Tấm ảnh cô văn công (Kỳ 6); Đón Giao thừa ở Trường Sơn

Tống Hồng Quân

10/01/2024 08:56

Theo dõi trên

Năm 1974 Mỹ đã rút, không còn B52 trải thảm, không có pháo bầy và máy bay rải chất độc da cam nhưng con đường Trường Sơn vẫn nguy hiểm, gian khổ vô cùng.

Đường rừng đèo dốc quanh co, ổ bò, ổ trâu ổ voi chứ không ai gọi là ổ gà. Nắng thì bụi đỏ cả góc trời khi đoàn ô tô đi qua. Mưa thì đất nhão nhoét, trơn tuột. Bánh xe quay tít, cháy cao su bốc khói khét lẹt mà không qua được chỗ đường sụt.

dt1-quan1-1704851473.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Đoàn của cô đi vào mùa khô nên xe đi dễ hơn, nhanh hơn. Sau hơn chục tiếng ngồi trên xe mệt, say lử, nôn thốc nôn tháo mới đến binh trạm. Mệt nhưng còn sướng bằng vạn khi cô bắt đầu phải hành quân bộ.

Cô nhớ đoạn hành quân bộ. Cô mệt lả, lết chân trên đường, nước mắt lã chã:

- Mẹ ơi, con mệt quá, con chết mất!

Tấm thân con gái thành thị đang tuổi học trò ẻo lả phải cõng ba lô nặng hơn 30kg, hai bên còn hai ruột tượng gạo, mỗi cái năm sáu kg và chiếc ba lô con khác đựng " Hành trang riêng của văn công là Đồ hóa trang". Tổng trọng lượng các thứ phải mang có lẽ gần bằng trọng lượng mảnh mai 48kg của cô. Khi cô ngã gục xuống, các chị lại xốc lên vừa động viên vừa dọa:

- Cố lên cô bé! Đã bảo ở nhà cho sướng còn cố đòi đi. Vào đến đây không quay lại được đâu. Mà quay lại cũng chẳng biết đường về. Cọp báo vồ ăn thịt, biệt kích bắt cóc mang về Sài Gòn ngay. Cô gạt nước mắt, đứng dậy lết đi tiếp. Các chị nói đúng, mình đã định cắt tay lấy máu viết đơn tình nguyện và hứa với chú trưởng đoàn mà bây giờ lại nhụt trí thế ư?

Tuổi trẻ tính khí như thời tiết, lúc nắng, lúc mưa. Được nghỉ mươi phút cô khỏe lên lại thấy vui, miệng lại như tép nhảy, chuyện trò với các anh các chị trong đoàn. Miệng cô lầm rầm bài ca:

- Trường Sơn ơi, ta đến với người với cả yêu thương, Trường Sơn ơi!

Đến trạm nghỉ, đoàn hạ trại nấu ăn. Cô nhanh nhẹn lấy nồi, dốc gạo trong ruột tượng của mình mang ra suối vo. Mọi người khen cô nhanh nhẹn tháo vát. Còn cô thì tủm tỉm cười, lấy gạo của mình trước thì gánh nặng trên vai đỡ đi.

Cô không biết những năm trước hiệp định Pari bom đạn dữ dội thế nào, còn bây giờ đúng như câu hát " Đường ra trận mùa nay đẹp lắm" vì thật đông vui tấp nập. Bộ đội đi vào còn hồng hào tươi tắn. Bộ đội đi ra nhìn thương quá. Màu chủ đạo trên khuôn mặt họ là tái, thâm. Thân hình gày guộc. Nhiều anh bị thương nặng phải cáng. Nhiều anh chống gậy lò cò đi từng bước nhọc nhằn. Lạ thay tuy tàn tạ, gày guộc, mệt mỏi nhưng ánh mắt họ sáng ngời. Quê hương, người thân bao nhiêu năm xa cách gần lắm rồi. Cô rớt nước mắt. Cô và các anh chị trong đoàn hát cho họ nghe. Chị Nguyên, chị Thìn, chị Hiền đứng cạnh cáng thương hát mà nước mắt chảy ròng trên má!

Cô là diễn viên múa nên chẳng thể múa ngay được. Cô đan tay vào tay người thương binh vỗ về:

- Sắp đến miền Bắc rồi anh ơi! Cố lên, mẹ anh đang đợi! Chẳng biết anh có nghe thấy không vì đầu anh băng kín mít. Máu từ vết thương vẫn rỉ ra. Bên khóe mắt nhắm nghiền, nước mắt ứa ra thành dòng.

Hôm Hành quân đến trạm rừng Bù Đốp Tây Ninh, thấy một khúc gỗ mục, cô định bê ra mép đường để kê ba lô khỏi bẩn bụi. Khi vừa chạm tay vào khúc gỗ, cô bỗng hét lên đau đớn và ngã vật xuống đất. Các anh chị hoảng hốt xô lại. Chị Bích Thảo luống cuống lay, hỏi:

- Em làm sao thế?

Chị Nguyên gọi anh Bái trưởng đoàn:

- Anh Bái ơi! Em Thảo bị sao thế này! Anh lại đây đi!

Các anh con trai ào đến.

Chị Bích Thìn mếu máo:

- Vừa thấy con bé nhanh nhẹn, ríu rít mà sao giờ lại bị thế này?

Cô cứ đập tay, day tay xuống đất, mắt trợn ngược, miệng sùi bọt mép, miệng ú ớ định nói gì đó mà không thể được.

Mấy người ở trạm chạy tới. Họ bảo:

- Đồng chí này bị Bò cạp đốt rồi. Đưa đi cấp cứu ngay kẻo nguy kịch. Nọc chạy lên làm co cơ tim. Tim không đập nữa là chết!

Một anh trong đoàn sốc cô lên lưng chạy. Một số chạy theo lên trạm y tế, còn lại họ tìm con bọ cạp để trả thù cho cô và lấy ruột nó chạy theo bôi vào nốt nó cắn. Theo kinh nghiệm, bị bò cạp đốt, tìm giết ngay lấy ruột bôi vào vết cắn sẽ đỡ nhiều.

Vợ chồng anh chị Bích Thảo - anh Tín chạy theo, chị vừa khóc vừa nói:

- Thảo ơi mày đừng chết nhé. Hôm đi bố mẹ mày gửi mày cho tao. Mày mà chết thì tao cũng chết theo thôi. Tao biết nói thế nào với bố mẹ mày đây?

Chú Bái trưởng đoàn chạy vượt lên túm luôn trạm trưởng hổn hển nói:

- Cứu, cấp cứu cô Văn công trẻ này, giúp chúng tôi với!

(Còn tiếp)

Ngày 6 tháng 11 năm 2023.

T.H.Q

Bạn đang đọc bài viết " Tấm ảnh cô văn công (Kỳ 6); Đón Giao thừa ở Trường Sơn" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn