Tác giả Quốc ca Na Uy Bjornstjerne Bjorson

Nhà thơ, nhà văn lừng lẫy Bjornstjerne Bjorson (1832 –1910) là tên tuổi nổi bật của Na Uy. Ông đứng trong hàng ngũ những tác giả nổi tiếng nhất văn học thế giới thế kỷ XX khi đoạt Nobel Văn học năm 1903.
nha-van-bjornstjerne-bjorson-1639057583.jpg
Nhà văn Bjornstjerne Bjorson. Ảnh internet

 

Ở đất nước Na Uy, ông nằm trong số bốn tên tuổi hàng đầu trong lịch sử văn học đất nước này. Tứ trụ ấy bao gồm: Bjornstjerne Bjorson, Henrik Ibsen, Jonas Lie và Alexander Kielland. Họ là những người xuất sắc trong lĩnh vực của mình. Với Bjornstjerne Bjorson, ông không chỉ mang vinh dự về cho tổ quốc là giải Nobel Văn học, ông có vinh dự là tác giả của bài thơ được chọn làm quốc ca của đất nước Na Uy. Bài quốc ca ấy mang tên: Ja, vi elsker dette landet (Vâng, chúng ta yêu đất nước này); bài thơ được nhạc sỹ Rikard Nordraak phổ nhạc.

Trước khi biết đến bài Quốc ca với giai điệu hùng tráng này, tôi biết đến Bjornstjerne Bjorson qua truyện ngắn “Người cha” do dịch giả Ngô Bích Thu dịch, trong tuyển tập “Truyện ngắn đặc sắc các tác giả được giải thưởng Nobel”. Đây là truyện ngắn có dung lượng ngắn, dễ hiểu, ám ảnh. Truyện kể về một ông bố mang tên Thord Orerass, một người đàn ông giàu có và thế lực nhất trong một xứ đạo. Ông ta có mấy lần gặp cha xứ để giải quyết các việc riêng.

Lần gặp thứ nhất, ông vui vẻ khoe vợ ông vừa đẻ con trai và muốn làm lễ rửa tội cho cậu bé tên Finn. Ông muốn làm lễ rửa tội riêng cho một mình cậu bé vào ngày thứ bẩy. Cha xứ trân trọng, nhìn vào mắt ông bảo: “Ơn Chúa! Thằng bé có thể sẽ là phúc lành đối với ông”.

Lần gặp thứ hai, là vào 16 năm sau, Thord Orerass vui vẻ nói với cha xứ về mong muốn làm lễ Thêm sức (biên tín?) cho cậu bé Finn. Ông khoe cậu bé thông minh sáng dạ, và được cha xứ ưu ái cho số thứ tự số một vào ngày lễ cho cậu bé.

Lần gặp thứ ba, vẫn trong tâm trạng vui vẻ, Thord Orerass khoe cậu bé Finn yêu quý của ông sắp cưới cô Karen Storliden con gái ông Gudmund giàu có. Mấy lần gặp Thord Orerass đều cảm ơn cha xứ bằng một ít tiền mặt.

Trong lần sửa soạn cho đám cưới cho con trai, hai cha con Thord Orerass và Finn đã chèo thuyền qua hồ nước để đến với nhà cô Karen Storliden. Thật không may, khi đang chỉnh tấm ván bị kê lệch, Finn đã bị trượt chân và ngã xuống hồ. Người cha không tin vào mắt mình. Một đoạn văn mà Bjornstjerne Bjorson đặc tả: “Ba ngày ba đêm liền người ta nhìn thấy Thord chèo thuyền quần đảo trên hồ để tìm xác con, không ăn không ngủ. Mãi rạng sáng ngày thứ ba ông ta mới tìm thấy”.

Lần gặp thứ tư, có lẽ đến một năm sau tai nạn thương tâm của con trai, Thord Orerass đến gặp cha xứ. Lần này, ông tiều tụy, lưng còng, tóc bạc tới mức cha xứ không thể nhận ra ông. Những đau thương mất mát vẫn chưa hết nguôi ngoai trong cõi lòng người cha. Ông đưa cho cha xứ một gói tiền lớn, là giá trị của nửa khu vườn nhà ông, với hy vọng giúp đỡ cho những người nghèo. Kết thúc câu chuyện là hai giọt nước mắt to tướng lăn xuống trên gò má người cha mất con.

Truyện ngắn kết thúc ở đó, gợi mở những chiều kích thẳm sâu về tình cha con, tình ruột thịt. Những tâm trạng tột cùng của hạnh phúc khi sinh con, chăm sóc con khôn lớn cho đến nỗi đau không gì lớn bằng khi tận mắt nhìn thấy cái chết của con trai mà không thể cứu được đã được Bjornstjerne Bjorson miêu tả ngắn gọn, dễ khiến những người trong hoàn cảnh tương tự rơi nước mắt.

Bjornstjerne Bjorson là con trai của một mục sư. Ông sinh ra tại Kvikne, mấy năm sau gia đình ông chuyển đến phía tây của Na Uy là vùng Romsdal và theo học tại trường Modle.  Năm 1849 ông đến Christiana (nay là Oslo) và có gặp gỡ với nhà viết kịch lừng danh Henrik Ibsen, người có nhiều ảnh hưởng tới sáng tác của ông sau này.

Năm 1852 ông theo học tại trường Đại học Christiana và bỏ học sau đó không lâu, sau đó ông góp phần ra tạp chí Illustreret Folkebladet, sau này ông tiếp tục đứng đầu tờ nhật báo buổi chiều Aftenbladet. Tài năng của ông được thể hiện ở nhiều thể loại từ thơ đến tiểu thuyết, kịch... Lĩnh vực nào ông cũng để lại dấu ấn lớn. Cuộc đời ông có nhiều chuyến đi các nước như Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Italia…nên đó là những trải nghiệm quý báu cho sự nghiệp sáng tác của ông.

Các tập thơ tiêu biểu của ông có: Digte og Sange (Thơ và những khúc ca, 1870), trường ca sử thi Arnljot Gelline (1870). Tiểu thuyết có:  Det flager i Byen og paa Havnen (Những lá cờ bay trên thành phố và bến cảng, 1884), Pa Guds Veje (Trên con đường của Chúa, 1889). Kịch tiêu biểu có: Mellem slagene (Giữa các trận chiến, 1858), Halte-Hulda (Hulda Thọt, 1858), En glad gut (Anh chàng vui tính, 1860), Kong Sverre (Vua Sverre, 1861), Sigurd Slembe (Sigurd hung bạo, 1863), Maria Stuart i Skotland (Maria Stuart của Scotland, 1864)…

 

Bài Ja, vi elsker dette landet (Vâng, chúng ta yêu đất nước này), bản dịch của dịch giả Nguyễn Viết Thắng:

 

“Vâng, chúng ta yêu đất nước này

Yêu xứ sở mà từ đây

Có dải đất gồ ghề trên mặt nước

Với ngàn vạn ngôi nhà

Với tình yêu mà ta có được

Từ những người cha người mẹ của ta

Và từ những câu chuyện đêm xuất phát

Những ước mơ trên mặt đất của ta.

Và từ những câu chuyện đêm xuất phát

Những ước mơ trên mặt đất của ta.

Đất nước này do vua Harald thống nhất

Bằng đội quân của những anh hùng

Và nơi này vua Hakon đã hát

Những câu hát của Eyvind.

Và vua Olav đã dùng máu của mình

Vẽ hình núi non lên cây thập ác

Để rồi vua Sverre tiếp bước                   

Chống lại đội quân của thành Rôm

Những nông dân mài dao kiếm của mình

Cho thật sắc để đi vào trận đánh

Khi Tordenskiold tiến vào bờ biển

Đội quân với khí thế ầm ầm

Thì những người phụ nữ cũng đứng lên

Cùng với đàn ông sát cánh

Họ không khóc mà dũng cảm

Chiến đấu với giặc đến cùng!

Quả thật chúng ta có ít quân

Nhưng dù sao vẫn đủ

Để làm cho quân thù khiếp sợ

Bằng khí thế oai hùng

Chúng ta thà đốt cháy quê hương

Cũng còn hơn thất bại

Và lòng tôi bồi hồi nhớ lại

Những chiến công ở Fredrikshald!

Nhưng đến một thời nhiễu nhương

Với những điều tai họa

Và Tự do với đôi mắt xanh

Đã sinh ra khi đó.

Với Tự do thì chuyện gì cũng dễ

Dù đói khát, chiến tranh

Dù cái chết – với danh dự của mình

Tự do đã làm tất cả.

Rồi kẻ thù đã vứt vũ khí của mình

Và tấm khiên che mặt

Anh ta vội vàng ra gặp

Và chào đón người anh em

Không xấu hổ, chẳng ngượng ngùng

Cùng nhau đi về phương nam

Bây giờ ba anh em thống nhất

Bền vững đến muôn năm!

Đất nước Na Uy vinh quang

Xin cám ơn Người, Thiên Chúa!

Trong những tháng ngày gian khổ

Người đã rủ lòng thương.

Những người cha đã đấu tranh

Và những người mẹ hiền đã khổ

Nhưng nhờ ơn Thiên Chúa

Xứ sở này giờ đã bình yên.

Vâng, chúng ta yêu đất nước này

Yêu xứ sở mà từ đây

Có dải đất gồ ghề trên mặt nước

Với ngàn vạn ngôi nhà.

Và sẽ mãi còn như thuở ông cha

Chúng ta luôn cần chiến thắng

Và chúng ta sẽ bước vào trận đánh

Cho hòa bình trên xứ sở của ta!”