Tấm ảnh xưa kể chuyện

Tống Hồng Quân.

04/08/2022 05:37

Theo dõi trên

Thằng Phú Tỉnh là lớp trưởng lớp 6A. Nó hơn chúng tôi đến 5, 6 tuổi nhưng không sao, lớp trường ở nông thôn mà. Trường thời sơ tán máy bay Mỹ rất đơn sơ. Lớp tôi núp dưới một bụi nứa to trong một hẻm đồi của xã Minh Bảo. 

tam-anh-ke-chuyen-xua-1659565829.jpg

Người bình thường đi rừng cách 10 m chưa chắc đã phát hiện ra lớp học chứ chẳng nói gì đến máy bay Mỹ. Một bên lớp là con suối nhỏ chảy róc rách ngày đêm. Gọi là lớp học nhưng nó giống cái lán hơn. Hai hàng bàn ghế đơn sơ. Bàn là một tấm gỗ dày 4, 5 ly chưa bào đặt lên 4 cọc chôn thẳng xuống đất. Ván bàn là của nhà thằng Cường Niệm cho mượn. À các bạn biết không? Thằng Cường niệm nguyên là Thẩm phán tòa Phúc thẩm Hà Nội đấy. 
Nó vẫn như ngày xưa: Trầm, ít nói hoặc kiệm lời. Có thể vì cái chất ấy mà nó học và thành một ngài Chánh án oai phong. Rất may!  cả lớp, cả trường không đứa nào phải nhờ vả nó. Ghế thì bằng một cây gỗ tròn vạt sơ sài làm mặt ghế. Bảng là những tấm ván ghép lại treo trên 2 cây gỗ bắt chéo hình chữ A có  vấu phía dưới để đặt bảng lên. Muốn bảng đen lũ con gái cạo nhọ nồi đít nồi, đít chảo trộn với lá khoai lang tươi chà sát nhiều lần lên thế là bảng đen nhánh. 
 Hai đầu lớp là hệ thống giao thông hào và hầm chữ A trú ẩn. Những ngày mưa, hầm, hào vũng nước. Mỗi khi có kẻng báo động chui vào hầm, lúc ra,  bùn đất đồi vàng bám đầy ống chân, quần áo. Phải xuống suối rửa mới vào học tiếp được.  Có hôm vừa xuống hầm bỗng có tiếng con gái ré lên hoảng hốt. Cô Châm chủ nhiệm hớt hải hỏi: 
- Em nào làm sao thế ? 
Có tiếng kêu sợ hãi: 
- Rắn, rắn cuốn chân! 
Thằng Phú lớp trưởng vớ cái gậy dài,  xô các bạn lao vào. Chú cạp nong nhỏ đang ngóc đầu, thè lè cái lưỡi nhỏ xíu nghênh chiến, sẵn sàng mổ vào đối phương. Thằng Phú vung một đường ngắn. Con rắn gãy gập lưng,  bật vào bờ hào trú ẩn. Phú dùng đầu gậy nâng nó lên mang ra ngoài. Cả lũ nhìn theo. Con gái thì sợ sệt, lè lưỡi. Con trai thì ngưỡng mộ, thán phục.

tam-anh-xua-1659565830.jpg
Hai ảnh trên do tác giả cung cấp


Kẻng báo yên, lớp học trở lại bình thường. Tiếng viết bảng rin rít,  tiếng chép bài lạo xạo lại vang lên. 
Xa xa lại vọng lại tiếng máy bay, lúc đầu ì ì rồi to dần, xé tai, ầm ầm như vạn mảnh tôn đổ. Cả lớp lại lao ra hầm, không quên chụp mũ rơm lên đầu. Tiếng pháo cao xạ của Trung Quốc nổ như ngô rang. Tiếng máy bay lao xuống cắt bom sèn sẹt. Chúng đang đánh ga Yên Bái hoặc phà Âu Lâu. Chỉ ít phút, tiếng lộp độp xuất hiện. Mảnh đạn! Mảnh đạn ngày đó cũng nguy hiểm như bom. Bom chỉ giết người trong phạm vi 50m trở lại , còn mảnh đạn - cái chết lặng lẽ trên trời rơi xuống sẵn sàng mang cái chết sau cả chục phút khi máy bay bay khỏi. Ai đi đường đều phải mang mũ rơm( mũ đan bằng rơm ) để tránh mảnh bom, mảnh đạn trên trời rơi xuống. 
Chẳng biết Yên Bái là mảnh đất gì mà máy bay Mỹ ngày nào cũng đánh phá. Năm trước chúng hủy diệt cả thị xã, các dãy phố từ cầu Yên Bái lên sân Căng đều cháy rụi. Trường y tế và bệnh viện bị đánh. Gần trăm bác sỹ, y sỹ bị chết vùi trong bom và nhà đổ. Chúng tôi phải đi sơ tán.  Tôi học cấp 2 ở trường Minh Bảo cách thị xã hơn 5km. 
Trên các đồi chè quanh thị xã, là trận địa pháo phòng không của lính Trung Quốc. Lính Trung Quốc đông lắm. Ngực họ đeo đầy huy hiệu Mao Chủ Tịch. Họ cho chúng tôi hàng vốc nói một tràng.  Chúng tôi hiểu là chia cho mọi người cùng đeo. Mấy thằng giặc bọn tôi vặt khuy phía sau huy hiệu, làm con đáo chơi đánh đáo thay đồng xu. Phú tỉnh rất giỏi, nó chọn nhóm nhiều Mao Chủ tịch nhất vung tay ném mạnh. Đám huy hiệu bung ra. Nó thắng, thằng Toàn nho thua, mặt đỏ bừng vì tức giận. 
Bom đạn khốc liệt cũng không làm mất đi tuổi thơ tinh nghịch của bọn tôi. Trên lớp cô giảng bài, ở dưới học sinh thò chân quờ dép đứa ngồi trên. Có lúc thì đá xuống suối, lúc thì dấu vào cặp đứa khác, thậm chí lại đút vào cặp chính đứa bị mất dép. Đầu têu vụ này là thằng Toàn xốm. Cứ nghĩ lại giờ tan học. Lớp trưởng Phú hô nghiêm, giải tán! Đứa góc này kêu:
- Ơ dép tao đâu rồi? Đứa góc khác kêu:
- Đứa nào nhét đôi dép bẩn thỉu vào cặp tao thế này. Lũ con trai cười ngất. Mấy đứa con gái bị mất dép, mặt đỏ dừ tức giận, lầu bàu chửi. Con Phương quắt, đáo để nhất lớn tiếng:
- Chỉ  bọn thằng toàn thằng Quân thôi mà. Cứ táng cho chúng một trận. Cái Phương cầm thước kẻ của cô giáo, cái Tị vớ mảnh nứa dập cùng mấy đứa nữa lao vào tấn công thằng Toàn xốm, Toàn xốm vừa cười vừa hét,  chỉ tay vào thằng Toàn nho. 
- Nó chứ không phải tao! 
Bọn con gái lại lao vào đánh thằng Toàn nho. Toàn nho nhảy phắt lên bàn, truyền từ bàn này qua bàn khác,  lè cái lười dài, đỏ lòe như lưỡi trâu liếm mũi:
- Lêu lêu đố mày đánh được tao! 
Cuộc truy đuổi của bọn con gái  thêm cả con Cường Đen, một đứa đanh đá nhất lớp. 
- Này thì dấu dép này! Này thì trêu con gái này! 
Âm thanh này, này ăn nhịp cùng cái thước vung lên, vung xuống, đánh đuổi khiến mấy thằng bỏ chạy de kèn. Thằng Châu gạt tay con Cường: 
- Sao mày đánh tao? Tao không dấu dép của mày. Lúc nãy tao thấy thằng Quân mở khóa cặp mày. Cái Cường lập tức mở cặp rồi tru tréo: 
- Mẹ cha chúng mày nhé! Bẩn hết cả vở bài tập của tao rồi.
Những trận cười ngả nghiêng, sảng khoái vang từ đầu lớp đến cuối lớp, làm tan biến cái đói quắt bụng và cái chết của bom đạn Mỹ thường xuyên  rình rập. 
Những năm bao cấp chỉ có cơm gạo hẩm độn khoai, sắn, mỳ sợi nên lũ học sinh tuổi 11 - 15 đều gày như mõ mương. Quần áo dặt một màu thẫm để tránh máy bay. Ở tuổi dạy thì mà Lũ con gái gày gò ngực bé như chúm cau. Lũ con trai thì lơ phơ vài sợi lông mao. Cả lớp chỉ có vài đứa lớn là Phú lớp trưởng. Chị Toán thọt và con Hạnh con bà mẹo ở km 5. Tôi nhớ con Hạnh da trắng, nở nang, có cái liếc sắc như dao cau. Đến lớp 7 nó nghỉ học lấy thằng Dân cùng lớp. chị Toán lớn nhất lớp. Năm ấy có lẽ chị 15, 16. Chị bị thọt, đi cứ tấp tểnh. Bọn tôi gọi chị là Toán thọt.  Chị là mục tiêu trêu ghẹo của bọn quỷ này. Chị đã mặc áo con, ngày ấy gọi là " su chiêng". Quai su chiêng hằn trên áo sau lưng. Tôi bàn với thằng Toàn nho, thằng Lợi còi lấy bút mực tô theo vệt dây áo con. Chị Toán khóc rưng rức vì tức, xấu hổ và tiếc của. Cô giáo phải về nhà lấy áo cho chị mượn đi về nhà. Cái áo phải vứt làm giẻ lau. Thời bao cấp có được cái áo lành lặn cũng khó khăn. Vụ ấy mấy thằng tai quái bọn tôi bị bêu tên, đứng trên bảng cả buổi và ghi học bạ. 
Con đường đi học về còn lắm chuyện: Đường nhỏ, vòng quanh, lồi lõm hằn vết chân trâu. Thỉnh thoảng lại có bãi phân trâu. Nếu phân khô thì không vấn đề gì, phân nát mới thích. Mấy  thằng quái đang đi,  giả vờ tuột quai dép, cúi xuống. Chỉ chờ bọn con gái đến gần, chúng cầm que quật mạnh vào bãi cứt trâu. Phân trâu bay tóe loe. Bọn con gái rú lên, giơ tay, giơ cặp, xoay nón che đỡ. Bọn quỷ vừa chạy vừa rú  cười thích thú. Bọn con gái vừa lau phân trâu trên người vừa chửi với theo:
- Mai tao sẽ tâu cô giáo cho chúng mày chết!
Bây giờ những học sinh năm ấy đã là ông bà nội ngoại. Đa phần ở lại quê hương, một số tha phương lập nghiệp. Nhờ internet và Smatphon,  họ tìm gặp nhau, buôn chuyện, ôn lại kỷ niệm ấu thơ. Họ bỗng thấy yêu hơn cuộc sống bởi hương vị của kỷ niệm xưa.

(Tặng các bạn U70 lớp cô Châm cấp 2 Minh Bảo, Trấn Yên - Yên Bái  thời kỳ 1965 - 1968 ).

(Còn tiếp)

Hà Nội tháng cô hồn 2022.

Trái tim người lính
 

Bạn đang đọc bài viết "Tấm ảnh xưa kể chuyện" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn