Năm đó, tại một ngôi làng xa xôi trên một ngọn núi hoang vu, người ta đón Tết trong sự kinh hãi tột độ, hoài nghi đau đáu và giận dữ khôn cùng trước sự ập tới của những bi kịch tàn khốc.
Ngôi làng ấy vốn dĩ không có tên, nhưng những người nơi đây mặc định chốn này là địa ngục. Dân trong làng không ai dám tự ý băng rừng thoát khỏi làng, càng không biết thế giới bên ngoài rộng lớn như thế nào, bởi lẽ họ sợ người khác sẽ biết rằng bản thân mình vốn là hậu duệ của một băng cướp khét tiếng ở Truông Nhà Hồ dưới thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Vào một đêm cuối năm rét buốt, ông Thập - người duy nhất có thể ra được khỏi làng - được báo mộng bởi một âm hồn mặc quan phục màu đỏ rực. Làng Địa Ngục sắp gặp hoạ lớn!
Thành danh bằng những tác phẩm văn học kinh dị đậm chất Việt Nam được phát hành qua mạng, lần này tác giả Thảo Trang tiếp tục mang đến một câu chuyện hấp dẫn, mở ra một thế giới huyền bí với những sinh vật, thế lực siêu linh mà người đọc không bao giờ hết hứng thú, để lại những dư âm không phai khi gấp sách lại.
Đây là một tác phẩm kinh dị đậm chất Việt Nam, được viết chắc tay theo phong cách giàu tính điện ảnh. Từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng, tác giả khéo léo dẫn dắt người đọc vào bầu không khí hắc ám, thê lương của ngôi làng chơi vơi trên đỉnh núi. Sự ngột ngạt, tù túng đã khiến cốt truyện đặc quánh và ám ảnh. Tiếng chim lợn, tiếng chó sủa, đom đóm lập lòe, sương mù giăng mắc, mưa dầm dề, gió thổi xào xạc trong kẽ lá, sự âm u của những cây cổ thụ ngàn năm… Tất cả đều hiện lên sống động và chân thực.
Trên phông nền tăm tối như vậy, tác giả Thảo Trang khéo léo cài cắm những cái chết bí ẩn, không thể đoán trước, và dĩ nhiên là rùng rợn, khiến ta ít nhiều dựng tóc gáy. Tác giả tập trung miêu tả chi tiết từng phân cảnh, bởi chị hiểu rõ điều quan trọng nhất của thể loại này là kích thích trí tưởng tượng, dẫn dắt người đọc đi từ sự kiện này sang sự kiện khác. Qua đó, độc giả hiểu thêm về văn hóa dân gian Việt Nam, về những quan niệm liên quan đến thế giới bên kia, đến tâm linh của người Việt. Đó là cổ thuật, bùa chú, là con đò chở vong, là chuyện ba hồn bảy vía, là sinh vật thành tinh, vân vân và vân vân.
Thảo Trang cho biết: "Giống như bao đứa trẻ khác trên mọi miền Tổ quốc, tôi lớn lên bằng những câu chuyện dân gian do bà, do mẹ kể lại. Chính điều ấy đã nuôi dưỡng cho tâm hồn mình và rất nhiều người khác nữa. Viết truyện Kinh dị làm tôi sống lại trong khoảnh khắc, với vùng trời ấu thơ và không gian thôn dã, cách nói năng, đi đứng, phong tục và lay động tâm thức Việt ẩn sâu trong tôi, giữa cuộc sống hiện đại. Tôi muốn những trang sách do mình viết ra thấm đượm văn hóa truyền thống Việt. Hy vọng điều này sẽ có thể làm lay động trái tim độc giả. Tôi ý thức được giữa "truyện ma" và "văn học kinh dị" có một khoảng cách. Tôi tiến tới việc viết ra những tác phẩm không đơn thuần là giải trí, mà trước hết nó phải là những tác phẩm có giá trị, ít nhất là theo mong muốn và quan điểm của tôi”
Sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi văn học phương Tây, Nhật Bản và Trung Hoa, việc xuất hiện các tác phẩm đậm bản sắc Việt là một chuyển biến tích cực, tốt lành cho văn hóa giải trí Việt Nam trong tương lai gần.