Tây Nam Bộ - Vùng đất có nhiều nét đặc sắc về văn hoá, phong tục

Thiên Hà (tổng hợp)

27/08/2021 05:01

Theo dõi trên

Tây Nam Bộ là một vùng đất có nhiều nét văn hoá độc đáo. Ẩm thực tại đây cũng đa dạng. Tính các người miền Tây Nam Bộ cũng có những nét riêng biệt không lẫn được.

tay-nam-bo-1629989754.jpeg
Chợ nổi Ngã Năm là một trong những chợ nổi nổi tiếng nhất miền Tây. Ảnh: vietnamtourism

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (còn được gọi là Vùng đồng bằng sông Mê Kông, Vùng đồng bằng Nam Bộ, Vùng Tây Nam Bộ, Cửu Long hoặc Miền Tây) là vùng cực nam của Việt Nam, một trong hai phần của Nam Bộ. Khu vực này có 1 thành phố trực thuộc trung ương là thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Thông tin từ trang nem-vn.net cho rằng, Miền Tây là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều nền văn hóa, trong đó đặc trưng nhất là các nền văn hóa của ba dân tộc Kinh - Khmer - Chăm. Dấu tích của sự giao lưu văn hóa này vẫn còn thể hiện rất rõ ở những ngôi chùa, đền miếu có độ tuổi hàng chục thậm chí hàng trăm năm như: chùa Dơi ở Sóc Trăng; chùa Vàm Ray, chùa Âng ở Trà Vinh, chùa Vĩnh Tràng ở Tiền Giang...

Một số khu chợ nổi tiếng ở miền Tây gồm: chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Ngã Bảy (Cần Thơ), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi ngã năm (Sóc Trăng). Đến miền Tây, chắc chắn bạn nên dành thời gian ghé thăm chợ nổi vào sáng sớm. Vào khoảng 4h - 5h sáng là lúc người dân bắt đầu nhộn nhịp họp chợ. Đó là tiếng mái chèo khua, tiếng sóng nước hòa lẫn tiếng mời chào và cảnh tượng mua bán tấp nập ngay trên sông.

Áo bà ba là trang phục nổi tiếng của người miền Tây. Đến nay vẫn chưa có tài liệu nào khẳng định chính xác thời điểm xuất hiện của áo bà ba. Một số giả thuyết cho rằng chiếc áo này xuất hiện đầu tiên ở miền Nam vào thời Hậu Lê (1428 - 1789). Có giả thuyết lại cho rằng áo bà ba mới chỉ xuất hiện vào khoảng nửa đầu thế kỷ 19 do nhà bác học Trương Vĩnh Ký cách tân từ kiểu áo của người Bà Ba (người Malaysia lai người Hoa, sống trên đảo Penang của Malaysia).

Áo bà ba được may dưới dạng cổ tròn, thân áo là biến tấu của áo tứ thân miền Bắc nhưng độ dài của áo chỉ kéo đến hông. Áo may bằng vải satin vừa vặn với cơ thể mà không khiến người mặc cảm thấy khó chịu. Áo được may thêm hai túi to phía trước đối với nam giới và hai túi nhỏ đối với nữ. Áo bà ba thường mặc với chiếc quần đen dài chấm đến cổ chân. Ngoài ra, khi mặc bộ trang phục này, người ta thường có những phụ kiện đi kèm như như khăn rằn ri, nón lá. Lý do khăn rằn ri xuất hiện là bởi người dân ở các tỉnh miền Tây chủ yếu là người Khmer và họ tôn thờ thần Vishnu nên đã làm ra chiếc khăn Krama (dịch là khăn rằn) tượng trưng cho rắn thần Naga. Người Khmer quan niệm rằng quàng chiếc khăn này trên đầu giống như luôn có thần ở bên chở che, mang lại may mắn.

Theo PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Tây Nam Bộ là vùng văn hóa giàu bản sắc. Tuy nhiên, những năm gần đây, mặt trái của kinh tế thị trường, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu đã có những tác động trực tiếp đến văn hóa Tây Nam Bộ, đặt ra nhiều thách thức đối với việc phát triển bền vững vùng đất này. Do đó, những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ trong hoạch định và thực thi chính sách văn hóa, nâng cao hiệu quả tác động của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của vùng Tây Nam Bộ là rất cần thiết hiện nay.

Hiện nay, vùng Tây Nam Bộ đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn, như nước biển dâng, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu; sự suy giảm về số lượng và chất lượng nguồn nước; sự suy giảm động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống; tình trạng di cư cao, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế… Vì vậy, phát triển bền vững trở thành yêu cầu tất yếu đối với vùng Tây Nam Bộ. 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Tây Nam Bộ - Vùng đất có nhiều nét đặc sắc về văn hoá, phong tục" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn