Suy tư chuyện phố

Phạm Văn Tình

20/01/2022 21:24

Theo dõi trên

Họ thường chở đến từ một nơi tôi không rõ. Có thể từ chợ đầu mối hoặc từ một vùng quê. Nhưng ở đâu thì cũng khá xa và rất xa.

chuyen-pho-luc-mua-1642688486.jpg
Cảnh bán buôn tấp nập ở phố

Sáng nay (20/1/2022), gần sáng tỉnh dậy, bỗng nghe tiếng mưa tí tách ngoài hiên. Dù nằm trong chăn, tôi vẫn cảm thấy lạnh hơn một chút. Mở cửa sổ đưa tay ra, hứng phải mấy hạt mưa khá to rơi xuống.

Lên sân thượng nhìn thấy mây vần vũ trong một sắc trời mỗi lúc một u ám. Mưa không phải lúc nào cũng buồn. Nhưng mưa lạnh mùa đông thì đúng như tên gọi của nó “lạnh và có cảm giác trầm buồn”.

Những người nông dân trồng rau củ và những tiểu thương buôn bán rau cỏ sẽ vất vả hơn nhiều. Trước đây, tôi không đi bộ ban đêm mà chạy bộ ban sáng. Dậy sớm nghe đài và dậy sớm chuẩn bị đưa con đi học. Khoảng 5 giờ 30 phút hoặc gần 6 giờ sáng, tôi đã ra khỏi nhà chạy tản bộ. Vào lúc đó, trời còn tối đen. Nhưng những người bán rau quả, bán thịt, bán cá, bán đậu phụ… đã chuẩn bị “dàn hàng” la liệt trong các chợ cóc ngoài ngõ phố.

Họ thường chở đến từ một nơi tôi không rõ. Có thể từ chợ đầu mối hoặc từ một vùng quê. Nhưng ở đâu thì cũng khá xa và rất xa. Vì qua những người chở hàng (người nhà hay thuê cửu vạn), thấy rõ sự vất vả của họ: Mồ hôi lấm tấm, có khi nhỏ giọt trong những khuôn mặt lam lũ. Các xe máy hàn khung sắt rộng chứa hết cỡ hàng hóa. Cồng kềnh nhất là các loại rau. Rau các loại (bắp cải, su hào, su su, cải xoong, cà chua, hành tỏi, rau thơm…), mỗi loại bọc trong một hoặc vài túi ni lông to đùng.

Nhìn mới phục họ buộc giỏi thật. Hai bên yên xe chất đầy, xòe ra hai bên ngang dọc. Thịt (chủ yếu thịt lợn) thì để cả con đựng trong bao tải. Đến nơi mới pha ra từng loại. Những hàng cá tươi cũng quá vất vả vì phải mau chóng đưa cá ra khỏi thùng khỏi bao đổ ra chậu nước (kẻo cá tôm sẽ chết, mất giá). Trong ánh sáng đèn đường nhá nhem sắp tắt, mọi người hối hả bày biện hàng họ ra “nghênh tiếp” các thượng đế (mà chỉ một lát nữa thôi là sẽ đông dần, với tiếng mặc cả, mè nheo và chê bai).

Bình thường đã vất vả. Nhưng vào những lúc mưa gió thế này thì sự vất vả tăng lên bội phần. Vì phải mặc áo mưa che cho người và che cho hàng bán. Mưa trơn khó đi. Tôi không ít lần phải giúp đỡ các tay xe ôm lúng túng không đưa chân xuống gạt chân chống của xe (vì bị vướng các bọc rau to đùng, choán hết không gian phía dưới). Thậm chí có lần chủ xe gạt chưa hết “ngữ”, khi ngả xe để xuống, chân chống oãi ra làm cả xe đổ kềnh. Trời vẫn mưa làm cho các thao tác thêm khó khăn, vất vả. Quả thật, bán được đồng rau lấy chút lãi thì “công trình kể biết mấy mươi”.

Lẽ ra không phải nhiệm vụ và cũng chưa phải lúc tôi đi chợ, nhưng nhiều lần tôi cũng dừng lại mua “mở hàng” cho mấy bà chủ bán cá, bán thịt hay bán rau. Tôi nhớ ngày xưa, mẹ tôi và các bà ở quê cũng phải thức dậy khi trời “còn đêm tối đất”, gánh rau đi các chợ xa (có khi gần chục cây số) để “xí chỗ” (không sẽ không có chỗ ngồi) và để bán sớm còn về cho kịp ra đồng trồng cấy. Trong bài thơ tặng cậu em họ cưới vợ ở quê (Yên Thắng, Ý Yên, Nam Định) năm 1986, có mấy câu nói về bà mẹ chồng của cô con dâu mới:

Chúng mình sẽ nói cùng nhau

Mẹ già mưa nắng dãi dầu đó em

Chợ Đồi một tháng chín phiên

Cây rau cũng phải thức đêm với người.

Nhà nông thời đại nào cũng rất vất vả.

 

Bạn đang đọc bài viết "Suy tư chuyện phố" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn