Kỳ 1.
LTS: Sử thi là một thể loại văn học xuất hiện từ thời cổ đại. Các tác giả dùng thơ để mô tả hoặc kể lại những sự kiện lịch sử. Như bộ sử thi Hi Lạp Iliat và Ôđixe của Hômerơ, đặt nền tảng cho văn học châu Âu thời cổ đại và cận đại. Hai bộ sử thi của Ấn Độ Ma ha bơ ha ra ta và Ramayana đã đặt nền tảng cho văn học Ấn Độ về sau.
Hầu hết các quốc gia và các dân tộc đều có sử thi.
Ở Việt Nam tác phẩm lịch sử bằng thơ như “ Thiên Nam ngữ lục” và “Đại Nam quốc sử diễn ca” in cuối thế kỷ XIX viết bằng chữ Nôm dài 2.054 câu lục bát thì chất sử thi đã hiện rõ. Năm 1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó ở rừng chiến khu Việt Bắc đã viết “Lịch sử nước ta” bằng thơ lục bát nhằm đưa lịch sử nước nhà đến bạn đọc và công chúng với lời căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Nối tiếp truyền thống ông cha, PGS TS Cao Văn Liên không chỉ viết bộ tiểu thuyết lịch sử cổ trung, cận đại “Việt Nam diễn nghĩa” gồm 8 tập do NXB Hồng Đức ấn hành đã được giới thiệu trên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển (vanhoavaphattrien.vn) suốt hơn năm qua, mà còn mạnh dạn sáng tác “SỬ THI VIỆT NAM” bằng thể thơ tự do nhưng bảo đảm vần điệu, tuân thủ nghiêm ngặt đòi hỏi của nghệ thuật thơ ca do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2017.
“Sử thi Việt Nam” gồm 2 phần: Phần I: “Sử thi Đại Việt” diễn đạt lịch sử từ thời Văn Lang - Đại Việt cho đến năm 1802. Phần II: “Sử thi Việt Nam” diễn đạt lịch sử từ năm 1802 đến năm 2016.
Cả hai phần dài khoảng hơn 4.000 câu, mặc dù tác giả đã cố nhiều cố gắng nhưng không thể tránh khỏi khiếm khuyết. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Phần I: SỬ THI ĐẠI VIỆT
Hàng tỉ năm vũ trụ hình thành
Trái đất tươi xanh nằm trong thái dương hệ mặt trời soi sáng
Trải qua hàng triệu năm chạng vạng
Sự sống bắt đầu
Cây cối tươi xanh hoa lá đủ sắc mầu
Sinh vật tí hon, động vật khổng lồ biết đi biết chạy.
Trái đất còn sinh ra biển đầy sóng dậy
Núi cao rừng rậm mênh mông
Những bình nguyên là những cánh đồng
Chim cò bay thẳng cánh.
Dưới ánh mặt trời lóng lánh
Phía nam sông Dương Tử gần một trăm tộc người Việt định cư
Biên giới địa dư
Chưa ổn định
Không yên tĩnh
Bởi những cuộc chiến tranh của người Hoa từ bắc Trường Giang
Bành trướng xuống phương Nam
Chiếm đất đai bách Việt.
Chúng gieo tang thương và cái chết
Từ thời Ân-Thương cho đến thời Tần
Phái xuống phương Nam những đạo quân
Điên cuồng bành trướng.
Cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ phải dẫn đàn con tiến xuống
Miền Đông Nam Á Châu
Trải bao bão tố mưa nắng dãi dầu
Khai sơn phá thạch
Chiến công hiển hách
Lập nước Văn Lang
Bờ cõi giang san
Bắc gần tới nam Trường Giang nam Ngũ Lĩnh
Nam giáp Hoành Sơn tuyệt đỉnh
Phía tây ngút ngàn rừng núi mù sương
Đông giáp Đại Dương.
Sông Hồng đỏ phù sa Tây Bắc về Đông ngày đêm tuôn chảy
Phía nam Sông Mã nước như ngựa điên cuồng chạy
Tạo dựng đồng bằng
Một năm hai vụ lúa vàng
Nuôi giống nòi Lạc Việt.
Còn chế cung tên bay như sấm sét
Săn bắt thú hoang.
Rồi chăn nuôi gia cầm gia súc nẩy nở hàng đàn
Đúc lưỡi cày lưỡi cuốc
Dùng trâu bò đã thuần phục
Kéo cày khai hoang trên những cánh đồng
Lúa thơm mùa vàng nặng bông
Gạo làm cơm thơm hương no ấm.
Vua mặc đồ vóc gấm
Dân mặc váy áo đen nâu.
Rồi trồng nghìn hoa quả đủ loại rau màu.
Trên rừng sâu săn cầm thú
Dưới sông bắt bao cá mú
Lại trồng nghìn loại hoa
Dưới ánh dương màu sắc chói lòa
Điểm trang thiên nhiên cuộc đời tươi đẹp.
Lại dùng gạo dẻo thơm hương nếp
Gói bánh chưng xanh bánh đất trời
Trời tròn đất vuông vũ trụ sáng ngời
Để thờ cúng đất trời tiên tổ
Thiêng liêng muôn thuở
Phù hộ non sông.
Âm vang nhạc của trống đồng
Âm vang chiêng cồng, sáo khèn đàn đá
Tiếng nhạc quê hương như gió về trong lá.
Văn Lang ơi phơi phới tâm hồn
Trong cuộc đấu tranh để vươn tới sinh tồn
Phải đoàn kết tình làng nghĩa xóm.
(Còn nữa)
CVL