Cuộc đời của La Quán Trung ít được lưu truyền và sử sách cũng không ghi lại thật chi tiết cụ thể. Nhưng Quán Trung lại là người nổi tiếng, bởi vì ông chính là tác giả bộ tiểu thuyết trường thiên Tam Quốc Diễn Nghĩa. Ngoài bộ Tam Quốc, La Quán Trung còn viết mấy bộ truyện lịch sử Tùy Đường diễn nghĩa, và một vở tập kịch, nhưng không có gì đặc sắc bằng bộ Tam Quốc.
Tam Quốc Diễn Nghĩa là tác phẩm lớn nhất của La Quán Trung, tác phẩm này sau khi ra đời đã có nhiều bản in khác nhau. Khi biên soạn bộ Tam Quốc, ông đã dựa vào ba nguồn tài liệu chính: Trước hết là sử sách, đặc biệt là cuốn biên niên Tam Quốc Chí của Trần Thọ (người sống vào thời nhà Tấn 265 – 420), và cuốn Tam Quốc Chí của Bùi Tùng Chi (người sống ở thời Nam – Bắc triều 420 – 589). Tiếp theo là dã sử truyền thuyết và truyện kể dân gian. Cuối cùng là tạp kịch thoại bản thời nhà Nguyên, đặc biệt là cuốn Tam Quốc Chí bình thoại, trong đó các nhân vật chính đã có hình dáng và tính cách không khác xa với Tam Quốc là bao.
Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung tuy chủ yếu là do ông biên soạn, nhưng thực ra bộ tiểu thuyết này có một quá trình sáng tác tập thể của rất nhiều người. Từ câu truyện Tam Quốc đã lưu truyền trong dân gian, La Quán Trung đã đem những phần phong phú trong truyện Tam Quốc mà quần chúng nhân dân và nghệ nhân kể chuyện sáng tác, nâng cao lên thành một tác phẩm nổi tiếng gồm 120 hồi.
Nội dung của Tam Quốc là kể lại quá trình hình thành, phát triển và diệt vong của tập đoàn phong kiến cát cứ thời Tam Quốc là Ngụy – Thục – Ngô. Nhưng thực tế truyện Tam Quốc được bắt đầu từ cuối thời nhà Đông Hán, vào năm Giáp Tý 184, cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng do anh em nhà Trương Giác lãnh đạo, nhưng cuối cùng cuộc khởi nghĩa nông dân khăn vàng bị dìm trong bể máu, sau cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng, triều đình nhà Đông Hán ngày càng suy yếu và cuối cùng đã bị diệt vong vào năm 220.
Năm Canh Tý 220, nhà Đông Hán sụp đổ, cục diện Tam Quốc mới chính thức bắt đầu, và nó kéo dài đến năm 280 thì chấm dứt. Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung là một trong những bộ tiểu thuyết trường thiên hiếm hoi đầu tiên của Trung Quốc viết về đề tài chiến tranh thành công một cách trọn vẹn.
Ngoài bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa, La Quán Trung còn tham gia và chỉnh sửa bộ tiểu thuyết Thủy Hử của Thi Nại Am.
Vào Năm Canh Thìn 1400, La Quán Trung mất, hưởng thọ 70 tuổi. Với bộ tiểu thuyết Tam Quốc được lưu truyền rộng rãi cho đến ngày nay, và nó còn được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Với người Trung Quốc thì họ có câu ngạn ngữ: “Chưa đọc Tam Quốc thì chưa thể tham gia chính trường”. Điều này chứng tỏ những người làm chính trị học hỏi được rất nhiều từ Tam Quốc của La Quán Trung. Cũng vì lẽ đó mà tên tuổi của của La Quán Trung sẽ còn được lưu truyền mãi mãi, đặc biệt là trong thành tựu nổi bật của văn học cổ điển Trung Quốc, tên tuổi của La Quán Trung chiếm một vị trí rất quan trọng, ông sẽ còn được người đời sau nhớ mãi.