Tết ta, xưa và nay

Đã thành thông lệ. Chẳng phải bỗng dưng người ta gọi là tết. Các quốc gia trên thế giới, gần hết họ đều ăn tết theo dương lịch, còn lại một số quốc gia có những ngày tết riêng.

tetnd-1675308430.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Tết Nguyên đán tính theo "con trăng", nên nó mang tính khác biệt, còn người phương tây, có khi tết của họ lại "sáng giăng vằng vặc". Thế nó mới khác lạ, bởi năm dương lịch tính theo vòng elip của trái đất quay xung quanh mặt trời. Các quốc gia Đông Nam Á, như Lào, Cambodia, Thái Lan thì tết của họ lại nhằm vào tháng tư.

   Nghĩa là mỗi quốc gia có một cái nghi thức riêng, mà người ta gọi là tết.

   Tết!

   Đấy là những ngày để người ta nghỉ ngơi, và để cho mình một kỳ vui và sắm sửa lớn nhất trong năm. Các nước phương tây cũng vậy, họ đón chào cái tết bằng những hình thức cực kỳ hoành tráng. Việt Nam chúng ta cũng đón chào năm mới, nhưng chẳng bao giờ vui bằng ngày tết nguyên đán, chẳng rạo rực bằng tiết xuân sang. Có biết bao nhiêu "nhà" này nhà kia hô hào bỏ tết, chả ăn thua gì, người ta vẫn đón tết nguyên đán một cách hồ hởi nhất.

   Không thể phủ nhận, có vài nước châu Á, sau khi hội nhập quốc tế, họ đã bỏ hẳn ăn tết Nguyên đán, và chuyển sang "tết Tây". Cũng rất thành công, tuy nhiên đến ngày Nguyên đán, họ vẫn thờ cúng như một cách "hoài niệm" tết xưa.

   Có một điều đặc biệt.

   Năm nay, quận Cam tại bang Cali ở Hoa kỳ, đã chính thức được công nhận "tết ta" là ngày lễ lớn. Công dân xứ này thì mọi năm vẫn cúng tết như thường, chỉ có điều không được nghỉ. Bởi cuộc sống ở xứ người nó khác với dân ta, nghỉ làm thì gần như là chuyện...không thể. Nên vẫn ăn tết đấy, nhưng phải sau giờ tan tầm. Năm nay thì khác, họ được nghỉ và đón bạn bè người thân từ nơi khác đến bằng cách thoải mái nhất.

Bang Cali Hoa kỳ là nơi cư dân Việt đông nhất trên thế giới, nên được coi là "thủ phủ" của người Việt hải ngoại. Chỉ tiếc là gần 50 năm sau năm 1975, ngày tết nguyên đán mới được coi là ngày lễ ở hải ngoại. Thôi, dù gì thì có còn hơn không.

Và đó là đương nhiên, tết Nguyên đán không thể nào phủ nhận. Và tôi cũng chắc chắn một điều: cho dù chúng ta có hội nhập cỡ nào đi nữa, thì ngày tết nguyên đán không thể nào hội nhập đuợc. Bởi nó mang tính chất riêng quốc gia.

   Chúng ta có quyền đi xa hơn nữa trong cải cách kinh tế, nhưng để tụ họp gia đình những ngày tết vẫn là một nét riêng.

   Tết ta xưa và nay, luôn đọng trong chúng ta là những ngày lễ lớn nhất trong năm. Không thể nào khác được.

Chuyện Làng Quê