Tân binh nhớ mẹ

Dì Pig

22/08/2021 16:03

Theo dõi trên

Tết Độc Lập năm nào cũng mưa nhỉ. Năm ấy dưới làn mưa như trút nước đoàn Tân binh chúng tôi rời quê hương. Cảm giác đi trong dòng áo xanh màu lính ấy thôi thúc tự hào, vui mà không ai cười.

chuy-qu-1a-1629622968.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

Cùng dưới làn mưa ấy là bao người cả không quen biết, các mẹ các chị đứng vẫy chúng tôi.

Nhớ lời hát" Ra đi không hẹn ngày về".

Hồi còi kéo dài... đưa chúng tôi xuống ga Lương Sơn. Đi bộ 4 giờ nữa, doanh trại đây rồi, nằm giữa rừng bạch đàn xanh ngát ( mà sau này chúng tôi tha hồ vặt lá chữa ghẻ).

Đứa nào cũng mệt lăn ra. Lệnh xuống: không được nằm. Ôi da... vội ngồi dậy.

Tiếng còi xé tai. Anh Trung đội trưởng hô" tập hợp ", 3 hàng ngang là 3 tiểu đội. Cấp thấp hơn là tổ 3 người,anh chỉ định tôi là tổ trưởng, không biết sao nữa, chưa tròn 16 tuổi, tôi bé nhất.

Rồi anh phổ biến quy định , công tác phòng không, vệ sinh , nhà bếp, cách ăn đũa 2 đầu để giữ vệ sinh... chân tôi muốn khuỵu xuống.

Vào nhà là phân giường nằm, hướng dẫn chỗ để ba lô, gấp quần áo chăn màn, chỗ để dép...Ôi giá ở nhà đã nắm dài ra rồi.

Kẻng vang 6 tiếng, giờ ăn. Xếp hàng 6 chúng tôi lần lượt vào nhà ăn. Bữa cơm đầu tiên đời lính: 2 lưng bát độn ngô thật nhiều, mỗi đứa 1 miếng thịt, chút rau muống và nồi canh thật to.

Ăn chậm, nhìn đồng đội mà ăn ( anh B trưởng bảo thế). Ăn xong bụng đói meo. Nhớ nồi sắn luộc chấm mật của mẹ vô cùng.

Tối là buổi sinh hoạt đầu tiên của đời binh nghiệp. Từ cấp Tiểu đội trở lên là cán bộ khung huấn luyện, nhìn các anh đeo quân hàm thật đẹp, mà ước ao.

Anh A trưởng ngắn gọn rút kinh nghiệm cuộc hành quân xong chuyển sang văn nghệ. Muốn hát nhưng không hát nổi, thấy cây sáo trúc thầy Hiếu tặng trên ba lô tôi mọi người đề nghị tôi thổi, tôi phải nói dối mới đang tập ...

Đêm đầu tiên đời lính. Thao thức dù rất mệt, hình như đứa nào cũng thức... Giờ tôi mới thấm nỗi xa nhà, giờ mới thương nước mắt mẹ khi kí đơn tình nguyện của tôi. Tôi xa bàn tay chăm chút của mẹ thật rồi, còn bố mẹ bao việc nặng không có tôi. Mẹ chắc giờ cũng không ngủ. Nước mắt tôi rơi...

Gác đêm , mỗi thằng 1 tiếng. Vốn sợ ma nên tôi bàn với thằng bạn, cùng nhau gác 2 tiếng. Ôm khẩu AK47 lạnh toát 2 thằng đứng run run. Được lát thì anh B trưởng đi kiểm tra, phê bình và thế là 1 mình đứng gác. Ấm ức và sợ.

Đất Phú Bình hình như đêm rất ngắn, chợp mắt là mờ sáng. Tiếng kẻng tiếng còi inh ỏi, ra sân tập thể dục. Ôi ở nhà thì còn lâu nhé.

Bắt đầu là buổi tập đội ngũ. Đi đều , đi nghiêm, đứng lại. Chào cờ, chào nhau, cấp dưới chào cấp trên đến căng thẳng. Tay mở bằng vai, ngón tay trỏ đặt đuôi lông mày phải, có thế thôi mà công phu lắm. Miệng mỉm cười (Quân dung tươi tỉnh )...rồi cũng đâu ra đấy.

Đến tập bắn (xạ kích), cái này vui đây. Nghe Khẩu lệnh hô to " nằm lắp đạn" rồi " tháo đạn đứng dậy" quen lắm rồi, thạo lắm rồi mà mơ tới được bắn đạn thật.

Cũng từ các khẩu lệnh ấy mà lính ta tếu cười vỡ bụng. Khi có 1 chàng ngã sấp mặt ( huấn luyện ngã suốt ấy mà), là được ngay 1 anh binh nhì hô to( chả mấy khi được giả làm chỉ huy): "Tháo đạn đứng dậy. Nhận xét: động tác ngã nhanh gọn dứt khoát, động tác dậy còn hơi chậm, quân dung chưa được tươi tỉnh", cả bọn lăn ra cười rồi chút nữa lại hầm hầm tức khi chúng nó cười mình.

Còn sau này trên đường Trường Sơn có ngã bị trêu " Tháo đạn đứng dậy" thì sao thấy ấm lòng đến thế.

Lăn lê bò toài cả ngày tập chiến thuật , đào hầm, đào giao thông hào trên đất đá gan gà , bộ quân phục Tô Châu mới cứng ngày nào đã sờn rách cả.

Khi đi mẹ dúi cho tôi 100 đồng và nó nhanh chóng được gửi hết ở "quán bà bóp" Cầu Mây. Giờ chỉ còn 5 đồng phụ cấp. Nhà xa lắm rồi. Đói mãi thành quen, động viên nhau: chiến trường còn gian khổ hơn nhiều.

Ngoài hiên có sẵn những viên đất to tướng 5kg, các tiền bối đã đóng sẵn từ bao giờ và giờ nó nhảy vào ba lô lính chúng tôi. Tập hành quân mang nặng.

Lần đầu 4 viên, tưởng đơn giản, thằng nào cũng hớn hở. Nào ngờ mỗi lần tăng thêm 1 viên. Và rồi là 10 viên đi hết đêm, tái mặt. Thế mới biết sao lính lấy từ tuổi 18 trở lên, mới hiểu gương mặt lo âu của mẹ, tôi vừa đi vừa lau nước mắt...

Thêm 1 lần vác nặng mà chảy nước mắt là lí do lính bị ghẻ. Trời ơi là sợ. Ngày mệt nhoài tối ngồi gãi không ngủ được. Buổi chiều tập phải nghỉ sớm cho quân về bôi thuốc , toàn chỗ hiểm , xót giãy lên. Anh An y tá là giảng viên đại học được tổng động viên, lúc bôi thuốc cho tôi anh thì thào: Đoàn kịch Nam Định lên thị trấn Phú Bình biểu diễn. Tối thứ Bảy, cứ trốn đi về anh xin cho. Tôi tất nhiên không từ chối.

Xem kịch về đã thấy Trung đội trưởng chờ sẵn. Đeo ba lô có 6 viên đất, ôm súng chạy ra Cầu Treo luôn và ngay, 3 km. Anh An biến trong 1 nốt nhạc, để thằng tôi vừa vui tột đỉnh giờ khóc tiếng Mán.

Trung đội trưởng chạy tay không bên cạnh , mặt hầm hầm. Đến cầu anh hô : đứng lại. Tôi đang cúi mặt bỗng thấy vai nhẹ bẫng, cái ba lô sang vai anh rồi. Dọc đường về 2 anh em vừa đi vừa nói chuyện, rồi anh dặn "không được kể với ai là lúc về anh mang hộ đâu nhá".

Giờ đã 50 năm, chắc nói ra được rồi anh nhỉ.

Đại đội trưởng đơn vị thì là cây bóng bàn rất cừ. Biết tôi mê bóng bàn anh vui lắm. Lần đầu tôi nhỡ tay chơi khó cắt bóng xoay tít rơi xuống bàn rồi nảy ngang anh không đỡ được, mà anh lại vui. Anh cho tôi buổi chiều không phải tưới rau tăng gia nữa mà tiếp bóng bàn cùng Thủ trưởng. Thấy anh yêu bóng và rộng lượng. Tôi chơi ngang ngửa, tiu thật lực , ve , vuốt bóng các kiểu làm Thủ trưởng không đỡ được và anh rất lấy làm thú vị.

Những buổi tối văn nghệ của lính bây giờ tôi đã trở nên gần gũi cùng tiếng hát tiếng sáo.

Hai tháng huấn luyện đã qua Buổi bắn đạn thật cũng tới, lần đầu cầm viên đạn, nghe tiếng súng run lắm, nhưng nghĩ mình được tin cậy giao làm tổ trưởng, không thể phụ công các anh, tôi gắng tập trung kĩ thuật: 29 điểm.

Cả trường bắn vỗ tay rầm rầm. Mừng em út đơn vị.

Tôi được tặng giấy khen. Muốn chạy về khoe mẹ. Mới nhớ ra, lâu rồi tôi cũng không nhớ nhà khi buồn nữa , và có nhớ đến mẹ chỉ nhớ mặt mẹ cười thôi.

( Viết vào ngày rằm tháng Bảy)

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Tân binh nhớ mẹ" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn