Sân khấu “hồi sinh” sau ngày dài giãn cách
Sau một thời gian “đóng cửa” do dịch bệnh Covid-19, sân khấu 2 miền đã rục rịch sáng đèn trở lại để phục vụ khán giả. Trên trang fanpage và poster sân khấu Lệ Ngọc chính thức thông báo lịch tái ngộ khán giả Thủ đô với liên tục các vở diễn: Thị Nở - Chí Phèo, Làm Vua, Dế Mèn, Nước mắt của mẹ,…
Vốn là sân khấu xã hội hoá đầu tiên tại miền Bắc, sân khấu Lệ Ngọc của NSND Lệ Ngọc từ lâu được đánh giá là ăn khách nhất nhì sân khấu kịch phía Bắc, cứ ra vở là cháy vé.
Đơn cử như vở Dế Mèn, vở Làm Vua được dựng và công chiếu đầu năm 2021. Sau khi công chiếu, 2 vở diễn này trở thành “hiện tượng” sân khấu. Chỉ sau 10 ngày công diễn với hơn 20 đêm diễn liên tục không một hàng ghế trống.
NSND Lệ Ngọc cho biết, một năm sân khấu vẫn dựng từ 3 đến 5 vở. Năm 2021 chống dịch đầy khó khăn, sân khấu bà vẫn dựng thành công hơn 6 vở phục vụ khán giả khắp cả nước.
Trong tình hình dịch Covid-19, NSND Lệ Ngọc tự tin khẳng định bản thân không lạc quan thái quá vì biết mình đang đi đúng hướng. Bà tin chắc rằng sân khấu Lệ Ngọc ra vở nào sẽ cháy vé vở đó.
Khắt khe từ khâu lựa diễn viên, chọn kịch bản
Giữa sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình giải trí, nghệ thuật. Sân khấu muốn thu hút khán giả ắt hẳn phải hiểu thị hiếu người thưởng thức. Giống như cách nói của NSND Lệ Ngọc, món ăn đó phải được bày biện đẹp mắt và đồ ăn phải chất lượng. Với kinh nghiệm hơn 43 năm làm công tác quản lý, NSND Lệ Ngọc hiểu khán giả đang mong chờ điều gì từ mình.
Theo bà trùm sân khấu miền Bắc, vở “Thị Nở - Chí Phèo” dù đã làm hơn 200 đêm diễn mà khán giả vẫn đòi xem. “Vở cứ ra là cháy vé. Mọi người hỏi tôi vì sao cháy vé, tôi đùa rằng: Mỗi người đến xem đều được đưa tiền đi taxi và về ăn phở”, NSND Lệ Ngọc chia sẻ.
Công thức hút khách tại sân khấu Lệ Ngọc đến từ sự đa dạng và phong phú trong các chủ đề, không khu biệt đối tượng khán giả. Đơn cử như “Dế Mèn”, “Thị Nở- Chí Phèo” là vở lấy từ chất liệu văn học, “Làm Vua” lấy từ chất liệu sử học, "Sự tích Bà Chúa Ba" chất liệu sử thi, “Cuộc chiến COVID” lấy chất liệu từ thời cuộc đương đại; vở "Sự tích Bà Chúa Ba" (tác giả: Lệ Dung, đạo diễn NSND Lê Hùng) lại nói về đề tài lịch sử tâm linh…
Tựu chung, các vở diễn toát lên tinh thần “dấn thân” của một đơn vị sân khấu tư nhân có phần sinh sau nở muộn. Giới chuyên môn đánh giá cao sự bứt phá của một sân khấu xã hội hoá phía Bắc dám vươn mình ra ngoài khuôn khổ truyền thống, cố hữu lâu đời.
Bên cạnh đó, NSND Lệ Ngọc tôn sùng giá trị nghệ sĩ “độc tôn”. Quan điểm của bà khi chọn diễn viên phải đậm đặc kịch nói, vì kịch nói phải tròn vành rõ chữ, thể hiện một cách bản lĩnh, trí tuệ khi đứng trực tiếp trước đám đông, khác với các con đi diễn phim trên truyền hình được quay nhiều lần, được sửa công nghệ, đấy là sức hút của sân khấu vì được tiếp xúc trực tiếp với khán giả vì thấy họ khóc, cười.
Sự thành công của một sân khấu có tuổi đời non trẻ một phần đến từ yếu tố người lãnh đạo. Không thể không kể đến đóng góp quan trọng của nghệ sĩ Văn Hải, Giám đốc sản xuất, chỉ đạo nghệ thuật của hàng loạt vở diễn gây sốt tại sân khấu Lệ Ngọc. Ông cũng gây ấn tượng mạnh khi có duyên với vai diễn “làm vua”. Sự tinh quái ở nghệ sĩ Văn Hải bên cạnh lối diễn là vai trò sản xuất. Trong cách chọn vở diễn, ông luôn khó tính. Tiêu chí chọn vở sẽ là những gì thuần Việt nhất. Nghệ sĩ Văn Hải cho rằng, vở thuần Việt là bản sắc văn hoá cái cốt lõi của sân khấu Việt Nam.
Cuối năm 2019, Sân khấu Lệ Ngọc bắt đầu đưa nghệ thuật kịch Việt Nam đến trời Âu với đêm diễn Thị Nở - Chí Phèo đầu tiên tại nhà hát GHIONE nước Ý. Không ồn ào và mãnh liệt, vở Thị Nở - Chí Phèo nhẹ nhàng đi vào trái tim khán giả Ý.
Hiện hai vở Thị Nở- Chí Phèo và Làm Vua hiện tại đang được sân khấu Lệ Ngọc đem tham dự Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc do Bộ Văn hoá và cục nghệ thuật, Hội nghệ sĩ sân khấu tổ chức tại Hải Phòng. Các vở diễn ăn khách như Dế Mèn, Nước mắt người mẹ cũng được khai thác tại sân khấu Lệ Ngọc trong tháng 11 tới đây tại Thủ đô.
Có thể khẳng định, thành công của một sân khấu xã hội hoá hàng đầu miền Bắc là minh chứng cho việc thích nghi và đổi mới sẽ là cách duy nhất để sân khấu luôn sáng đèn.