Có lẽ không ít bạn có cảm giác giống tôi, ấy là “món ăn vụng luôn ngon nhất đời”.
Thuở ấy…
Chỉ ba ngày Tết mới có quần áo đẹp, chỉ ba ngày Tết mới được ăn no và ngon. Thế nhưng cái thằng nhóc là tôi vẫn chưa thoả, vẫn thích ăn vụng.
Thức ăn ngày Tết cũng như ngày thường phải "chó treo mèo đậy" nhưng chỉ chống được chó với mèo chứ không chống được bọn trẻ như tôi ăn vụng.
Ngay trong đêm 30 Tết, đứa nào trong mấy anh chị em chúng tôi cũng háo hức chờ cái bánh chưng nhỏ. Ấy là kèm vào các bánh chưng nhỏ thì mỗi đứa được mẹ cho một cái bánh chưng nhỏ, có buộc lạt để đánh dấu của từng người. Khi bánh được vớt ra, chúng tôi chảy cả nước bọt vì phải đợi mẹ đặt bánh lên bàn thờ thắp hương cúng Tổ tiên trước rồi chúng tôi mới được bóc bánh nhỏ của mình để ăn. Ôi ngon tuyệt, vị ngon ngấm thẳng vào chân răng chứ không cần đợi tiêu hoá ở bụng.
Ngày Tết dù đã được ăn no nhưng vì cả năm đói, nên chỉ một lúc sau bữa đã muốn ăn nữa. Cứ nhông nhông đi chơi một hồi là tôi lại về là lục cái chạn, ở đó có bánh chưng đã bóc chưa ăn hết, làm một miếng cùng với miếng giò thủ lợn. Trời ạ, cắn ngập chân răng, cảm giác cái ngon lan đến từng tế bào.
Không chỉ vậy đâu, cây táo ngoài vườn khi ấy cũng chín rũ rồi. Trước Tết mẹ cấm đứa nào được đụng vào ăn trộm dù chỉ một quả, vì chưa hái vào cúng cụ thì chưa được phép ăn trước. Hoạ hoằn lắm mới có quả táo chín bị chim rỉa rụng xuống, vậy là rình nhặt được ăn ngon lành. Tết thì mẹ đã hái những quả to nhất, ngon nhất đặt lên bàn thờ cúng các cụ tiền bối rồi, nên cánh trẻ bọn tôi tha hồ oanh tạc cây táo. Quả chín còn nhiều cơ man, chiều tối hôm trước đã tìm hái sạch bách quả chín mà sáng hôm sau lại có rất nhiều quả mới chín.
Sau mỗi đận chơi tam cúc, mấy anh chị em lại rủ nhau xuống bếp lục trang, oanh tạc sạch bách những đĩa bát thức ăn còn lại hồi tối.
Thế nên ở quê tôi, thời ấy người ta gọi là “ăn Tết” chứ không mỹ miều “đón tân xuân” hay “vui tết” như bây giờ đâu. Đã là Tết là cứ phải ăn, ăn ngon, ăn no và ăn vụng nữa.
Giờ thức ăn được bảo quản trong tủ lạnh, vừa vệ sinh vừa thơm ngon do không sợ bị ôi thiu, nhưng trẻ con no đủ nên chẳng cần ăn vụng như chúng tôi nữa.
Bao giờ cho đến ngày xưa…. ?
Chuyện làng quê