Tản mạn về hồ lô

Quả bầu hồ lô khô thỉnh thoảng tôi thấy họ bán rong ngoài đường hoặc trong chợ đêm Bờ Hồ. Từ quả bầu hồ lô tươi qua bàn tay khéo léo của người thợ đã biến thành những bình đựng rượu, đựng nước xinh xắn, tiện lợi.
237418542-1546381162420494-2803668363278023174-n-1629707543.jpg

Quả bầu hồ lô trên giàn cũng rất đẹp. Thật thú vị khi ngắm một giàn bầu hồ lô quả sai lúc lỉu nhỉ! Hồ lô là biểu tượng của trường sinh, sức khỏe và may mắn. Đi lễ chùa, ta thấy Đức Quan Thế Âm Bồ Tát một tay giữ bình hồ lô, một tay cầm nhành cây vẩy nước cam lồ, có ý nghĩa ban phát điềm lành, sức khỏe, may mắn đến mọi chúng sinh.

Trong Phật giáo, hồ lô còn có ý nghĩa dùng để đựng rượu tiên của các vị Phật, Bồ Tát. Trong Lão giáo, hồ lô dùng để hóa giải tà khí, thu giữ tà khí, những linh hồn xấu xa... Nhà có trẻ con mới sinh, có người treo quả hồ lô khô đầu giường với ước mong mọi điều tốt lành đến với đứa trẻ. Trong đời thường người ta quan niệm đựng rượu trong hồ lô, rượu sẽ thơm ngon hơn (nút bằng lá chuối nữa thì tuyệt vời, lá chuối sẽ hóa giải những chất độc có trong rượu).

Thời ông ngoại tôi ngày xưa cũng thấy cụ hay đựng rượu trong bình hồ lô sứ (hay còn gọi là be rượu, nậm rượu). Trên ban thờ cúng các cụ, cũng có hai cái be như vậy trông oai nghiêm mà không kém phần duyên dáng. Cũng nhiều lần tôi sang chơi bên làng gốm sứ Bát Tràng. Quả thực với đôi bàn tay vàng của các nghệ nhân, nhiều mẫu hồ lô gốm, sứ tuyệt đẹp khiến cho ta phải ngẩn ngơ, với đủ kiểu cách, hình dáng cách điệu, họa tiết, nước men lẫn chất đất.

Hồ lô được chế tác từ gốm, sứ, đá, đồng... nhiều chất liệu. Có một loại rượu bàu đá Bình Định nổi tiếng mà bình đựng rượu được cách điệu từ hình dáng quả bầu hô lô nhìn rất đẹp, bắt mắt. Cuộc sống muôn sắc muôn màu, từ những cỏ cây hoa lá khi còn tươi tốt phục vụ cho cuộc sống con người, cho đến khi khô tưởng như vứt bỏ đi vẫn có lợi ích. Tùy thuộc vào quan niệm của chúng ta!

 

Theo Chuyện quê