer còn tìm đến Tổng hành dinh của CIA để gặp Phụ tá đặc biệt của Giám đốc về Đông Nam Á là George Carver cùng Phụ tá của ông ta. Công việc này cũng đã khiến cho họ tốn kém không ít thời gian.

Và cuối cùng, ngày 10 tháng 7 năm 1970, tại Lầu Năm Góc đã có một cuộc họp đặc biệt với sự có mặt tham gia của rất nhiều tướng lĩnh cao cấp của Bộ Quốc phòng Mỹ: Đô đốc Moorer, tân Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân; Đại tướng Westmoreland, Tham mưu trưởng Lục quân; Đại tướng John Ryan, Tư lệnh lực lượng Không quân; Đô đốc Elmo Zum walt, Tư lệnh lực lượng Hải quân; Tướng Leonard F. Chapman, Tư lệnh lực lượng Thuỷ quân lục chiến... Họ đã chăm chú lắng nghe thuyết trình về kế hoạch giải cứu tù binh Phi công Mỹ, để cùng nhau hoàn chỉnh, trước khi đệ trình lên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Melvin Laird...

Một tuần sau, bản báo cáo kế hoạch khá hoàn chỉnh và chi tiết nói trên đã được đặt trên bàn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Phản ứng đầu tiên của ông này là sự lo ngại về độ chính xác của các tin tức tình báo. Ông ta tự hỏi: Liệu quân biệt kích Mỹ có thể tới được trại giam và ra khỏi nơi này không? Vì nếu kế hoạch thất bại, thì chẳng những tù binh Mỹ ở Việt Nam không giảm đi mà còn tăng lên!...

Tuy nhiên, cuối cùng Laird vẫn ra lệnh tiếp tục triển khai kế hoạch. Ông ta không quên nhấn mạnh: Đây là một cuộc hành quân quy mô và cũng rất mạo hiểm, nên phải tổ chức và chuẩn bị hết sức chu đáo. Và trước khi có hành động quyết định cuối cùng, nó phải được trình lên Tổng thống Richard Nixon phê chuẩn.

Như vậy, dù ở cách chiến trường Việt Nam tới gần một vạn cây số, nhưng chỉ duy nhất Nhà Trắng mới có quyền quyết định về Vụ tập kích giải cứu Phi công Mỹ ở Sơn Tây.

(Còn nữa)

Đ.V.H

______

Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...

Độc giả có nhu cầu có thể đến địa chỉ café Lục Bát 6/40 Võ Thị Sáu, TP. Hà Nội; hoặc trực tiếp qua điện thoại (có Zalo): 0913210520 của nhà văn Đặng Vương Hưng, "Phi công Mỹ ở Việt Nam" (có phiên bản tiếng Anh) giá lẻ 200.000đ/c (cả cưới phí), có lưu bút của tác giả, sẽ được gửi đến tận nhà theo đường bưu điện.

Theo Trái tim người lính