Tàu điện trên cao

Trần Minh Hải

09/11/2021 15:47

Theo dõi trên

14h chiều thứ bảy ngày 06/11/2021 Bố con Tôi lên ga Cát linh đi chuyến tàu điện trên cao Cát Linh-Hà Đông, trải nghiệm đi tàu (với thời gian khoảng 25 phút cho quãng đường 13,5km).

duong-sat-tren-cao-1636447563.jpg
 

Đến tuổi 70 mới được đi kiểu ni. Lạ hỉ.

Cuộc đời của Tôi từ tên trẻ con nhà quê (nông dân đặc cán táu), nhớn nhao thành sinh viên, vô lính tráng, ăn cơm mòn bát thiên hạ, đi cũng được nhiều nơi từ Nam ra Bắc, cho đến tận khi về già. Ngẫm thấy người ta đi bằng phương tiện gì, thời mình cũng đi bằng phương tiện đó (trừ leo tàu vũ trụ).

Tàu thuỷ, tàu bò đi ráo, tàu hoả ô tô bị ép thành cá khô, cá mắm bao lần chả nhớ. Nhưng lại có lần bị hãi tới tận giờ: Ấy là đận tháng 11/1971 sau trận lụt lịch sử tại miền bắc. Sinh viên bọn Tôi lao động nạo vét cống Xuân Quan cạnh Bát tràng. Chủ nhật tranh thủ về nhà, bèn đi đò quá giang sang bến phà Khuyến Lương. Giờ vẫn còn nhớ hôm đó mây đen vần vũ trên cao, gió thổi mạnh, đò đầy ặc người, sóng vỗ ì oạp sảt mép thuyền. Lần đầu tiên đi đò, thấm từng chữ "đi ngày đàng không bằng gang nước" đò ngược nước đi về phía cầu Long biên, và con nước xuôi sẽ làm con thuyền xiên một đường chéo sang bờ hữu ngạn. Tròng trành nhé, lắc lư đủ vị hành trình, Mình lo thót tim "thuyền đầy người, nước mấp mé quá, dễ nước tràn nó vào, chết sặc ngáp mất thôi, lạy Giời lạy Phật tổ"... Còn các bà buôn chuyến vẫn ngồi giữ đòn gánh, miệng thì nhai trầu bỏm bẻm tán chuyện với cặp vợ chồng chèo đò, xen lẫn tiếng kẽo kẹt của mái chèo với cọc chèo đều đặn, họ đi nhiều nên quen. Còn Tôi bung biêng cuốc bộ chặng dài ra đường Minh Khai nữa, mới có bến xe buýt ngược về Bưởi, đi qua đường Láng thời mới rẽ về nhà mình.

Mười năm nay Tôi từng chứng kiến các tấm tôn sơn xanh được dựng trên các nẻo đường QL32, QL6 đầu ngõ vào nội thành Hà nội, thế rồi là các cột được đổ bê tông, các tấm ngang được lát, tin các báo đăng về thanh giằng rớt xuống, giàn giáo sập các cái... thấm đủ mọi nhẽ cảnh tắc đường ban trưa nắng rát, lóp ngóp đẩy xe giời mưa sầm sập, xe máy bị chết máy khi qua đường ngập-tắc-lụt đồng bộ, đi đường gặp ối khoanh chắn xây dựng: ngửa cổ lên thấy tuyền sắt thép tua tùa, tấm thép sàn to tổ bố che kín giời xanh mây trắng bay, cúi xuống hít bụi mịt mù mí lắm ổ gà ổ voi... Toàn dân chịu đựng chục năm trời chứ chả. Đường sắt trên cao Nhổn ga Hà Nội thanh thoát thẳng băng, Đường sắt Cát linh Hà Đông nom uốn lượn như rắn bò... Đường sắt trên cao-Thế giới đã có từ lâu lắm. Cũ người mới ta-tự nhủ sau này phải đi một phát trên cao xem sao, đang xây lắp thấy sao thì nói vậy thôi, đừng cho lão già là lắm chuyện

Thằng con bảo "Bố nên đi hôm đầu tiên cho có không khí, đi cho biết đường sắt trên cao nó hay thế nào bởi giai thoại xây dựng râm ran bàn tán bao năm, dân Phây đọc toét mắt chả hết chuyện quanh cái việc xây công trình nhiều cái nhất này. Đi đúng vào ngày Khai trương mới hay, các thứ còn din, bu lông đai ốc còn chặt, máy móc chửa khô dầu, yên tâm đường ray chửa bị vẹt..." à mà thôi.

Khai trương như các vị to to, thì Bố chưa đến lượt-Nhưng khai trương (mở đường rừng, đi tắt qua các triền đồi núi) thì Bố đây có vô thiên lủng-hằng hà sa số bước chân đi thời lính tráng, luôn có cái ba lô đeo nặng trịch ở sau lưng, băng đạn AK nịt ngực, khẩu AK47 hết trên vai lại ở trên tay (kèm theo các ký ức toạch mới hết quên. Giờ già rồi, ỳ ạch leo bộ cầu thang dốc đứng vào ga, thở hổn hển+nghĩ vẩn vơ thế, biên thêm tý, hế hế.

Vậy là Hiếu kỳ thặc-Tất lẽ có kế hoạch luôn-Chiều đi luôn cho nó máu: 14h chiều thứ bảy ngày 06/11/2021 Bố con Tôi lên ga Cát linh đi chuyến tàu điện trên cao Cát Linh-Hà Đông, trải nghiệm đi tàu (với thời gian khoảng 25 phút cho quãng đường 13,5km). Người đi cũng chửa đông lắm, lắm phóng viên quay phim phỏng vấn, một đám cưới cô dâu ôm hoa trắng-chú rể mũ cát két quần áo công tử Hà thành 194x ghi hình ngay trong toa bố con Tôi an toạ (ăn theo nhanh thế).

Từ Ga Cát Linh>Ga La Thành>ga Thái Hà>ga Thượng Đình>ga Vành đai 3>ga Phùng Khoang>ga Văn Quán>ga Hà Đông>ga La Khê>ga Văn Khê>ga Yên Nghĩa. Sau khi chạy đến ga cuối Yên Nghĩa, tàu quay đầu chạy về điểm đầu ga Cát Linh với lộ trình: Yên Nghĩa>Văn Khê>La Khê>Hà Đông>Văn Quán>Phùng Khoang>Vành Đai 3>Thượng Đình>Láng>Thái Hà>La Thành>Cát Linh.

Ngồi ngoay vai để quay video onlai 13 đoạnx2 lượt chiều đi lẫn chiều về phong cảnh hai bên đường tàu, dự là sẽ mang về phóng lên con tivi xem cho sướng. 26 năm giời đi làm cày nát đường Láng, Ngã tư Sở xuống Hà Đông, quay đoạn nào biết đoạn đó ngay và luôn. Xưa đi Tàu bay trên không trung và Tàu thuỷ trên mặt nước. Nay chót đời đi cái Tàu điện lưng lửng cao, tò mò xem và cũng có tý hãi hãi là, tuyền thấy nhà cửa xô bồ chen chúc nhau chả đẹp, ít cảnh hữu tình cây xanh hồ nước... Xuống phát nhẹ nhõm luôn mọi nhẽ, biên phát cảm tưởng riêng thôi.

Dự án được khởi công năm tháng 10-2011, có tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỉ đồng (552,86 triệu USD); tổng mức đầu tư điều chỉnh là 18.002 tỉ đồng (868,04 triệu USD), trong đó vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỉ đồng (669,62 triệu USD) và vốn đối ứng 4.134 tỉ đồng (198,43 triệu USD)-Theo báo NLĐO. Trong đó, ngày đầu tiên (6/11) lượng khách đi tàu là gần 26.000 trên 109 chuyến, ngày 7/11 có 141 chuyến tàu chạy chở 54.000 khách, trong ngày 8/11 vận hành 136 chuyến tàu chở 19.000 hành khách.

 

Bạn đang đọc bài viết "Tàu điện trên cao" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn