Sự thật “Vụ tập kích Sơn Tây” năm 1970 (Kỳ cuối): CÁC NHÂN CHỨNG NHỚ LẠI VÀ KỂ VỀ ĐÊM KINH HOÀNG…

Đặng Vương Hưng

25/11/2021 14:23

Theo dõi trên

Đã hơn nhiều năm trôi qua, nhưng bà Trần Thị Liên (tức Nghiên) vẫn không sao quên được cái đêm kinh hoàng đó. Vốn là người hay nói lại có trí nhớ tốt, bà Liên đã vanh vách kể cho tôi những điều mình đã “mắt thấy tai nghe”, cứ như chuyện mới xảy ra tối hôm qua vậy.

chuy-trtim1-1637824276.jpg

Từ trái qua: Bà Trần Thị Liên (Nghiên gà, đứng thứ 2, Thiếu tướng Phạm Văn Dần (đứng giữa, người viết Lời tựa cuốn sách "Phi công Mỹ ở Việt Nam), tác giả Đặng Vương Hưng (đứng cuối) và một số nhân chứng Vụ tập kích Sơn Tây năm 1970 tại dấu tích cổng Trại giam tù binh Mỹ ở Xã Tắc (Sơn Tây) năm 2013. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

- Nhà tôi ở sát cổng chính của trại tù binh. Hồi đó, vùng Xã Tắc này còn vắng vẻ và nghèo lắm. Tôi làm nghề buôn gà, nên nhiều người bây giờ vẫn quen gọi tôi bằng cái tên ghép là “Nghiên gà”. Còn nhớ, các chú bộ đội tiếp phẩm trong trại rất hay ra nhờ tôi đi thu mua gà và khoai tây giúp. Họ thường mua với số lượng lớn, mà phải là gà và khoai ngon nhất chợ mới lấy. Sau này hòa bình rồi, tôi mới biết là họ mua những thứ ấy cho tù binh Phi công Mỹ ăn!

Tối hôm trước đêm xảy ra vụ tập kích của Mỹ, có một chú bộ đội còn trẻ, khoác ba lô hỏi thăm đường vào trại giam. Chú ấy tự giới thiệu mình tên là Túc, người Nghệ An, mới tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, được nhận quyết định về đây. Vì chú Túc chưa kịp báo cơm đơn vị, nên tôi mời chú ấy ăn tối với gia đình luôn, chả là bữa cơm có món thịt ngỗng rất ngon.

chuy-trtim2-1637824660.jpg
Cụ Lê Việt Tiến và 2 con - Những nhân chứng và cũng là nạn nhân của Vụ tập kích Sơn Tây (ảnh tư liệu gia đình). Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Đêm ấy, tôi nhớ là đã ngày 23 tháng 10 âm lịch, trời sáng trăng suông, lạnh lắm, đắp chăn bông vẫn thấy rét, nên khó ngủ. Quãng nửa đêm, tôi choàng tỉnh dậy vì thấy tiếng máy bay cánh quạt ầm ầm ngay trên nóc nhà mình. Tôi ngó qua cánh cửa sổ nhỏ, thấy nhiều ánh sáng lóa mắt, rồi tiếng súng nổ inh tai. Từ chỗ tôi nằm đến cổng gác chính của trại giam chỉ khoảng hai chục bước chân, nên nhìn rất rõ. Tôi thấy có những người đội mũ sắt, to cao lừng lững, nói xì xà xì xồ, chạy đi chạy lại... Chồng tôi, ông Cấn Hữu Ân, thì thào bên tai: Không phải bộ đội mình tập trận đâu! (Chẳng là hồi đó, bộ đội ta thường hay tập trận ở Sơn Tây), hình như có biệt kích Mỹ đổ bộ vào đây rồi. Bà dẫn các con đi ẩn nấp mau! Tôi hoảng quá, cuống cả lên, vội chui vào tủ quần áo ngồi, rồi chui xuống gầm giường nằm, không dám cả thở mạnh...

Và sáng hôm sau, bà Liên lặng người khi nghe tiếng bà Tịnh hàng xóm của mình kêu giời, báo tin bên gia đình bà An bị giặc đạp cửa xông vào bắn cả nhà!

MỘT TRONG NHỮNG GIA ĐÌNH NẠN NHÂN CỦA BIỆT KÍCH MỸ LÀ PHÓ TRƯỞNG TY CÔNG AN SƠN TÂY

- Đấy chính là vợ và các con của tôi! - Ông Lê Việt Tiến nhớ lại - Hồi đó, tôi đang là Phó trưởng Ty Công an tỉnh Hà Tây. Đêm ấy, khi đang ngủ tại cơ quan ở thị xã Hà Đông, tôi nhận được tin dữ báo, vội về nhà ngay và đến Sơn Tây khi trời còn chưa sáng. Các đồng chí Công an của thị xã cho biết: Gia đình tôi có 4 người, thì 2 người đã chết, 2 người bị thương rất nặng. Họ khuyên tôi đừng trở về nhà, vì sợ tôi đau đớn quá mà không đủ bình tĩnh để xử lý công việc.

chuy-tr-tim-3-1637824921.jpg
Dấu tích Trại gia tù binh Mỹ tại Sơn Tây. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Thế nhưng ông Lê Việt Tiến đã kiên quyết yêu cầu phải trực tiếp về để giải quyết việc nhà. Cho đến giờ, nhiều đồng sự, bạn bè cùng thời vẫn không hiểu ông đã lấy đâu ra sức mạnh, ý chí để có được sự bình tĩnh và nghị lực phi thường đến thế! Một mặt, ông thu xếp đưa hai con bị trọng thương đi viện cấp cứu, mặt khác ông trực tiếp lo tổ chức đám tang cho vợ và con gái.

Hồi ấy, người ta rất ít khi tập trung đông người, vì cảnh giác với máy bay Mỹ. Nhưng riêng đám tang của vợ và con ông Lê Việt Tiến thì người dân Sơn Tây đã tập trung hàng ngàn người. Họ đã lặng lẽ xếp hàng dài và đi bộ tới mấy cây số theo xe chở thi hài bà Bích An và em Thu Hương. Cảm kích trước tấm lòng của nhân dân thị xã, nhưng ông cũng không đành để bà con rồng rắn đưa vợ con mình tới nơi an nghỉ cuối cùng trong nguy hiểm như vậy. Ông đã kiên trì thuyết phục mọi người nhanh chóng giải tán quay về, đề phòng máy bay Mỹ trở lại bắn phá, gây thêm tội ác.

Vào thời gian xảy ra vụ tập kích Sơn Tây, hai người con trai lớn của ông Lê Việt Tiến là Lê Thành và Lê Văn Hùng đang học tập tại Liên Xô (cũ). Do hoàn cảnh chiến tranh, hồi đó việc liên lạc giữa họ và gia đình hết sức khó khăn. Mỗi lá thư đi và hồi âm trở lại thường phải mất mấy tháng trời. Sợ các con đau buồn, ảnh hưởng tới sức khỏe và học tập, ông Tiến đã cấm người nhà không được thông báo cho Thành và Hùng biết.

Cần phải nói thêm rằng cũng do hoàn cảnh chiến tranh, các phương tiện báo chí và thông tin đại chúng của nước ta hồi đó đã không hề hé lộ một chi tiết nào về Vụ tập kích cứu Phi công Mỹ ở Sơn Tây. Chỉ những cán bộ có trách nhiệm mới được phổ biến những thông tin hạn chế, theo chế độ bảo mật chặt chẽ. Nhưng phía Mỹ thì lại khác, sau khi các toán biệt kích thất bại từ vụ tập kích trở về, để trấn an dư luận, Lầu Năm Góc đã tổ chức họp báo, "tuyên dương công trạng" rùm beng cho một số tên sỹ quan chỉ huy và cầm đầu cuộc tập kích. Nên hầu hết các báo chí nước ngoài, trong đó có báo chí của Liên Xô (cũ) đã đăng tin quân Mỹ tiến hành Vụ tập kích Sơn Tây.

Tình cờ, hai người con trai lớn của gia đình ông Lê Việt Tiến đã nhận được thông tin đầu tiên qua các báo chí của Liên Xô. Họ lập tức viết thư về nhà cho bạn bè và chẳng bao lâu họ đã rõ toàn bộ sự thật đau lòng... Vậy mà họ đã phải nén đau thương để tiếp tục học tập, tiếp thu thật nhiều kiến thức để sau này trở về phục vụ đất nước. Và bây giờ, sau hơn 40 năm, cả hai người đều đã thành đạt: Một người nguyên là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an; người kia là Giám đốc Công ty Chế biến và kinh doanh sản phẩm dầu mỏ, thuộc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị của 3 liên doanh với nước ngoài tại Việt Nam.

Trở lại chuyện hai người con của ông Lê Việt Tiến bị trọng thương năm 1970. Ngày đó, chị Lê Thị Thu Nga 15 tuổi, học lớp 9; còn anh Lê Việt Tuấn mới lên 9, đang học lớp 3. Chị Nga bị đạn của quân biệt kích Mỹ mất mảng xương thái dương bên trái; anh Tuấn cũng bị vỡ xương trên tai trái và hỏng một mắt. Cả hai người đều bị tổn thương sọ não rất nặng.

Chị Thu Nga nhớ lại:

- Đó là đêm thứ Bảy, vừa là ngày nghỉ cuối tuần, vừa trùng với ngày Nhà giáo Việt Nam. Như bao nơi khác, lũ học trò chúng tôi đều được nghỉ học để chúc mừng ngày lễ của các thày cô giáo. Tôi còn nhớ, em Thu Hương theo bạn đến thăm cô giáo nên về nhà rất muộn. Đêm ấy, chúng tôi ngủ được một lúc thì nghe có tiếng máy bay ầm ầm trên trời, tiếng súng nổ loạn xạ xung quanh. Điện phụt tắt, nhưng nhìn ra ngoài bỗng thấy trời rực sáng như đang có nắng. (Sau này tôi mới biết quân biệt kích Mỹ thả pháo sáng). Do thường xuyên được nhà trường nhắc nhở các bài học cảnh giác, nên chúng tôi đoán biết có chuyện gì đó rất nguy hiểm đang xảy ra.

Mẹ tôi vội giục cả nhà chui xuống gầm giường tránh mảnh đạn. Giường ngủ của nhà tôi kê gạch rất cao nên tôi có thể ngồi bó gối mà ngủ gà ngủ gật được. Nhưng tôi vẫn nghe có rất nhiều tiếng người nói xì xồ, chạy huỳnch huỵch bên ngoài...

Một lúc sau, đột nhiên cánh cửa nhà tôi bị bật tung ra. Có mấy người đàn ông cao to hùng hổ xông vào. Rồi ánh đèn pin quét loang loáng trong tiếng súng nổ choáng tai. Tôi nhắm mắt lại vì sợ hãi. Một lát sau, khi tiếng súng ngớt, tôi nghe rõ tiếng mẹ rên khe khẽ trong đau đớn: Các con ơi... mẹ bị thương rồi... có lẽ chết mất...

Tôi càng hoảng hơn khi thấy em Tuấn cứ gục đầu vào người tôi mà lả đi. Tay tôi sờ vào chỗ nào cũng thấy có máu. Không hiểu sao, lúc đó tôi đã dùng hết sức mình cõng em Tuấn ra đầu hồi nhà, nghỉ một lúc, tôi cõng em đi tiếp xuống phía cổng trại giam... Tới gần nhà bà Liên thì gặp các chú bộ đội. Tôi không biết rằng chính mình cũng đang bị thương rất nặng, máu chảy đầy mặt. Tôi chỉ kịp nói: Các chú ơi, hãy đến cứu mẹ cháu và em cháu còn đang ở trong nhà... thì xỉu luôn. Trong mê man, tôi vẫn nhận thấy mình được khênh lên ô tô, được băng bó, tiêm thuốc và cứu chữa ra sao...

- Đầu tiên, tôi đưa hai con mình đến Quân y viện 105 ở Sơn Lộc, cách nhà khoảng một cây số - Ông Lê Việt Tiến, nguyên Phó Ty Công an Hà Tây ngày đó kể tiếp - Sơ cứu băng bó xong, tôi đề nghị đưa hai cháu đến bệnh viện Việt - Đức để chạy chữa. Nhập viện cho hai con bị thương xong, tôi vội quay về Sơn Tây để tổ chức tang lễ cho vợ và con gái ngay trong ngày 21 tháng 11 năm 1970...

Có lẽ cũng cần phải nhấn mạnh rằng đây là đám tang duy nhất của các nạn nhân đã bị quân biệt kích Mỹ sát hại trong vụ tập kích Sơn Tây. Mười một người còn lại, do không có điều kiện, thân nhân lại ở xa nên đành cho nhập quan tài rồi đem chôn cất luôn, theo nghi lễ đơn giản thời chiến...

Trong số đó, có cả chú Túc kỹ sư xây dựng, người Nghệ An - Bà Liên bồi hồi, xúc động nhớ lại - Tối hôm trước, chú ấy còn vừa ăn cơm thịt ngỗng ở nhà tôi, vừa hẹn đi thăm quan Đền Và... Vậy mà sáng hôm sau đã trở thành oan hồn, chẳng kịp trăng trối điều gì.

NGÀY GIỖ CHUNG CỦA CẢ LÀNG…

Thế là ngày 23 tháng 10 âm lịch trở thành ngày giỗ chung của làng này. Hàng năm, tới ngày đó, ở Xã Tắc bây giờ nhà nhà đều thắp hương. Riêng tôi, năm nào cũng thắp hương khấn cho cả 6 chú bộ đội, với 6 chiếc bát và 6 đôi đũa trên mâm cơm cúng... Cho mãi tới năm 1997, người nhà của chú Túc mới ra bốc mộ mang hài cốt chú ấy về quê chôn cất...

Anh Lê Việt Tuấn cho biết:

- Hồi ấy, mặc dù còn rất nhỏ, nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ chị em tôi đã được cứu chữa tại bệnh viện ra sao. Chúng tôi đều bị cạo hết tóc, đầu trọc lốc trước khi lên bàn mổ hộp sọ. Sau đó là nhiều ngày nằm bất động, với bông băng đầy người, tiếp nước liên tục. Nhiều người nhìn cảnh ấy đã không tin rằng chị em tôi lại có thể sống sót được. Vậy mà sau hai tháng điều trị, chúng tôi đã được bệnh viện Việt- Đức cho về nhà ăn Tết. Sau đó, tôi còn phải vào Quân y viện 103 điều trị tiếp một tháng nữa mới tạm ổn. Tôi nói “tạm ổn" bởi vì cho tới hôm nay, sau hơn 40 năm đầu tôi vẫn thường bị đau nhức, mắt tối sầm mỗi khi trái gió trở trời. Mấy mảnh đạn nhỏ còn lại trong người tôi thỉnh thoảng vẫn sưng tấy lên. Chị Thu Nga của tôi cũng vậy. Nếu lật tóc mai trái của chị ấy lên, sẽ thấy một vết lõm sâu và to như cái miệng chén. Đó là chỗ mảnh xương sọ bị mất, rất nguy hiểm đến tính mạng nếu không may sơ ý bị một vật cứng đụng vào...

Một lần, trước ngày giỗ của các nạn nhân trong Vụ tập kích cứu Phi công Mỹ ở Sơn Tây, người viết bài này đã đến thăm ngôi nhà nhỏ nằm trong ngõ 50, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Đó là nơi cụ Lê Việt Tiến đang sống hạnh phúc cùng con cháu những năm tuổi già. Trước khi về nghỉ hưu, người cán bộ Công an lão thành này là Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội. Dù tuổi đã cao, nhưng cụ Việt Tiến vẫn còn rất khỏe mạnh và minh mẫn.

Cụ Lê Việt Tiến cho biết: Hàng năm vào 23 tháng 10 âm lịch, thường có rất nhiều bà con Sơn Tây lặng lẽ tìm đến thắp hương trên bàn thờ của gia đình. Và cụ thường tự hào giới thiệu với khách: Cháu Thu Nga của tôi giờ đang là giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Hà, chồng của cháu là Công an công tác ở quận Ba Đình. Cháu Việt Tuấn thì làm công nhân ở Công ty Điện tử Giảng Võ, lấy vợ công tác ở Tổng công ty Dầu khí Việt Nam...

Còn hai điều khá đặc biệt này nữa, tuy cụ Việt Tiến không giới thiệu, nhưng hàng xóm với gia đình cụ ai cũng biết: Thứ nhất, là vào các ngày nghỉ, Chủ nhật, hai người con trai lớn thành đạt, thường đi xe đạp hoặc đi bộ về thăm nhà (cụ Việt Tiến không thích họ đi ô tô, xe máy, vì sợ ồn ào và ầm ĩ tới khu phố), rồi ngoan ngoãn ngồi hầu chuyện và lắng nghe những lời răn dạy của cụ. Thứ hai là, sau khi người vợ yêu quý không may bị quân biệt kích Mỹ sát hạt, mặc dù là một người đàn ông nổi tiếng to khoẻ, đẹp trai, có địa vị trong xã hội, nhưng mấy chục năm qua cụ Lê Việt Tiến vẫn kiên quyết ở vậy mà không hề nghĩ tới chuyện đi bước nữa, để dành tâm trí phục vụ sự nghiệp và nuôi dạy con cháu...

(HẾT)

Hà Nội - Sơn Tây, 1998 - 2013

Đ.V.H

______

Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...

Độc giả có nhu cầu có thể đến địa chỉ café Lục Bát 6/40 Võ Thị Sáu, TP. Hà Nội; hoặc trực tiếp qua điện thoại (có Zalo): 0913210520 của nhà văn Đặng Vương Hưng, "Phi công Mỹ ở Việt Nam" (có phiên bản tiếng Anh) giá lẻ 200.000đ/c (cả cước phí), có lưu bút của tác giả, sẽ được gửi đến tận nhà theo đường bưu điện.

Theo Trái tim người lính