Nhìn lũ bạn cùng trang lứa khỏe mạnh gánh lúa, gánh khoai…từ đồng về nhà cứ thoăn thoắt. Nghĩ đến mình mà tủi, nhất là những lúc Thầy U trách mắng “Mày đúng là thằng ăn hại, nhìn chúng nó bằng tuổi mày ý, việc gì cũng làm được, có đứa còn sắp lấy vợ rồi đấy..”.
Nghĩ đến đây nó chỉ muốn chết đi cho rồi, chứ sống mà cứ ốm yếu thế này, cứ động tay vào việc đã rã rời chân tay, còn nghĩ gì đến lấy vợ sinh con nữa chứ?
Gần trưa nhớ đến cút rượu nút lá chuối của Thầy nó để trong cót thóc, mỗi tối Thầy nó chỉ rót một chén mắt trâu uống trước bữa ăn, uống xong lại nói “rượu này uống nhiều say chết” rồi lại cất vào cót thóc. Có thể do Thầy sợ nó uống, nên mới nói như vậy.
Đã thế hôm nay uống để chết cho đỡ khổ, nghĩ là làm nó vào cót thóc lấy cút rượu ra, nhắm mắt tu một phát hết gần nửa cút rượu, lần đầu nó uống rượu nên chỉ một lúc nó đã thấy người nâng nâng. Ừ chết mà nâng nâng thế này cũng sướng! Nó tu phát nữa hết luôn cút rượu. Lúc sau mắt nó hoa lên, trời đất quay cuồng, bụng nhoi nhói, cuồn cuộn, nó thấy rất buồn nôn…mới đầu còn nôn ra nước, sau thấy như có thứ gì cuộn lên cổ họng. Nó lấy hết sức oẹ thật mạnh…trời đất ơi! nôn ra toàn giun là giun.
U thằng Ki đi làm đồng về thấy thằng Ki nôn ọe ra giun thì phát hoảng, kêu làng nước. Hàng xóm thấy kêu cứu chạy sang, Ki vẫn nôn ọe ra giun nhiều vô kể, bò lều nghều dưới nền nhà, con to bằng cái đũa, con bé bằng cái tăm, có con chui cả ra lỗ mũi trông như sợi miến nấu. Thấy nồng nặc mùi rượu, mọi người bảo “thằng này uống rượu say, nôn ra giun đây mà, không sao đâu”.
Thì ra bao năm nay thằng Ki ốm yếu là do ăn bao nhiêu, chỉ để nuôi lũ giun đũa định cư trong bụng nó, với số lượng nhiều như thế chắc phải “Ngũ đại đồng đường nhà giun”. Cũng do gia đình đông con mà Thầy U nó mải làm, không có thời gian đưa con đi khám bệnh xá, nên mới ra nông nỗi này. Nhưng cũng vô tình mà thằng Ki đã tống khứ được “Ngũ đại đồng đường nhà giun” ra khỏi cơ thể.
Tin thằng Ki uống rượu say, nôn ra giun chả mấy chốc lan ra khắp làng. Bạn bè cùng trang lứa trong đó có tôi, gắn cho nó thương hiệu “Ki tẩy giun”, nhưng nó chẳng buồn. Vì nó thấy trong người rất dễ chịu, ăn khỏe, làm việc đồng áng không thấy mệt như trước nữa. Vài tháng sau cơ thể Ki đã cường tráng đúng với cái tuổi 17 của nó.
Quả liều (điếc không sợ súng) của Ki, chẳng những các cô gái trong làng không chế giễu, mà ngược lại các cô còn rất ấn tượng với hành động của Ki. Trong số đó có cô gái đẹp người, đẹp nết ở xóm dưới tên Hằng tuổi vừa độ trăng tròn. Chẳng biết Ki có để ý hay không, nhưng những buổi làm đồng gặp nhau hai người có vẻ khang khác.
Rồi Ki lên đường nhập ngũ làm nghĩa vụ quân sự khi vừa tròn 18. Ở nhà em Hằng có nhiều đám khá giả trong làng, ngoài xã đến dạm hỏi, nhưng cô cương quyết chờ Ki trở về.
Chúng tôi bạn cùng trang lứa cũng mỗi người một nơi. Bốn năm sau tôi nhận tin Ki và Hằng cưới nhau, nhưng do ở xa tôi không về dự đám cưới của họ được.
Do tôi công tác xa nhà, mỗi năm cũng chỉ đôi ba lần về thăm quê, mỗi lần về đểu ghé thăm vợ chồng Ki, từ khi xuất ngũ về cưới nhau hai vợ chồng tu chí làm ăn, kinh tế ngày càng khá giả. Cách đây 8 năm vợ chồng Ki xây dựng trang trại nuôi lợn, thả cá, trồng bưởi da xanh đặc sản, thu nhập rất khá.
Năm ngoái tôi về quê, vợ chồng Ki đưa tôi đi thăm một vòng trang trại rộng hơn 2 ha, lợn ủn ỉn trong chuồng, cá ăn nổi kín mặt ao, nhất là vườn bưởi da xanh trĩu quả nhìn hút tầm mắt hứa hẹn một mùa bội thu.
Trong bữa cơm đãi bạn, Ki ôm vai vợ giọng hãnh diện “Nếu không có quả liều tẩy giun” của tôi ngày xưa, thì làm sao lấy được người vợ đảm đang, đẹp người, đẹp nết như em Hằng đây nhỉ! Hằng nguýt chồng một cái “Gớm! Liều quá đấy”
Ngoài vườn bưởi đã thấy thấp thoáng những cách cỏ về tổ, báo hiệu “Đất lành chim đậu”.
Theo Chuyện làng quê