I
Khoảng cuối năm 1997: Tôi, với tư cách là Phóng viên báo Cựu chiến binh Việt Nam, đến tìm hiểu về phong trào thi đua của Hội Cựu chiến binh Cảng Sài Gòn. Tôi may mắn được gặp Trung tá bác sĩ cựu chiến binh Trương Thị Mai. Qua những câu chuyện kỷ niệm về thời chiến tranh chống Mỹ, chị đã tặng tôi tấm ảnh và kể cho tôi câu chuyện liên quan tới tấm ảnh vô giá này.
Các bạn thấy không? Cô bé đứng bên cạnh người cha trong tấm ảnh cách nay 65 năm chính là Bác sỹ Trương Thị Mai ngày còn nhỏ đó.
Chị kể rằng: Đầu năm 1952, vào một đêm tối trời, đội du kích của ông Hùng (ba Mai) đang họp tại nhà thì bất ngờ có một trung đội địch ập đến. Lúc đó chị Hiền (mẹ của Mai) đang cảnh giới, phát hiện địch đã đến quá gần, liền báo động để đội du kích kịp chạy thoát vào rừng cao su. Điên tiết vì bị mất “con mồi” to, bọn địch lùng sục cả ngoài vườn, trong nhà. Chúng phát hiện ra căn hầm bí mật chứa hàng chục khẩu súng và hàng ngàn viên đạn. Bọn địch đã xả súng, giết chết chị Hiền và cháu Hiếu con chị chưa đầy 2 tuổi ngay trên miệng hầm. Đêm hôm đó cả ấp trùm lên không khí đau thương tang tóc. Mai cứ xà vào ôm xác mẹ và em mặc cho dòng máu của mẹ thấm đẫm quần áo em, mặc mọi người ngăn cản. Sáng hôm sau bà con trong ấp phải đứng ra mai táng cho cả hai mẹ con chị Hiền. Trong ngày đau thương này anh Hùng vì sợ bị địch bắt nên cũng không thể về làm đám tang cho vợ con. Bé Mai từ đó được bà con thân thuộc nuôi dưỡng…
Cuối năm 1955, từ huyện Củ Chi quê hương mình, Mai được chú Ba Thịnh đưa lên xe đò đi gần cả một ngày đường mới tới một cánh rừng rất âm u thuộc tỉnh Tây Ninh để được gặp ba. Tại khu rừng này, Mai được sống với ba những ngày thật hạnh phúc, được các cô chú bộ đội chăm sóc nuông chiều. Bữa ăn trong khu căn cứ chỉ có gạo hẩm, rau rừng và đôi khi có những con cá suối do các chú bộ đội câu được, nhưng các cô chú thường dành cho Mai những khúc cá ngon nhất.
Vào một buổi sáng đẹp trời, ba dẫn Mai ra ngoài bìa rừng trong ánh bình minh chói chang. Ba nhờ một chú bộ đội chụp cho hai cha con tấm ảnh làm kỷ niệm.
Khi có tấm ảnh trong tay, ba lại dẫn Mai ra bìa rừng chơi. Ba tìm một cây gỗ đổ từ lâu làm chỗ cho hai cha con ngồi. Sau đó ba đưa tấm ảnh cho Mai xem và nói:
- Con à, năm nay con cũng tròn 10 tuổi rồi. Theo Hiệp định đình chiến thì sau hai năm nước ta sẽ có Tổng tuyển cử, đất nước sẽ thống nhất, có Hòa bình thực sự. Nhưng theo nhận định của cấp trên thì bọn Mỹ và tay sai sẽ phá Hiệp định và không chịu Tổng tuyển cử. Do đó hai miền Nam Bắc chưa thể thống nhất ngay được mà còn phải trải qua một quá trình đấu tranh gian khổ lâu dài. Từ đó Nhà nước có chủ trương đưa một số con em của những người tham gia kháng chiến ra miền Bắc học tập để có trình độ học vấn sau này trở về miền Nam xây dựng quê hương. Ba bây giờ chỉ còn mình con là ruột thịt, để con đi cũng như ba tự cắt đứt khúc ruột của mình, nhưng vì tương lai của con nên ba không còn cách nào khác.
- Ba ơi! Miền Bắc ở đâu, có xa không, mấy tháng thì con lại được gặp ba một lần?
- Miền Bắc xa lắm con ơi, xa gấp hàng trăm lần đường từ Củ Chi đến nơi này. Trong những năm con ra miền Bắc học tập thì cha con không thể gặp nhau được. Chỉ khi nào con học xong và trưởng thành, khi đó nếu đất nước còn chiến tranh thì con có thể về lại miền Nam tham gia chiến đấu, hoặc khi đó đã Hòa bình thì con trở về xây dựng quê hương.
- Ứ. Miền Bắc xa như vậy thì con không đi đâu. Con không thể sống thiếu ba được.
- Cấp trên đã quyết định rồi, không thể thay đổi được. Ra miền Bắc chuyến này còn có một số bạn nam nữ ngang độ tuổi con. Ba chỉ thương con đi bộ đường dài và thiếu thốn gian khổ. Ra Bắc con sẽ có đồng bào miền Bắc nuôi dưỡng, che chở, thương yêu. Ba tin ngày Bắc Nam thống nhất cũng không còn xa lắm. Nhất định cha con ta sẽ có ngày đoàn tụ. Tiễn con lên đường, cha con ta chỉ còn tấm ảnh kỷ niệm này. Khi con trở lại quê hương chưa chắc gì con sẽ được gặp ba ngay, vì chiến tranh, vì nhiệm vụ đặc biệt của ba, ba không nói trước được điều gì thật chắc chắn. Ba xé đôi tấm ảnh này để con giữ phần đầu tấm ảnh và ba giữ phần chân. Ba sẽ đưa nửa tấm ảnh ba giữ cho một người tin tưởng nhất ở quê nhà. Khi trở lại quê hương con chỉ cần hỏi ai giữ nửa tấm ảnh ba trao và con lấy nửa tấm ảnh con đang giữ chắp vào phần đuôi ảnh mà khớp thì người đó sẽ chỉ cho con biết ba đang ở đâu.
Nói rồi ông Hùng xé luôn tấm ảnh làm đôi đưa cho Mai một nửa.
II
Sau ngày tiễn Mai lên đường ra miền Bắc học tập, ông Hùng lại nhận nhiệm vụ đặc biệt. Cấp trên điều ông về công tác ở đội Biệt động Thành Sài Gòn. Ông đóng vai một thường dân lao động tự do. Nhưng cái khó nhất với ông lúc này là cấp trên yêu cầu ông phải gấp rút lấy vợ để có một cơ sở hoạt động công khai vững chắc trong nội thành. Người vợ tương lai của ông cũng do tổ chức giới thiệu nên chẳng bao lâu kể từ buổi đầu tiên gặp “người tình” hai người đã nên vợ nên chồng. Chỉ sau hơn một năm, vợ ông đã sinh hạ cho ông cậu con trai kháu khỉnh. Niềm hạnh phúc của họ như được nhân đôi. Ông Hùng mua căn nhà nhỏ trong hẻm cho vợ con ở và mở quán bún bò bán cho bà con lối xóm. Còn ông thì có lúc đi làm thợ hồ, làm thợ sửa hầm cầu, làm người lái xe ôm... Ngoài nhiệm vụ theo dõi tình hình hoạt động của địch ông còn ngày đêm kiên trì đào từ dưới gầm giường vợ một căn hầm bí mật để dần dần đưa súng đạn và thuốc nổ về cất giấu. Căn hầm được ông âm thầm đào suốt hai năm trời. Bí mật đem đất đi đổ rồi lại bí mật đưa từng cân xi măng sắt thép về làm căn hầm kiên cố để có thể chứa được hàng tấn vũ khí mà không bị ẩm ướt, không bị lộ. Đêm đêm ông như con kiến tha vật liệu về xây tổ.
Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân ta mùa xuân năm 1968, Theo lệnh cấp trên, do tình hình khẩn trương, ông đưa bộ đội giải phóng đến tận nhà khui nắp hầm, chuyển toàn bộ số súng đạn phục vụ chiến đấu. Không biết từ nguồn tin nào chỉ 30 phút sau khi quân giải phóng đưa vũ khí đi thì hàng chục binh lính địch ập đến nhà ông. Chúng bắn chết vợ và đứa con trai gần 2 tuổi ngay trên miệng hầm bí mật rồi phóng hỏa đốt căn nhà. Vừa về đến đầu con hẻm Hùng đã hiểu sự tình và ông vội vàng quay đầu chạy thoát...Đi được một đoạn trà trộn được vào dòng người trên đường phố, vì thương xót vợ con ông lại quay về. Có lúc ông muốn lao vào ôm xác vợ con lần cuối rồi muốn ra sao cũng được, nhưng ông lại nhìn thấy bọn lính như lũ diều hâu đang soi mói rình mò. Ông trấn tĩnh và suy nghĩ: “Bây giờ mình xuất hiện trong đám tang thì nhất định sẽ rơi vào tay giặc, không những không hoàn thành nhiệm vụ mà còn rất dễ làm cho đường dây công tác bị bại lộ. Ông đành nuốt nước mắt vào lòng từ biệt vợ con... Ông trốn chui trốn lủi vào khắp các ngõ ngách, nhà ổ chuột ở Sài Gòn, nhưng cũng chỉ sau một thời gian ngắn, do hoạt động trong màng lưới mật thám dày đặc của địch nên ông đã bị bắt. Trước những đòn tra tấn dã man của địch, ông chết đi sống lại nhiều lần nhưng nhất định không khai nửa lời. Cuối cùng chúng không lấy được lời khai nào của ông nên đã khoét của ông một con mắt...
III
Sau ngày ba xé tấm ảnh trao cho Mai một nửa, Mai đành khoác chiếc túi vải đựng mấy bộ quần áo do ba chuẩn bị sẵn lặng lẽ đi theo các cô chú giao liên lên đường ra miền Bắc. Chỉ đi được nửa ngày mà đôi chân Mai đã sưng húp, không bước nổi. Mai cố gắng kìm nén mà tiếng khóc vẫn bật ra. Sau đó các cô chú giao liên phải thay nhau cõng Mai băng rừng vượt suối hơn ngàn cây số để tới được miền Bắc.
Mai được đưa về trường học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Những năm tháng được học tập và sinh sống trên mái trường miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, Mai được các thầy cô tận tình dạy bảo và được bà con cô bác hết mực yêu thương. Mai quen dần với cuộc sống nơi học tập và dần bớt đi nỗi nhớ ba, nhớ quê hương Củ Chi đất thép. Mai chỉ mong học tập thật giỏi để mau được trở lại miền Nam tham gia chiến đấu cùng ba và bà con cô bác.
Thời gian qua nhanh như con thoi. Mai lần lượt học xong chương trình phổ thông rồi Mai thi đậu vào trường Đại học Y Hà Nội. Những năm giặc Mỹ đưa máy bay đánh phá miền Bắc, trường phải đi sơ tán gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng Mai vẫn cố gắng học đạt loại giỏi. Năm 1972, khi vừa ra trường thì cũng là lúc ở miền Nam địch dồn sức mở chiến đich “tái chiếm Quảng Trị”. Mai nộp đơn xin vào ngành Quân y và được tuyển vào đoàn công tác đặc biệt đi phục vụ chiến trường. Mai nhanh chóng cùng đoàn có mặt tại chiến trường Quảng Trị giữa “Mùa hè đỏ lửa”. Ngày đêm Mai được góp sức cùng các y bác sĩ cấp cứu cho hàng trăm thương binh từ trong Cổ thành ra. Nhiều khi máy bay B.52 rải bom vào trạm phẫu thuật gây biết bao thương vong thảm khốc. Trong bom đạn Mai càng thương ba và các cô chú đang chiến đấu trên quê hương của minh...
IV
Tháng 10 năm 1975, sau bao ngày mong đợi, Trung úy bác sĩ Trương Thị Mai mới được nghỉ phép về thăm quê hương và tìm lại người cha kính yêu.
Việc hỏi thăm về nơi chôn nhau cắt rốn tại xã Thanh An, Củ Chi với chị không khó. Cái khó là tìm đâu ra người giữ nửa tấm ảnh mà ba chị đã gửi để trên cơ sở đó chị tìm được ba. Bao suy nghĩ hy vọng chờ mong trong những ngày chị từ miền Bắc bay vào Sài Gòn về với quê cha đất tổ.
Khi vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Mai vội bắt Taxi đi thẳng về Củ Chi. Sau mấy ngày hành trình vất vả, Mai đã chính thức đặt chân trên mảnh đất quê hương đầy máu và nước mắt, nơi kẻ thù đã giết mẹ và đứa em trai của chị. Mảnh đất sau chiến tranh chưa được phục hóa, còn lỗ chỗ hố bom đạn và cỏ dại mọc tràn lan.
Qua thăm hỏi những người bà con và dòng họ, Mai đã nhanh chóng tìm ra người giữ nửa tấm ảnh mà ba chị gửi gấm. Đó là chú Sáu Hồng. Mai vội rút từ trong va ly ra nửa tấm ảnh mà chị đã nâng niu cất giữ như báu vật suốt 20 năm qua, khớp vào nửa tấm ảnh ba chị gửi lại chú Sáu. Bao bà con cô bác đều rưng rưng xúc động khi chứng kiến giây phút hai nửa tấm ảnh được ghép lại.
Chú Sáu Hồng tiếp tục dẫn Mai tới nơi ba chị đang sinh sống. Cuộc hội ngộ cha con sau 20 năm biệt ly có đông đủ những người thân trong dòng tộc và bà con lối xóm. Ai nấy đều xúc động khi chứng kiến cảnh Mai ông chầm lấy ba và khóc ngất đi. Tỉnh lại Mai mới bình tĩnh ngắm thân hình già nua gầy guộc của ba và mới biết ba chỉ còn một con mắt.
ông Hùng trầm tư nói với con:
- Từ ngày con ra miền Bắc học tập ba ở trong này được cấp trên giao làm nhiệm vụ đặc biệt nhưng ai làm việc gì thì biết việc ấy “Sống để dạ, chết mang theo”, không được nói cho ai biết những gì ba đã làm. Bây giờ ba đã về nghỉ hưu nhưng những đồng chí cùng công tác trong đường dây của ba còn âm thầm hoạt động ở nhiều nơi. Trong thời gian hoạt động bí mật ba chỉ được liên hệ với ông Nguyễn Chí Thanh và ông Trần Văn Trà. Nay ông Nguyễn Chí Thanh đã mất, còn ông Trần Văn Trà đã chỉ thị cho Chính quyền huyện Củ Chi làm cho ba căn nhà ngói khang trang này và giải quyết các chế độ chính sách cho ba nên ba mới có cuộc sống yên bình như hôm nay. Ba được như này là quý lắm rồi. Nay lại được con trở về với ba là ba toại nguyện lắm. Ba không còn mong ước gì hơn nữa.
Ngay buổi chiều hôm cha con đoàn tụ, ông Hùng đã dẫn Mai ra nghĩa trang thắp hương cho hai người vợ và hai người con trai trai của ông đã bị giặc giết hại trong hai lần địch càn quét. Niềm đau thương lại khiến Mai ngất đi lần nữa.
Ông Hùng đứng trước những ngôi mộ của vợ con trầm ngâm suy nghĩ: “ Để đất nước hết giặc ngoại xâm và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ như ngày hôm nay, cả dân tộc Việt Nam đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ suốt ba mươi năm trời. Hàng triệu đồng bào, đồng chí đã ngã xuống, trong đó có hai người vợ và hai đứa con hết mực thương yêu của ông. Ngày hai cha con gặp lại nhau cũng là ngày tấm ảnh cách nay 20 năm ông xé ra đưa cho con một nửa trước khi đưa Mai ra miền Bắc học tập, nay được chắp lại trọn vẹn, Cũng như hai miền Nam – Bắc sau 20 mươi năm chia cắt nay đã được xum họp một nhà.
Theo Trái tim người lính
Trinh Duy Sơn
16:17 08/08/2021
Rất tâm đắc. Cảm ơn ban biên tập