Tết Nguyên đán - Mới, cũ đan xen

Lich Bui

25/01/2022 10:29

Theo dõi trên

Không biết tự bao giờ Tết Nguyên đán đã in sâu trong tâm khảm người dân Việt và trở thành tết cổ truyền, nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mà mỗi người con đất Việt dù sinh sống tại quê hương hay bất kỳ nơi nào đó đều nhớ tới...

tet-nguyen-dan1-1643081280.jpg
 

Sinh ra và lớn lên trên đất Bắc, trưởng thành và sinh sống ở đất Nam, hòa nhập nhưng chưa thể hòa tan khi nét văn hóa, phong tục mỗi miền có khác và rồi cũng đã phai nhạt dần qua từng thế hệ phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh từng thời kỳ xã hội ... tôi chưa thể quên Tết là khi tạm gác lại những lo toan, phiền muộn của năm cũ để hân hoan chào đón năm mới với những cầu mong may mắn hanh thông. Xin chia sẻ và lưu lại để nhâm nhi nhấm nháp khi nhớ về ...

Thời xa xưa cuộc sống vất vả, lam lũ quanh năm nên cách cha ông ta đón xuân cũng khác. " No ba ngày Tết đói ba tháng ròng " vì khó khăn thiếu thốn cả năm nên Tết là dịp nghỉ ngơi, ăn uống dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mời ông bà về chung vui cùng con cháu.

Từ 23 tết ông Công ông Táo là Tết đã bắt đầu, nhà nhà tổ chức ra đồng tảo mộ mời ông bà về ăn tết cùng con cháu. 27,28 tết gà gáy đã nghe tiếng lợn kêu đầu xóm Đông vọng tới xóm Đình, khá giả thì 2 nhà, khó khăn thì vài nhà " đụng " chung 1 con lợn, ăn đồng chia đều từ cái móng đến cái thủ, cuối cùng thế nào cũng có bữa liên hoan nhẹ coi như tất niên chung của mọi nhà. Bọn trẻ vây quanh chỉ chờ xin được cái bong bóng là ùa đi khắp ngõ. Chia xong, tiếng chày giã giò của những chày đôi dưới cánh tay vạm vỡ lại bừng lên rộn rã. Nhà nhà bắt đầu chuẩn bị nếp, đỗ, lá dong cho việc gói bánh chưng.

Các mẹ rồng rắn quang gánh đi chợ sắm tết, nhà nào cũng có đứa bé lon ton chạy theo sau để trông quang gánh cho mẹ chen chân vào chợ ngày đông, khi ra thế nào mỗi đứa cũng được cái bánh rán hay nắm bỏng rang ngào đường thơm phức. Đây cũng là dịp trẻ con được manh áo mới, chợ thường có một cửa hàng bách hóa nên tôi được nghe câu chuyện có người trong làng, mẹ mất sớm, tết được bố mua cho cái quần mới vội đứng giữa cửa hàng tụt quần cũ mặc ngay cái mới rồi nhất định không chịu thay ra với vẻ hớn hở rạng rỡ trên khuôn mặt ... nhà tôi có ông bác cả làm thợ may nên cứ dịp này mẹ mới mua mảnh vải về đưa bác cắt ( cả làng có mình bác là thợ may ) với câu kèm " bác cứ may rồng rộng ra cho cháu nó có nhớn còn mặc vừa ( thảo nào vóc dáng tôi trở nên khiêm tốn để phần nào tiết kiệm được manh vải trong năm ) !!! , gần tết nhiều hàng nên thường bác để phần con cháu nhà ... ra giêng mới cắt do đó tôi hay phải mặc quần áo cũ ngày tết mà bụng luôn ấm ức ...

Ngày 30 tết là ngày bận rộn nhất, tất bật nhất nhưng vui vẻ nhất của Tết. Trong nhà dường như mọi thứ đều phải mới dù là không mua sắm mới được thì cũng phải lau chùi bóng loáng như mới. Câu đối đỏ treo hai bên cột giữa ban thờ hoặc dán lên ngay ngắn hai bên bức tường giữa bàn thờ, trên ban thờ mâm ngũ quả ( 5 loại quả 5 màu sắc tượng trưng cho ngũ hành trong vũ trụ ) được chưng bày khéo léo. Chuối là thứ không thể thiếu dù có đắt bao nhiêu vì chuối tượng trưng cho bàn tay ngửa lên bao bọc đem đến sự bình an đa phúc lộc, tinh túy đất trời biểu tượng cho mùa xuân và phật thủ, cam quýt ... Người đi xa cũng tranh thủ có mặt ở nhà ngày này họp mặt cùng gia đình chuẩn bị bữa cơm cúng ông bà chiều ba mươi Tết. Nồi bánh chưng là những thùng phuy lớn, củi nấu là những gốc cây to được phơi khô cất gọn góc vườn, trên nồi luôn có một cái thau nhôm dùng làm nước tiếp hay nấu nước tắm bằng bó mùi già thơm ngào ngạt chiều cuối năm ...  xúm xít vây quanh bếp lửa hồng, chừng 10 giờ khuya vớt bánh, rửa mang vào nén cho rền, bọn trẻ bao giờ cũng được chia nhau nếm trước cái bánh con con vét cuối cùng có khi chả có nhân mà sao vẫn thấy tuyệt. Giờ giao thừa ông bà bố mẹ sửa soạn mâm cúng ngoài sân gồm con gà sống thiến, bóc bánh chưng, mở hộp mứt, pha ấm trà ... bày trên bàn giữa sân, khắc giao thừa là pháo nổ vang rền, mùi hương trầm ngào ngạt, người người hớn hở, nét mặt rạng ngời dù đêm đó thức khuya, chừng một giờ ngày mùng một mới lên giường.

Ngày mùng một thường ít người đi chúc Tết nhau ( trừ con cháu trong nhà ), bà tôi thường chọn, nhờ và dặn đi dặn lại một thanh niên lực lưỡng nào đó trong xóm tới xông nhà sớm cầu mong có sức khỏe như họ cả năm. Ngày mùng 1 tuyệt đối không quét nhà, hốt rác đổ đi và phải vui vẻ, tươi tỉnh nhẹ nhàng cả ngày để cả năm gia đình giữ được hòa khí. Ba ngày tết lúc nào cũng phải nghi ngút hương khói, nhà nhà thường dùng hương vòng cho được lâu hơn. Cả nhà tập trung lo sửa soạn mâm cơm cúng ông bà ngày mùng 1

 Mâm cỗ Tết cổ truyền thường có đĩa giò ( giò lụa và giò xào), đĩa nem thính, đĩa thịt gà, đĩa thịt lợn áp chảo ( quay ), bát canh măng khô, bát miến, bát thịt đông ... Ngày mùng 2  cũng phải làm mâm cơm vậy mời ông bà rồi sau đó, nhà nhà, nhóm nhóm rồng rắn đi chúc tết nhà nhau với những lời chúc mong điều tốt đẹp đến . Bọn trẻ chúng tôi thì được ông bà cho biết ngày đẹp để " khai bút " đầu năm, hẹn hò nhau thăm nhà thầy cô giáo hay tụ tập đánh bài tam cúc, tú lơ khơ, bôi nhọ nồi vẽ râu lên mặt những người bị thua và hét hò inh ỏi ...

Mùng 3 thì coi như hết tết, nhà nhà cúng kiếng đưa ông bà và chuẩn bị lo toan đưa mạ xuống đồng vào vụ cấy. Nói là hết tết chứ thực ra đồ ăn cũng còn ( nhất là bánh chưng có nhà ngoài mùng còn ngâm lá bánh cũ để gói thêm đợt 2 cho mãi qua rằm vẫn có ăn).

tet-nguyen-dan2-1643081280.jpg
 

Tuổi 21, lần đầu tôi đón Tết xa nhà cùng anh em bộ đội đơn vị ông anh họ nên cảm thấy ấm cúng như ở giữa gia đình.

Năm sau còn độc thân nên đơn giản lắm chủ yếu là chơi chứ ăn là phụ.

Khi lập gia đình tôi bắt đầu lo sắm tết, cũng vẫn tết đơn giản thời bao cấp khó khăn và còn mang hơi hướng chính của quê nhà ngoài ra còn có thêm món kiệu chua và dưa món, mâm ngũ quả theo người Nam cũng khác người Bắc, không " thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, bánh chưng xanh " mà là cặp dưa hấu chưng 2 bên, Không chưng chuối vì cho rằng Chuối phát âm gần như " chúi " mà ngũ quả đó là mãng cầu, thơm (dứa), dừa, đu đủ, xoài   ( Cầu, thơm, vừa, đủ, xài ) ngoài ra còn có thể thêm sung ( sung sướng) ...Mâm cúng thì luôn có thịt kho hột vịt nước dừa, khổ qua hầm (mong muốn cái khổ sẽ qua khi năm mới tới ), bánh tét, lạp xưởng chiên, chả giò chiên ... còn gà luộc nhưng xé phay trộn gỏi chứ không chặt bày ra đĩa như cỗ Bắc.

Pha Nam và Bắc nên tôi cũng cầu kỳ cho đủ món cả 2 miền. Một năm cho con giai, dâu về ăn tết quê nhà, chúng ngơ ngác hỏi mẹ rằng sao tết nấu bữa nào cũng giống nhau, cỗ ngày nào cũng như nhau và nhà nào cũng thế... chợt nhận ra. Ừ nhỉ ? có lẽ ngày ấy, những món đó là quá ngon rồi ấy chứ.

 Tôi cũng vẫn cầu kỳ rằng "năm mới gì cũng phải mới" nên tất bật, thêm nồi bánh nữa mà mình là chủ lực nên mệt phờ hay cằn nhằn... và thế là mất vui. Sau này tự "đổi mới tư duy" rằng "phiên phiến" thôi, đơn giản chừng nào hay chừng đó, đôi khi còn tranh thủ vi vu du lịch đâu đó mấy ngày Tết nữa chứ.

Ngày nay lớp trẻ đón tết khác xa với cổ truyền phần do đời sống được nâng cao nên ăn uống không còn là vấn đề quan tâm nên "ăn tết" được thay thế dần bằng cụm từ "nghỉ tết, chơi tết", có người còn cảm thấy "hững hờ" khi nghe Tết...

Dù sao vẫn mong có một chút gì đó mang tính "văn hóa phi vật thể" được lưu truyền phải không các bạn?

 

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Tết Nguyên đán - Mới, cũ đan xen" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn