Kỳ 27.
Tiếp theo đó là các anh hùng miền Đông, miền Tây đứng dậy
Phất cao cờ cứu nước cứu dân.
Vàm Cỏ Đông tàu “Hi Vọng” của Pháp nổ tan
Bởi nghĩa quân anh hùng Nguyễn Trung Trực.
Lửa kháng chiến miền Đông, miền Tây đỏ rực
Các thủ lĩnh Trần Xuân Hòa, Nguyễn Hữu Huân
Đốc binh Kiều, Âu Dương Lân
Trương Quyền, Phan Tôn, Phan Liêm, Phan Văn Trị.
27-10-1868 Nguyễn Trung Trực bị quân thù xử tử
Ở Rạch Giá Kiên Giang
Ngọc nát vàng tan
Vẫn không khuất phục.
Ông quát vào mặt quân thù và những tên phản phúc
“Bao giờ nước Nam hết cỏ thì người Nam mới hết chống người Tây!”
Nhưng than ôi trên mảnh đất này
Giai cấp thống trị và triều đình đã tận cùng tha hóa
Chủ trương nhân nhượng để đầu hàng
Để giữ cho gia đình vẫn toàn vẹn giàu sang
Đành bán rẻ non sông dân tộc.
Miền Đông miền Tây qua cơn gió lốc
Binh giáp nát tan
Đành mất vào tay bọn ngoại bang xâm lược.
Miền Đông miền Tây sau này gọi là Nam kỳ nhập vào bản đồ Pháp quốc
Do tên Thống đốc đứng đầu.
Việt Nam thương đau
Thân thể bị cắt lìa một phần ba đẫm máu
Sau khi lấy xong Nam kỳ Pháp biết Việt Nam không còn khả năng chiến đấu
Pháp bắt đầu đánh chiếm Bắc kỳ.
Thành Hà Nội do Nguyễn Tri Phương chỉ huy
Ngày 20-11-1873 Gacnie cùng 180 tên tấn công thành Hà Nội
Súng pháo nổ như mưa dữ dội
Nguyễn Tri Phương bị thương bỏ mình
Con trai là Phò mã Nguyễn Tri Lâm cũng hi sinh
Hai cha con đã vì nghĩa cả
Ra đi và đã trả
Xong món nợ non sông
Trang sử màu hồng
Ghi tên hai cha con mãi mãi.
Từ Hà Nội Gacnie tiến quân đánh ra Cầu Giấy
Bị quân của Hoàng Tá Viêm và Lưu Vĩnh phúc giết chết tại đây
Tướng giặc bỏ thây
Làm quân Pháp ở Bắc kỳ khiếp sợ
Tim run mật vỡ
Định tháo chạy về Nam.
Triều đình Huế lại ra xin hàng
Ký thêm điều ước mới.
Thật là ngoài mong đợi
Của kẻ ngoại xâm
“Hiệp định hòa bình và liên minh” được ký tại Sài Gòn
Công nhận lục tỉnh Nam kỳ thuộc quyền của Pháp
Vương quốc An Nam không được ký ngoại thương với nước khác
Chỉ được ký thông thương với nước Pháp mà thôi.
Giáo sĩ phương Tây được đi lại khắp nơi
Truyền đạo trên đất Việt.
Các cửa sông Hồng, cảng Thi Nại, Qui Nhơn mở tung ra hết.
Tại Hà Nội quân Pháp có lãnh sự riêng và quân đội riêng.
Với hiệp định này chủ quyền thiêng liêng
Của Việt Nam đã gần mất hết.
Tháng 3-1882 Pháp tấn công quyết liệt
Thành Hà Nội lần hai
Đại bác pháp bắn rung động trong ngoài
Hăng ri vi e chỉ huy 600 tên tiến đánh
Dũng mãnh.
Quân ta đông
Nhưng không đồng lòng
Một số quan lại rắp tâm phản bội
Một số hèn nhát khi giao tranh đã vội
Đốt kho thuốc súng mở cửa thành
Chỉ nửa ngày thành Hà Nội tan tành
Thất thủ.
Tổng đốc Hoàng Diệu vào nội cung treo cổ
Để lại huyết thư
Nói rõ thực hư
Nguyên nhân thất bại
Là do triều đình sợ hãi
Sợ mất lòng quân Pháp nên không cho
Đặt pháo to pháo nhỏ
Không cho xây thành kiên cố
Thành Hà Nội trống không
Khi quân Pháp tấn công
Không có gì chống đỡ
Bọn Việt gian bán nước đầu hàng còn đốt kho thuốc nổ
Mở toang cánh cửa quỳ lạy quân thù.
Trong lịch sử nghìn thu
Chưa có thời nào chính quyền quan lại đớn hèn như vậy.
(Còn nữa)
CVL