Văn học Việt Nam sau năm 1975 đã tồn tại và phát triển trong những điều kiện lịch sử và xã hội khác biệt rõ rệt với thời kỳ chiến tranh, trong một môi trường ý thức xã hội có nhiều biến đổi. Những điều đó tác động chi phối mạnh mẽ xu hướng vận động và đặc điểm của sự phát triển văn học Việt Nam suốt mấy chục năm qua. Trong thời kỳ đổi mới, quan niệm về con người chính là cơ sở chi phối những nguyên tắc chiếm lĩnh, cắt nghĩa đời sống của nhà văn, là nơi đánh dấu trình độ tư duy nghệ thuật của một thời đại, một trào lưu tác giả.
Lúc bấy giờ, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện, ngay lập tức đã làm chấn động dư luận khi ông nhìn con người như một bản thể tự nhiên. Từ trước đến nay, văn học thường viết về con người như một ý thức xã hội và sự phiến diện này hạn chế khả năng thuyết phục của văn học. Rõ ràng, ý thức giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống của con người nhưng làm sao có thể phủ nhận sức mạnh của tự nhiên chứ. Nhân cách con người không chỉ là kết quả của lý trí, mà còn là sự tham gia của vô thức, tiềm thức, tâm linh... Nguyễn Huy Thiệp có thể đã cực đoan khi quá nhấn mạnh vào phần bản năng tăm tối của con người nhưng cũng có những phát hiện sắc sảo về con người bản năng, vô thức.
Sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp đã làm xôn xao dư luận. Trong bài viết “ Có một cách đọc Vàng lửa” TSKH. Đỗ Văn Khang đã viết: “Thoạt đầu là Tướng về hưu, nay đến Vàng lửa và Phẩm tiết, rậm rạm có đôi năm mà Nguyễn Huy Thiệp đã khơi được một cuộc tranh luận về văn mình. Phỏng có dễ gì? (Đăng ở báo Văn Nghệ số 36 - 37 ra ngày 03 – 09 - 1988).
Chính sự nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lúc bấy giờ, phái “bốc thơm” đã có không ít người lợi dụng Nguyễn Huy Thiệp, tâng bốc nhà văn này để ăn theo. Vì mục đích phủ nhận nền văn học cách mạng, họ đã không ngần ngại tung hô Nguyễn Huy Thiệp là thần tượng của văn học thời đổi mới. Họ bảo Nguyễn Huy Thiệp đạt tầm cỡ thế giới, có thể so sánh với các nhà văn nổi tiếng Tư Mã Thiên (145Tr.cn - 87 Tr.cn), với đại văn hào Lỗ Tấn (1881 - 1936), là ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Việt Nam đương đại...
Nhưng sự thực thì Nguyễn Huy Thiệp có xứng đáng để được ca ngợi như vậy không? Khi một số truyện ngắn của nhà văn này có quá nhiều điều để chúng ta bàn, ví dụ như: Giọt máu, Trương Chi, Vàng lửa, Phẩm tiết...
Về truyện ngắn Phẩm tiết
Phẩm tiết tạo ra thế đối lập kép mà nhân vật nữ Vinh Hoa vừa là nhân vật có chức năng bảo tồn, duy trì phẩm giá vừa là điều kiện xác lập những đối kháng. Vinh Hoa chính là biểu tượng của cái đẹp, cái thiện, sự thanh khiết, và với lớp ý nghĩa này nhân vật trở thành nhân vật không hành động, chỉ là một tiêu chí, một phẩm chất nhằm xác lập một đối lập khác. Tuy nhiên, nếu đặt Vinh Hoa trong diễn tiến số phận của một con người, một đối tượng ngang hàng với những lực lượng khác, nhân vật nữ này cũng là một nhân vật hành động, tạo ra những biến cố trong sự phát triển cốt truyện. Ở đây, chúng tôi xác lập mô hình tự sự theo kiểu thứ hai, tức là khảo sát các biến cố trong cuộc đời Vinh Hoa: Vinh Hoa - Quang Trung; Vinh Hoa - Gia Long; và sự khác biệt trong cách cư xử với cái đẹp của Quang Trung - Gia Long.
Thực ra trong Phẩm tiết, Vinh Hoa chủ yếu là nhân vật mang chức năng lưu giữ, bảo tồn. Số phận của nhân vật khá ngẫu nhiên và kỳ lạ. Từ một dân nữ bình thường mang theo những tiền định huyền hoặc bước chân vào chốn cao sang, Vinh Hoa thoát ra khỏi tất cả mọi sự ràng buộc, nàng không thuộc về ai. Đây là môtip khá quen thuộc trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp khi nhân vật nữ luôn là biểu trưng của cái đẹp, “tín sứ” và cái thiện.
Đủ bản lĩnh và phẩm chất làm những việc mà không ai có thể làm, tội chết của người cha là ranh giới buộc Vinh Hoa phải bước vào một không gian khác. Tuy nhiên, ở trong môi trường mới này, hành động trân trọng vẻ đẹp và tôn trọng ý muốn của Vinh Hoa của vua Quang Trung vô tình đồng loã với sự khác người của nàng, tạo ra môi trường phù hợp với tính cách và phẩm chất của nhân vật. Mọi hành động của Vinh Hoa đều không gặp bất cứ cản trở nào. Cái chết của Quang Trung chính là ranh giới khép lại một không gian lưu giữ và nuông chiều phẩm giá của cái đẹp. Từ khi vua Quang Trung mất, nội bộ Tây Sơn rối ren. Gia Long vào thành Thăng Long. Vinh Hoa rơi vào tay viên tướng của Gia Long và được cứu khỏi chốn thô tục, được yêu chiều trong cung vua. Hãy làm một phép so sánh đơn giản về giây phút gặp Vinh Hoa của cả hai ông vua. Cả hai đều biết đánh giá cái đẹp. Tuy nhiên cách cư xử với cái đẹp lại hoàn toàn khác nhau.
Vua Quang Trung “rùng mình, hoa mắt, đánh rơi cốc rượu quý cầm tay…”, cho rằng: “được Vinh Hoa như được báu vật, một Vinh Hoa bằng ba vạn người”; Còn đối với Gia Long, vẻ đẹp của Vinh Hoa được cảm nhận trong không khí đầy nhục cảm, nó báo hiệu hành động tiếp theo của vua Gia Long là muốn sở hữu nàng “như nuôi con gà, con vịt trong nhà”. Trong một không gian đối lập với các giá trị đã được thừa nhận và lộ diện, hành động của Gia Long chính là vật cản, là ranh giới buộc Vinh Hoa phải bước qua để bảo tồn phẩm tiết.
Như chúng ta đã biết, truyện ngắn Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp đúng là có nhiều điều đáng bàn. Ngay từ những dòng đầu tiên, thông thường thì nhiều người có thể lấy lời đề từ nhưng nhà văn này đã trích dẫn 3 câu lấy trong Truyện Kiều của Nguyễn Du như:
“Chữ trinh đáng giá ngàn vàng...
Chữ trinh còn một chút này....
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường...”
Và từ đó kéo theo là cả một câu truyện có thể nói là “tưởng tượng” của Nguyễn Huy Thiệp. Việc tìm ra ngôi mộ cổ ở vùng lòng hồ trong khu vực thủy điện sông Đà.... có lẽ theo nhà văn thì nó có quá nhiều điều bí ẩn và chính nhà văn đã viết:
“Tôi băn khoăn quá, phải là người mơ mộng và nghiêm khắc mới hiểu rằng biết hoặc không biết đều chỉ là ước lệ mơ hồ, có tính lịch sử hạn chế”. Câu chuyện Phẩm tiết chính là kể về người phụ nữ nằm trong ngôi mộ cổ ấy. Dưới con mắt của Nguyễn Huy Thiệp thì “cái xác ướp” có tên là Ngô Thị Vinh Hoa ấy, khi mới sinh ra đã có tài “Tri thiên mệnh” (biết mệnh trời). Khi lớn lên thì cái tài tri thiên mệnh đó làm cho người cha của cô cũng rất sợ: “Khải rất sợ”. Bởi vì Vinh Hoa lớn lên nói câu nào thiêng câu ấy. Tỉ như trời nắng chang chang, nàng buột miệng ngày kia trời mưa, quả nhiên ngày kia trời mưa thật. Tỉ nhiên có người đi qua, nàng bảo mai ông này chết, quả nhiên người ấy không ốm đau bệnh tật gì hôm sau lăn ra chết...
Nhìn truyện Phẩm tiết dưới góc độ lịch sử
Có lẽ Nguyễn Huy Thiệp đã mắc sai lầm lớn khi xây dựng nhân vật Ngô Thị Vinh Hoa, một người biết được nhiều điều quan trọng có thể xảy ra, nhưng có lẽ “Bụt chùa nhà không thiêng”.
Tên Sâm, vốn là một tên đểu cáng, xuất thân từ lái buôn trâu, từ lâu đã có ý hại chủ. Khi cơ hội đến, tên lái trâu đã đưa chủ vào con đường chết. Vậy thì cái tài biết xem cả nhân tướng học, với tri thiên mệnh của Ngô Thị Vinh Hoa để đâu khiến cho cha mình là Ngô Khải phải chết? Đúng là một sai lầm lớn của Nguyễn Huy Thiệp?
Mặt khác, khi đề cập người anh hùng áo vải là vua Quang Trung (Nguyễn Huệ), Nguyễn Huy Thiệp đã làm xấu đi hình ảnh của vị anh hùng dân tộc. Vua Quang Trung giận mắng Ngô Khải đã được Nguyễn Huy Thiệp mô tả như sau: “Thằng Khải kia, tài bằng cái đấu, khinh ta quá chừng! Trời cho mày sống, cướp không biết bao nhiêu lộc thiên hạ, ăn miếng ngon không biết đậy mồm, còn chê lợm. May nhờ phúc tổ, có ít của chìm, như cái đuôi khô, tháng ba ngày tám mang ra gặm tưởng xênh xang ư?” Chưa hết, Nguyễn Huy Thiệp còn miêu tả Ngô Thị Vinh Hoa vào cung khi cha mình đã chết, phải chăng đây cũng là một cách tự tiến thân vào cung của Ngô Thị Vinh Hoa mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã nghĩ ra.
Một người làm vua, thông thường không bao giờ người ta hỏi những câu như thế. Ví dụ, Tần Thủy Hoàng (259 Tr.cn - 210 Tr.cn) sau khi làm vua cũng muốn truyền lại cho con cháu đến muôn đời, ở Việt Nam ngay trước triều đại Tây Sơn, triều Hậu Lê cũng trải qua 27 đời vua, còn như chúng ta biết triều Tây Sơn sau đó đã sụp đổ vì có nhiều nguyên nhân khác nhau.
Vua Quang Trung là một thiên tài quân sự, đánh đâu thắng đấy, bách chiến bách thắng, là người có bản lĩnh, làm gì có chuyện để người khác coi thường. Vua Càn Long ( 1711 - 1799) nhà Thanh của Trung Quốc còn phải kiêng nể. Vậy mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã dựng lên một Quang Trung chỉ biết ngồi im mà nghe Vinh Hoa phán quyết tầm bậy. Một vua Quang Trung đã bị Nguyễn Huy Thiệp dựng lên như là một kẻ nông nổi, lỗ mãng trước kẻ sĩ Bắc Hà nhưng sự thật lịch sử Việt Nam có như vậy không? Như chúng ta đã biết, vua Quang Trung là người như thế nào và với cách nhìn của kẻ sĩ Bắc Hà đánh giá về Quang Trung như thế nào thì chúng ta đều biết rất rõ. Ngay như hoàng hậu Ngọc Hân (1770 – 1799), khi vua Quang Trung mất, chúng ta cứ đọc bài “Ai tư vãn” của Ngọc Hân sẽ biết.
Về cái chết của Quang Trung, ngay cả sử sách của chúng ta cũng không chép được tài như Nguyễn Huy Thiệp. Cái chết bất ngờ của vua Quang Trung, đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác. Trong cuốn sách “Hoàng đế Quang Trung” của Phó GS.TS sử học Đỗ Bang cũng chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu. Vậy mà Nguyễn Huy Thiệp tả được cảnh khá tỉ mỉ như vua Quang Trung chết không nhắm mắt mà cuối cùng phải nhờ Vinh Hoa: “Vinh Hoa phải lấy ngón tay út của mình đặt lên hai mi mắt nhà vua thì mắt nhà vua mới nhắm lại được. Sau đó, chỗ ngón tay út của Vinh Hoa đen như chàm, rửa thế nào cũng không sạch”. Ở tình tiết này, nói như TSKH. Đỗ Văn Khang là Nguyễn Huy Thiệp đã đạt tới mục đích cuối cùng là hạ bệ một lịch sử dân tộc, một lịch sử đã phải viết bằng máu và mồ hôi, bằng cả vinh quang và đau đớn mới có được. Kể ra thì lời khẳng định này cũng có lý.
Trong lịch sử Trung Hoa và kể cả trong lịch sử Việt Nam đúng là không thiếu các “hôn quân bạo chúa” nhưng chúng ta hầu như chưa bao giờ được nghe những từ ngữ chắc chỉ có Nguyễn Huy Thiệp đã thay mặt các quan chép sử ghi lại, viết lại như: Vua Gia Long (1762 - 1820) gọi Toàn là: “Thằng khốn nạn theo voi ăn bã mía kia, đểu cáng chừng nào. Mày mượn danh ta để đi ăn cướp với chơi gái à?” hay: “Thằng mặt xanh kia kề miệng lỗ mà còn dê ư? Ta cho cắt dái mày, ta cho mày ăn cứt”.
Thực ra trong lịch sử, nếu một người nào đó bị phạm tội có thể đền tội bằng cách “cung hình” tức là bị hoạn. Ví dụ như trường hợp của sử gia Tư Mã Thiên. Hơn nữa, thông thường kẻ nào có tội, tất nhiên kẻ đó bị nghiêm trị nếu luật pháp nghiêm chứ làm gì có chuyện nhà vua nói “ta cho cắt dái mày” như Nguyễn Huy Thiệp đã dùng.
“Con người làm mọi việc chẳng qua cũng chỉ vì mục đích của mình” (Các Mác), ngẫm ra kể cũng đúng. Mục đích của những kẻ nói như vua Gia Long chửi tên Toàn là tên ăn cướp với chơi gái, vậy mà khi có được Vinh Hoa, y đã “không làm gì được” chỉ vì “mày không chịu”. Ôi, như thế thì may mắn cho nhân loại quá, như thế thì có lẽ trên thế giới này sẽ không bao giờ có tòa án phải mở ra để xét xử những tên “yêu râu xanh” bởi vì khi chúng định hiếp, định chiếm đoạt một người con gái nào đó mà người con gái đó không chịu thì chúng sẽ dừng lại. Vậy là ở thời điểm này, Nguyễn Huy Thiệp đã quá non tay hay nhà văn muốn đề cao cái “chữ trinh tiết” và ở điểm này phái “bốc thơm” có người còn cho rằng đó là một hình tượng biểu hiện cho “cái đẹp”, cho “tự do”, cho tính người hơn cả “người” mà đến cả vua Quang Trung, hay cả vua Gia Long cũng không thể đụng tới được?
Ngày xưa các cung tần mỹ nữ trong cung thường có tới hàng ngàn người, thông thường khi đã được vào cung thì bất kỳ cung nữ nào cũng mong muốn được nhà vua sủng hạnh, được một lần nhà vua ban phát, nhưng chuyện gặp nhà vua đâu dễ vì có quá nhiều cung tần mỹ nữ mà. Chính vì vậy mới có chuyện các họa sỹ phải vẽ tranh các người đẹp dâng lên cho vua nhìn xong mới chọn như trường hợp nhà Tây Hán (206 Tr.cn - 8 S.cn), họa sỹ Mao Diên Thọ đã vẽ các cung nữ, trong đó có Vương Chiêu Quân - một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc.
Chỉ vì không đút lót tiền cho Mao Diên Thọ nên bị y vẽ xấu xí. Gặp được vua là điều may mắn, vậy mà Vinh Hoa trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp có lẽ là trường hợp đặc biệt. Hơn nữa vào cung cấm, thường thì các cung nữ ngày xưa được chọn từ rất trẻ, các bé gái được hơn 10 tuổi đã có những người đi tuyển chọn, họ chọn các bé gái xinh xắn đưa vào cung nuôi nấng, dạy các ứng xử trong cung, dạy đàn hát, nghi lễ và chờ đến khi trưởng thành người nào may mắn sẽ có dịp được gặp mặt vua.
Các cung nữ cũng được ăn bổng lộc nhưng khi nhà vua bị chết, các cung nữ có thể bị chôn theo, nhưng đa số sẽ được cho về quê sinh sống. Nói chung họ bị quản lý, được bảo vệ rất cẩn thận, không bao giờ có chuyện nói như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết: “Sau khi vua Gia Long nghe tiếng đàn, gục đầu xuống bàn ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy nhà vua không thấy Vinh Hoa đâu nữa”. Đúng là thật vớ vẩn. Cung cấm chứ có phải cái chợ đâu mà thích thì đến không thích thì đi như thế được. Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân (1500 - 1581) có 72 phép thần thông biến hóa giỏi như thế còn không thoát khỏi bàn tay Phật tổ Như Lai khi cho quả núi đè lên. Vậy mà chỉ trong một đêm, Vinh Hoa đã “biến” được khỏi cung cấm, đúng là Nguyễn Huy Thiệp “tài” thật.
Chưa dừng lại ở đấy, Nguyễn Huy Thiệp còn miêu tả, sau đấy có lẽ vì quá thương nhớ người đẹp cho nên nhà vua đã cho người đi tìm nàng ở khắp nơi nhưng không tìm thấy. Có lẽ lệnh vua đã ban xuống cho nên khi người ta vớt được xác một người phụ nữ quý tộc trôi trên sông vùng huyện lị Đà Bắc (thuộc phủ Hưng Hóa) khi quan sở tại về triều đình. Vua Gia Long cho người xem, nhận ra người chết giống hệt Ngô Thị Vinh Hoa. Nhà vua cho làm ma này rất hậu, bắt lập miếu thờ.
Ở điểm này đúng là Nguyễn Huy Thiệp đã quá đuối khi không biết đưa ra một cái kết như thế nào sau khi Vinh Hoa “biến” mất khỏi cung. Một lần nữa chính Nguyễn Huy Thiệp đã biến vua Gia Long thành một kẻ khờ, có lẽ vì lệnh của nhà vua đã làm khổ nhiều người vì bắt họ đi tìm nàng. Có lẽ một kẻ nào đó đã nghĩ ra một cách tìm một cái xác nào đấy gắn cho là Ngô Thị Vinh Hoa thế là xong và thế là vua Gia Long tin rằng không thấy người thì cũng đã thấy xác...
Vậy mà ở truyện này vẫn có nhiều người khen rằng Nguyễn Huy Thiệp viết hay. Đó là gu thẩm mỹ của mỗi người. Chỉ biết rằng qua mấy truyện ngắn Kiếm sắc, Vàng lửa, Giọt máu, Trương Chi và Phẩm tiết, chúng ta thấy đúng như lời của TSKH Đỗ Văn Khang đã nói: “văn của Nguyễn Huy Thiệp ngày càng sa sút”.
Như chúng ta đã biết năm 1997, sự kiện kì thủ cờ vua người Nga Garry Kimovich Kasparov (sinh 13 – 04 - 1963) ngày 11 – 05 - 1997 đánh ván cờ siêu kinh điển với siêu máy tính Deep Blue, chỉ sau 19 nước đi, khi trên bàn cờ vẫn còn 2 xe, 2 mã, 2 tượng vậy mà đại kỳ thủ người Nga đã xin thua. Ông giải thích rằng: “Ông đã đi sai ở nước thứ 6, nếu cứ tiếp tục đi thì vẫn cứ thua. Một định luật nổi tiếng khác là định luật Muphy, cũng có nói: “Cái gì đã đi sai hướng, sẽ đi sai hướng”.
Nhìn chung, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo nên một giọng điệu riêng trên con đường văn học của mình. Nhưng ông cũng mắc những sai lầm, như cách viết trong truyện Phẩm tiết.
Tài liệu tham khảo:
1.Bình văn hiện đại - Đỗ Văn Khang, Nxb Lao Động 2010.
2. Giáo trình văn học Việt Nam hiện đại, tập II( từ sau cách mạng tháng 8 - 1945), Nguyễn Văn Long chủ biên, Nxb Đại học Sư phạm.
3. Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp- Phạm Xuân Nguyên,
Nxb Văn hóa thông tin, 2001.
4. Kể chuyện chín chúa mười ba vua đời Nguyễn, Tôn Thất Bình,
Nxb Đà Nẵng, 1997.
5. Kể chuyện các nhà vua đời Nguyễn, Nguyễn Viết Kế,
Nxb Đà Nẵng 2001.