Những ngày đầu làm dâu, trên ngoại tôi là út. Về đây tôi là dâu cả.
Mỗi năm Họ tôi thường lễ tiết vào các ngày rằm tháng giêng, mùng tám tháng tám (họ lớn), còn chi tôi có giỗ vào 11/5 (âm lịch ). Ông bảo cả năm ngoài lễ ở nhà còn 3 cái lễ chính. Ông kể ngày xưa mỗi nhà đều có mâm xôi con gà. Họ hàng có ban chấm lễ. Mâm cúng xôi phải đủ cân, còn gà thì chấm kĩ lắm. Nào là gà phải là gà ri, chân vàng, mòng răng cưa, đủ 1,5 kg. Bề mặt gà phải bóng, vàng. Chân và đùi gà không được nứt, cánh chéo. Đầu gà phải cao đặt vào mâm xôi. Nếu gà và xôi không đủ cân thì phải bỏ tiền mặt thay thế. Nên không nhà nào dám làm thiếu xôi hoặc gà không đủ.
Về xôi thì tôi yên tâm cách đồ của mình. Mới giao thừa đêm qua đồ mấy bò gạo ai cũng khen ngon, giống xôi vò. Khó tính như cháu gái tôi, mẹ nó bảo cháu không ăn xôi đâu, thế mà hôm qua nó cứ vo tròn rồi cho vào miệng ăn ngon lành.
Còn nói về con gà. Ông đã chỉ bảo tôi tỉ mỉ. Nào là nhúng gà, vặt lông sao cho không sứt sẹo tý nào (nếu gà hơi non). Và quan trọng là cách luộc. Khi luộc gà, nhiều người bảo cho vào nước sôi. Nhưng nhà tôi cho ngay vào nước lạnh. Đổ nước, đun to lửa cho sôi. Nồi gà đã sôi cho nhỏ bếp để sôi lăn tăn. Dùng môi múc từng môi nước trong dội lên gà, cứ dội liên tục bao giờ thấy con gà săn da lại. Dùng xiên nhỏ xiên qua đùi xem chín chưa. Những ngày đầu tôi ngại lắm. Nhưng quen dần, có lễ tết, việc họ thì cố gắng chịu khó rồi cũng quen. Ông bảo: Lễ dâng Đức Thái Tể phải làm cẩn thận con à.
Mọi việc tưởng khó, nhưng dần sẽ quen. Để có con gà đẹp dâng tổ tiên, nhà tôi thường nuôi, rồi chọn con ưng ý để dành đến lúc có việc.
Giờ quê tôi, chiều 30 tết là họ ra chợ mua về bỏ tủ lạnh. Nhưng tôi lại khác, bận mấy tôi cũng muốn tự tay vặt lông làm và luộc, xôi chín là cho gà lên mâm. Dưới mâm đặt xôi bao giờ cũng phải có lót lá chuối rồi đặt gà lên. Gà trên mâm xôi dâng lễ, thụ lộc rất ngon và thơm.
Ngày đầu năm tản mạn trong lúc chờ mâm cơm tàn hương để thụ lộc.
Chuyện làng quê