Tết xưa yêu dấu

Vào thập niên đầu của nền công nghiệp 4.0, tết cổ truyền cũng theo đó mà hiện đại ngang tầm với điều kiện phát triển kinh tế xã hội.

Tất cả các nhu cầu đều có đủ dịch vụ đáp ứng từ A _ Z theo xu thế sang chảnh có phần tốn kém. Không mang mục đích chính để bàn về điều đó, mà tôi muốn ôn lại vài nét tết xưa ở quê tôi mà nó không còn tồn tại đến ngày nay.

tet-xua-yeu-dau-1643604158.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 

 

1. Làm đẹp nhà cửa ngày tết (thời nay vẫn làm đẹp nhưng cả năm). Hồi đó trên 95% là nhà tranh vách đất, và nhất thiết sẽ quet vôi vào dịp tết, cho dù là giáp tết thì thời nào chả bận, song không nhà nào quét vôi sớm mà đa số là 30 tết, có ít nhà quét sớm nhất cũng phải là 26 tháng 12 al. (Hình như là sợ làm sớm nó sẽ cũ)

   2. Rắc hoặc quét vạch vôi giữ đất :Cũng trong dịp quét vôi tường nhà người ta sẽ quét hoặc rắc vôi bột quanh gianh giới đất để đề phòng quỷ xâm chiếm đất.

    Nhớ lại một kỷ niệm, năm đó tôi chỉ cứng chục tuổi nhưng đã biết quét vôi nhà (bố mẹ đi làm cả). Khi quét vôi xong tôi cũng đánh vạch gianh giới đất và vẫn còn thừa vôi, tôi liền vẽ một hình lớn ở sân theo hình cảnh báo nguy hiểm của ngành điện vẫn treo ở nơi có điện kém an  toàn. Vì lúc đó còn dại lắm nên chỉ nghĩ vẽ thế chắc quỷ càng sợ không dám vào. Khi bố đi làm về thấy thế xuýt cho một trận no đòn. Tôi phải cọ rửa sân cả buổi tối mà không thấy ngại, vì được miễn đòn đã là may lắm (nghịch đến thế là cùng)

   3. Không thể thiếu súng, pháo : Tết đến ít nhiều nhưng một trăm phần trăm phải có pháo (pháo cối, pháo lệnh, pháo con, pháo tép)nhưng tiền đâu mà mua pháo nhiều, mà ít thì đốt phát hết luôn. Vì thế mà phải làm súng diêm để lúc cần thể hiện thì làm phát trong cả 3 ngày tết. Mà diêm thì hiếm vô cùng, mỗi năm một gia đình được phân phối 6 hộp diêm để duy trì lửa nấu cơm còn không đủ thì của đâu mà bắn súng, nhưng ngoài chợ vẫn có bán giá cao (gọi là giá chợ đen). Vì thế vào tầm 3 tháng cuối năm chúng tôi vẫn phải lo mọi cách kiếm tiền để mua từ 5_10 hộp diêm giá chợ đen.

   4. Quần áo mới : không cần biết chất lượng gì nhưng tết phải có bộ mới, quanh năm mặc đồ vá nhưng năm nào thầy u lo được cho bộ đồ sớm hơn cũng sẽ cất kín để đúng sáng mồng một tết chứ không bao giờ chịu mặc sớm hơn.

   5. Câu hỏi cửa miệng : Ngày đó đi chơi tết sau câu chúc tết là câu hỏi nhau : Năm nay gói bao nhiêu bánh ? Đụng lợn nhà ai ? Đụng bao nhiêu lợn ? (nửa con, một góc, nửa góc, hoặc vài kg)

      Kể thì cũng còn nhiều nét của tết xưa, nhưng tôi chả bao giờ thích viết dài, nên chỉ  đưa một chút để các bạn trẻ thấy đôi điều khác với hôm nay, và bản thân tôi cũng ôn chút kỷ niệm thân thương khi tết đến .

Theo Chuyện làng quê